Tham nhũng trong quản lý đất đai

25/11/2010 23:02 GMT+7

12% cán bộ thừa nhận bắt tay với trung gian và 25% trung gian cho biết "hợp tác" với cán bộ “giúp” dân thực hiện quá trình lách luật.

Đây là kết quả khảo sát tại 3 tỉnh, thành có nhiều khiếu kiện về đất đai nhất là Hà Nội, TP.HCM và Vĩnh Phúc, được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố trong đối thoại phòng chống tham nhũng lần 8 giữa VN và các đối tác phát triển, với chủ đề “Tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai ở VN”, diễn ra sáng 25.11 tại Hà Nội.

Tại dân hay tại “quan”?

Theo TTCP, người dân phải chịu sự nhũng nhiễu và kéo dài ở cấp phường/xã, thời gian lưu hồ sơ đất đai ở phường trung bình mất 127 ngày, tối đa lên tới 1.290 ngày. Để được giải quyết nhanh, khoảng 62% số hộ phải chi trung bình 1,2 triệu (cao nhất 15,5 triệu đồng) để có sơ đồ thửa đất, tổng chi phí ở phường có thể từ 4 triệu lên tới 85 triệu đồng; khoảng 30,7% người dân cho biết phải “bồi dưỡng” khi làm việc với cán bộ một cửa ở cấp quận.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 51% người dân thuê cán bộ làm dịch vụ trung gian xin cấp mới giấy chứng nhận sử dụng đất, với mức phí “trọn gói” trung bình 8,9 triệu đồng, cao nhất lên tới 50 triệu đồng. Để chuyển nhượng đất, có 44% người dân cũng phải “cậy” đến cán bộ công quyền với chi phí trung bình 2,2 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng. Thậm chí ở khâu được xem là công khai nhất là cung cấp thông tin đầy đủ, người dân cũng phải chi trả cả triệu đồng để được tiếp cận thông tin.

Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp chống tham nhũng tập trung vào thuế, tài chính công, ngân hàng… Đây là những vấn đề rất nhạy cảm. Chống tham nhũng, quan trọng nhất vẫn là cải cách hành chính, không giải quyết được thì sửa mọi cái khác đều không hiệu quả.
Ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ

Đại sứ Thụy Điển tại VN Staffan Herrstrom, cho rằng tham nhũng nói chung và tham nhũng đất đai khiến người dân nghèo càng nghèo hơn, còn Chính phủ bị thất thu ngân sách. Còn ông Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp QH, nói: “Theo khảo sát của Ủy ban Tư pháp QH, người dân khi tiếp xúc với cán bộ sẵn sàng đưa hối lộ, cán bộ nhận tiền cũng là bình thường, trở thành thói quen, không có thì thấy thiếu”.

Theo ông Quyền, “thói quen xấu” trên do cả hai bên, người dân chưa được nâng cao về mặt nhận thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhiều trường hợp không nhất thiết phải mất tiền “lót tay” một cách oan uổng, nhưng người dân khó có sự lựa chọn khác khi nhiều cán bộ nhũng nhiễu, yêu sách, vòi tiền (một khảo sát của TTCP cho thấy 11,4% cán bộ bộ phận một cửa có thái độ sách nhiễu, gây khó khăn, 15,3% gợi ý tính và đóng thuế giúp, 13,2% cho số liên hệ cán bộ tài nguyên môi trường và thuế - PV). Trong khi ông Trần Văn Truyền, Tổng TTCP, cho rằng “thể chế đang là kẽ hở làm tham nhũng ngày càng nhiều hơn, nhưng để cải cách thể chế lại là câu chuyện dài hơi”.

Cần minh bạch tài sản của cán bộ

Khẳng định Chính phủ VN đã có nhiều nỗ lực trong chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng đất đai, song đại diện Ngân hàng Thế giới, ông James Anderson cũng cho rằng nhiều vướng mắc về cơ chế khiến nỗ lực này chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Cụ thể là sự chồng chéo chức năng quản lý và điều hành trong quản lý hành chính khi UBND ra quyết định về sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ tịch UBND đồng thời cũng là người đứng đầu ủy ban phòng chống tham nhũng, Thanh tra lại phụ thuộc vào UBND…

Các nhà tài trợ khuyến cáo ngoài việc giảm những đặc quyền, đặc lợi lớn của cán bộ công quyền, việc “mở cửa” cho cộng đồng, người dân tham gia giám sát thực thi chính sách rất cần thiết và phải thực sự bảo vệ người tố cáo. Mặt khác phải cải thiện cơ chế trách nhiệm giải trình như công khai kiểm tra các kê khai thu nhập và tài sản của cán bộ, tăng cường các hoạt động điều tra độc lập…

Tuy nhiên, theo ông Truyền, minh bạch công khai tài sản cán bộ hiện nay rất khó, bởi Luật Phòng chống tham nhũng chỉ mới đưa ra yêu cầu kê khai tài sản, minh bạch có điều kiện với những người tham gia bầu cử, người bị tố cáo.

“Trách nhiệm chống tham nhũng nếu chỉ dồn lên vai TTCP là bất khả thi, bởi Cục Chống tham nhũng của TTCP chỉ có 30, 40 người. Các nhà tài trợ nói vấn đề thể chế của VN tương đối tốt, vấn đề còn lại là hành động, hành động phải có trách nhiệm và sự tự giác của cán bộ. Chúng ta không thiếu chủ trương, nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả, mỗi cá nhân có trách nhiệm chống tham nhũng chưa tốt”, ông Truyền nói.

Cũng theo ông Truyền: “Chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng đất đai đòi hỏi tầm chiến lược lâu dài, nhưng có cái phải làm khẩn trương. Quản lý đất đai là cải cách quy trình thủ tục đất đai tốt hơn, cán bộ quản lý cũng là vấn đề cấp bách cần cải tổ. Phải thay đổi những cán bộ thiếu năng lực trách nhiệm”. Về lâu dài, ông Truyền cho rằng minh bạch hệ thống pháp luật phải có vai trò của Chính phủ và QH. Một mặt về thủ tục hành chính, cơ chế vận hành hành chính, mặt khác là trách nhiệm và đạo đức công vụ của công chức.

“Phải có quy định đầy đủ, minh bạch và mạnh mẽ hơn để kiểm soát trách nhiệm của công chức, nếu có vi phạm phải xử lý kịp thời thì mới có tính răn đe, ngăn ngừa tốt”, ông Truyền nói và thừa nhận: “Tham nhũng, phát hiện đã rất khó khăn, nhưng xử lý còn khó khăn hơn. Bởi quyền của thanh tra chưa được rõ, mạnh mẽ nên chỉ phát hiện và kiến nghị, không tham gia vào xử lý được, tác dụng ngăn ngừa, răn đe hạn chế”.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.