Mấu chốt là tiêu thụ

12/12/2008 00:31 GMT+7

Đối với VN, vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định; trong những tháng đầu năm lạm phát cao, tiền tệ bị thắt chặt để kiềm chế, thì vốn là vấn đề mấu chốt theo cả hai nghĩa: khối lượng vốn và lãi suất vay.

Nay lãi suất vay vốn đã được hạ nhanh, hạ liên tục, trở về mức cuối năm 2007; vị thế trong quan hệ tín dụng cũng đã được thay đổi: chuyển từ việc các doanh nghiệp (DN) tìm đến ngân hàng thương mại (NHTM) sang các NHTM tìm đến các DN; việc tiếp thị không chỉ là của cán bộ tín dụng mà đến cả lãnh đạo NHTM. Nhưng vốn ra vẫn chậm. Có nhiều yếu tố tác động, nhưng mấu chốt là tiêu thụ.

Tiêu thụ bao gồm ba kênh: tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu cho đầu tư, sản xuất; tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước; xuất khẩu ra nước ngoài.

Kênh tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu cho đầu tư, sản xuất đầu năm bị giảm, cuối năm có khá hơn nhưng vẫn chậm và tính chung cả năm, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng chậm, thậm chí có loại còn bị giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GDP đã giảm từ 45,6% trong năm trước, năm nay ước chỉ còn 39%. Tăng trưởng GDP thấp hơn năm trước khoảng 2%, trong đó nhóm ngành công nghiệp - xây dựng (riêng ngành xây dựng còn bị giảm) và nhóm ngành dịch vụ đều tăng thấp hơn năm trước.

Kênh tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ở trong nước tăng chậm lại, tốc độ tăng thấp chỉ còn bằng một nửa năm trước và nếu tính theo tháng thì xu hướng giảm qua các tháng. Người tiêu dùng vừa có thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán tăng chậm, có bộ phận còn bị giảm do thiên tai, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, vừa "thắt lưng buộc bụng", có một bộ phận có tâm lý còn chờ đợi giá giảm nữa mới mua sắm.

Kênh xuất khẩu giảm dần qua các tháng do người tiêu dùng ở các nước Mỹ, châu u, Nhật Bản thắt chặt hầu bao và do sự cạnh tranh mạnh hơn của hàng hóa các nước tại các thị trường trên. Trong khi đó, lượng hàng không xuất khẩu được vào Mỹ, châu u, Nhật Bản của một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… quay trở lại "đổ" vào VN. Hàng hóa của các nước này ngoài những lợi thế khác như trước đây, còn có thêm lợi thế về tỷ giá, tức là tỷ giá đồng tiền của các nước trên so với USD tăng cao hơn nhiều so với tỷ giá VND/USD. Đó là chưa nói, do ứ đọng lớn, nên chủ hàng ở các nước này còn bán dưới giá để tiêu thụ.

Để giải quyết khó khăn về tiêu thụ, ngoài giải pháp cơ bản như trước đây là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước, cần thực hiện nhiều giải pháp khác, trong đó kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Đối với ngân hàng, ngoài việc giảm lãi suất cho vay mới, còn cần phải thực hiện giải pháp mới cơ cấu lại nợ vay cũ theo hướng cơ cấu lại thời hạn nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất các khoản vay có lãi suất cao…

Ngoài chính sách lãi suất, ngân hàng cần linh hoạt hơn nữa trong việc điều hành tỷ giá theo hướng ngăn chặn sự suy giảm của xuất khẩu, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối,… Chính sách tài khóa cần chia lửa với chính sách tiền tệ, trong đó có việc bù lãi suất, giảm thuế sản xuất và xuất khẩu, tăng thuế nhập khẩu trong khung được phép. Đẩy mạnh đầu tư vào xây dựng, nhất là cơ sở hạ tầng, để vừa tiêu thụ được vật liệu xây dựng đang ứ đọng, vừa chặn đà giảm sút của ngành xây dựng, vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa có thời gian tranh thủ sản xuất ngay khi cuộc khủng hoảng trên thế giới được khắc phục.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.