Cả nước đã cổ phần hóa gần 2.000 doanh nghiệp

27/10/2004 09:16 GMT+7

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, đến nay cả nước đã có hơn 1.960 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và sau khi chuyển thành công ty cổ phần hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động có hiệu quả, vốn điều lệ và doanh thu tăng, thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt.

Riêng năm nay, cả nước đã cổ phần hóa được trên 400 doanh nghiệp và đã sắp xếp lại 600 doanh nghiệp thông qua việc sáp nhập, giải thể, phá sản.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp vẫn còn chậm do vướng mắc chủ yếu ở việc xác định giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính cho việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần thiếu đồng bộ, nhiều điểm không phù hợp, chậm được sửa đổi bổ sung. Bản thân tình hình tài chính trong doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa phần lớn còn thiếu lành mạnh, lỗ lãi không rõ ràng.

Ngoài ra, cơ cấu vốn cổ phần ở các doanh nghiệp này nhìn chung là khép kín, chưa thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, nên chưa tạo được sự thay đổi cơ bản trong phương thức quản trị doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động thí điểm theo 4 mô hình mới.

Thứ nhất là chuyển tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 43 đề án hoạt động theo mô hình này và đã có 3 doanh nghiệp chuyển đổi thí điểm là Công ty Xây lắp Điện 3, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Bộ Công nghiệp) và Công ty hợp tác kinh tế (Bộ Quốc phòng).

Hai là, thí điểm mô hình thuê hoặc ký hợp đồng với tổng giám đốc. Các tổng công ty đang xây dựng đề án này là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng Công ty Cơ khí ôtô.

Ba là, thí điểm cổ phần hóa toàn bộ tổng công ty nhà nước. Trước mắt, sẽ tập trung chỉ đạo cổ phần hóa thí điểm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Công ty Điện tử - Tin học Việt Nam, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng Công ty thương mại và xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) và Công ty Bảo hiểm TPHCM (Bộ Tài chính).

Cuối cùng là thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh. Chính phủ chỉ đạo sớm hình thành tập đoàn bưu chính viễn thông, xây dựng, công nghiệp, hàng không. Các tập đoàn này phải đảm bảo các tiêu chí là quy mô lớn, phạm vi hoạt động đa quốc gia, có tính ảnh hưởng cao và mối liên kết trong nội bộ chặt chẽ.

(Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.