Sẽ khó giữ chân người tài, nếu…

24/12/2012 03:25 GMT+7

Nói về trọng dụng nhân tài, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Văn Quynh (ảnh) ví von: “Khi chúng ta trồng cây, chúng ta phải quan tâm chăm sóc, vun trồng, thậm chí phải gìn giữ để không bị bão gió xô đẩy thì cây đó mới có thể trưởng thành, cứng cáp”.

Chủ trương và thực tế còn có khoảng cách khá xa

Thưa ông, qua thực tiễn triển khai, dù về chủ trương nhà nước luôn khẳng định ưu tiên người tài, quy hoạch cán bộ trẻ kế cận vào bộ máy nhà nước nhưng giữa chủ trương và thực tế còn có khoảng cách khá xa?

Trước nay Đảng và Nhà nước vẫn rất coi trọng người trẻ, nhất là trẻ mà lại tài năng, xuất sắc. Nhưng người trẻ, người xuất sắc muốn trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý còn đòi hỏi phải có năng lực thực tiễn, đó là điều mà người trẻ nhiều khi chưa đáp ứng được, đòi hỏi phải có quá trình tích lũy.

Để tìm cán bộ trẻ quy hoạch, bổ nhiệm làm lãnh đạo thì bản thân lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện về môi trường làm việc cho người ta phát triển.

 Sau này, khi thực hiện Đề án “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ” (đang được xây dựng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị), chúng tôi muốn đề xuất có một cơ quan làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính để lo triển khai việc cung cấp nguồn cán bộ này cho các cơ quan sử dụng, sau đó theo dõi quá trình sử dụng những người trẻ này như thế nào, phát triển người ta ra sao để có sự đánh giá trở lại, lúc đó chúng ta mới hy vọng có đội ngũ những người trẻ giỏi trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Nhiều ý kiến cho rằng người tài vẫn chưa mặn mà vào bộ máy nhà nước, do tình trạng tiêu cực trong thi tuyển công chức, chạy chức chạy quyền phổ biến?

Tôi nghĩ không hẳn như vậy, tất nhiên những điều bạn nói có thể có nhưng không phải phổ biến. Để khắc phục tôi cho rằng chúng ta cần có bộ máy chuyên trách lo việc quy hoạch, bố trí, sử dụng người tài trong hệ thống bộ máy nhà nước như thế nào. Ví dụ bây giờ chúng ta chọn được nguồn này rồi thì giới thiệu cán bộ cho những chỗ nào để chúng ta sử dụng có hiệu quả nhất. Nếu không thì từ cán bộ giỏi ấy, nhân tố giỏi ấy người ta cũng không phát huy lên được.

Vậy mấu chốt để thu hút những người trẻ tài năng vào bộ máy và “giữ chân” họ thành công nằm ở việc thỏa mãn các điều kiện vật chất, tạo môi trường để họ cống hiến hay còn lý do nào khác?

Trong thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân tài đòi hỏi yếu tố cần và đủ, từ phương tiện đi lại, nhà ở, thu nhập… nhưng đó không phải là điều kiện đủ, cũng không phải vấn đề cốt yếu nhất mà phải là sự nhìn nhận, thái độ trọng thị của lãnh đạo cơ quan tuyển dụng, sử dụng nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho nhân tài được cống hiến, phát huy được sở trường.

 Người tài cần được đặt đúng chỗ
Người tài cần được đặt đúng chỗ - Ảnh: Ngọc Thắng

Không đủ tỷ lệ trẻ, không phê duyệt nhân sự

Để có đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, theo ông có nên nhân rộng các mô hình sáng kiến trong thu hút người giỏi vào bộ máy, mạnh dạn bổ nhiệm người trẻ tài năng vào các vị trí lãnh đạo, như Đà Nẵng, TP.HCM đang làm?

Mỗi địa phương đều có cách làm năng động, sáng tạo. Chúng tôi thấy cái đó rất đáng để các địa phương học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, về tổng thể thì mới đây T.Ư có văn bản 15 hướng dẫn công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã đưa ra yêu cầu thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ (mỗi nhiệm kỳ đổi mới 30-40% cấp ủy viên các cấp), quy định cần đưa vào quy hoạch những người có triển vọng, nhưng phải trẻ tuổi, để có quỹ thời gian cho việc đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ và kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cấp dưới. Chẳng hạn khi chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, ví dụ người ta quy định cấp ủy của anh được 55 người, trong đó tỷ lệ trẻ được 15%, tức là anh phải có 8-10 người, nhưng nếu anh đưa danh sách 55 người mà không đủ tỷ lệ trẻ thì người ta trừ lại số tỷ lệ quy hoạch trẻ để bắt buộc anh bổ sung.

Nếu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc quy định quy hoạch bổ nhiệm cán bộ trẻ, có chế tài gì xử lý không, thưa ông?

Việc quy hoạch để bố trí người trẻ vào vị trí lãnh đạo được coi là nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nếu không đáp ứng được thì có thể hiểu là anh chưa hoàn thành nhiệm vụ. Còn chế tài ràng buộc chặt chẽ nhất trong vấn đề này chính là cấp có thẩm quyền không phê duyệt nhân sự anh đề xuất nếu không đảm bảo đủ tỷ lệ trẻ như đã nói.

Bảo Cầm
(thực hiện)

>> Sắp trình Bộ Chính trị Đề án thu hút nhân tài
>> Khuyến khích, trọng dụng người tài phát triển khoa học công nghệ
>> Tại sao người tài về rồi lại đi ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.