Những người vẽ giấc mơ

11/12/2008 23:40 GMT+7

Đằng sau hàng ngàn bức tranh diễm lệ là sự lao động không mệt mỏi của 19 họa sĩ khuyết tật tại Trung tâm Chắp Cánh ở Q.Bình Tân, TP.HCM.

Ngôi nhà lưu giữ những giấc mơ

Mới bước vào Trung tâm Chắp Cánh chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên. Từ trong ra ngoài đều treo đầy tranh tĩnh vật. Những bức tranh khắc họa các sự vật bình dị như chiếc lá, chùm nho, bình hoa và những con người bình thường như nữ sinh cắp sách tới trường, phụ nữ gội đầu bên suối... Nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của các họa sĩ, cái giản dị, bình thường đó đã hóa thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Dù nó đã trở nên sang trọng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp tinh tế của tự nhiên. Tranh được vẽ rất công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn với chất liệu bằng sơn dầu.

Khi lên tới phòng vẽ, chúng tôi lại càng không thể tin vào mắt mình. Có đến hàng ngàn bức tranh... đó là công lao của 19 họa sĩ khuyết tật. Và họ vẫn đang vẽ  say mê. Gương mặt, ánh mắt của họ như đang biểu hiện sự biến tấu và thăng hoa của tâm hồn nhạy cảm. Phía góc trong cùng, họa sĩ Nguyễn Văn Toàn đang “săm soi” cô thôn nữ yếm thắm với “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” trong bức chân dung sắp hoàn thành. Còn họa sĩ Nguyễn Hồng Phong lại đang hoàn chỉnh bức tranh sao chép bình hoa đa màu sắc rất lớn. Xung quanh, các họa sĩ khác đang cặm cụi vẽ. Tất cả họ đều ngồi trên xe lăn. 19 con người, mỗi thân phận là một câu chuyện cảm động về sự kiên cường vượt lên nỗi đau. Họ đã một lần vỡ vụn cả tinh thần lẫn thể xác do gặp phải nghịch cảnh trong cuộc đời. Nỗi đau dồn nén bấy lâu, bây giờ vỡ òa vào từng nét cọ để tạo nên những tác phẩm hội họa đầy tâm trạng.

 

Nguyễn Văn Toàn đang “săm soi” cô nàng yếm thắm

Đỗ Minh Tâm sinh năm 1973, quê Thanh Hóa. Từ một chàng trai cao to, khỏe mạnh, năm 2002, anh bị tai nạn giao thông và trở thành người tàn tật. Sau một năm điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, thấy anh không có người thân, bệnh viện chuyển anh vào Trung tâm Chắp Cánh. Hỏi thăm về gia đình, anh kể: Từ lúc sinh ra tới giờ, anh không hề biết cha mẹ đẻ của mình là ai. Anh được một cặp vợ chồng nhận nuôi. Rồi một ngày anh bỏ nhà ra đi. Hơn 20 năm phiêu bạt từ Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, anh đã làm nhiều nghề để kiếm sống. Đã 6 năm trôi qua nhưng anh vẫn chưa thoát ra khỏi biến cố khủng khiếp biến anh thành người như bây giờ... Tứ chi của anh đã tê liệt. Anh không thể vẽ bằng tay hay bằng chân mà phải vẽ bằng miệng. Anh ngậm cọ rất vất vả. Mỗi lần cắn chặt cây cọ giữa hai hàm răng, quai hàm anh bạnh ra, đầu chuyển dịch lên xuống, trái phải liên tục. Hai bàn tay anh bị teo hết cơ, ngửa ra hai bên thành xe lăn như muốn cử động để hỗ trợ cho miệng nhưng nó đành bất lực nằm yên, chỉ có một số ngón tay thỉnh thoảng nhúc nhích. Dù trán rịn đầy mồ hôi nhưng đôi mắt anh vẫn ánh lên niềm đam mê, không có đau đớn, khó khăn nào có thể ngăn cản được.

Giấc mơ tiều phu

Câu chuyện của chàng tiều phu hằng ngày lên núi đốn củi về nuôi cha già được họa sĩ Đào Minh Phụng khắc họa rất nên thơ. Bức tranh miêu tả cảnh hoàng hôn ở một vùng nông thôn miền núi. Khi mặt trời nhuộm màu vàng lên tất cả vạn vật, người tiều phu đánh xe củi về nhà trên con đường trải đầy lá khô. Hai con trâu mộng vạm vỡ kéo xe, hai cặp sừng dài và cong như cánh cung ung dung bước trong buổi chiều tà rực rỡ. Người tiều phu ngồi trên xe, tay cầm dây thừng, đầu nghiêng nghiêng như đang lắng nghe tiếng sáo của mục đồng bên triền núi.

 

Nguyễn Đình Dương đang hoàn thành tác phẩm Tuổi đá

Đó là giấc mơ có thật, nó đã tồn tại cho tới khi Phụng bước vào tuổi 26. Phụng sinh năm 1967, là con thứ hai trong một gia đình ở miền núi tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mẹ mất từ lúc anh em Phụng còn nhỏ. Lớn lên, anh trai Phụng vào bộ đội rồi hy sinh. Phụng cũng nhập ngũ. Hết nghĩa vụ quân sự, anh trở về phụng dưỡng cha già. Hằng ngày anh đánh xe lên núi chặt củi bán để lấy tiền mưu sinh. Những tưởng cuộc sống cứ mãi yên bình như thế nhưng năm 1993, Phụng gặp tai nạn lao động và bị chấn thương cột sống. Anh điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, dù trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng các bác sĩ không thể cứu đôi chân cho anh. Năm 1996, có người giới thiệu, anh đến Trung tâm Chắp Cánh ở Q.Bình Tân xin học vẽ. Bàn tay anh chỉ quen cầm rìu đốn củi, nay cầm cây cọ nhỏ xíu, anh nản vô cùng. Nhưng khi nhìn lại thấy mình đang ngồi trên xe lăn, anh không còn sự lựa chọn nào khác. Thế là bao tủi hờn số phận, anh dốc hết vào cây cọ. Và rồi anh yêu vẽ lúc nào không hay. Năm 2003, Phụng được sang Pháp học, đó là một bước ngoặt trong cuộc đời anh. Bây giờ Phụng đã ra ngoài sống để nhường chỗ cho người khác nhưng hằng ngày anh vẫn vào trung tâm vẽ tranh. Anh đã vẽ gần 200 tác phẩm nhưng chỉ mới bán được trên 60 bức, mỗi bức từ 2 – 4 triệu đồng. Anh đang thuê nhà sống một mình. Ngoài ra tháng nào anh cũng phải tốn hơn 1 triệu đồng tiền thuốc. Những tháng không bán được tranh, anh phải ứng tiền của trung tâm để trả tiền nhà và lo thuốc men. Còn cha anh thì đã vào chùa sống. Dù khó khăn đang chồng chất phía trước nhưng anh luôn giữ được sự lạc quan và sống trọn vẹn từng giây phút cho đam mê hội họa.

Trung tâm Chắp Cánh nằm ẩn mình trong con hẻm nhỏ ở số 19A, đường số 1, khu phố 9, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM do cô Tim Aline Rebeaud, người Thụy Sĩ sáng lập vào năm 1993. Đây là tổ ấm của 60 con người có số phận không may mắn. Trung tâm hoạt động theo hướng dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật; giúp đỡ trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ lang thang đường phố; giúp đỡ người bệnh vãng lai không có điều kiện nằm viện; dạy văn hóa cho trẻ em cộng đồng (con em của những gia đình nghèo không có điều kiện đến trường). Họ sẽ được học vẽ, may, vi tính và thủ công mỹ nghệ. Khi đã thành thạo tay nghề, họ sẽ phải thuê nhà ở ngoài sống để nhường chỗ cho những người kém may mắn khác.

Trong 19 họa sĩ đặc biệt đó, có một người luôn được ca ngợi “không chỉ vẽ giỏi mà viết thư pháp rất đẹp”, đó là họa sĩ Nguyễn Đình Dương. Anh sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở tỉnh Quảng Nam. Nhà có 6 anh em, Dương là con thứ hai. Di chứng của trận sốt khiến chân anh bị bại liệt. Anh không chịu đi học vì cho rằng, người như anh thì học để làm gì. Cha mẹ quá nghèo không thể sắm nổi cho anh chiếc xe lăn nên mỗi lần di chuyển, anh phải bò. Cách đây 3 năm, anh vào TP.HCM chơi và được một người giới thiệu, anh vào Trung tấm Chắp Cánh học vẽ. Bây giờ anh đã vẽ trên 100 bức tranh và cũng bán được kha khá. Anh không chỉ đã nuôi được bản thân mà còn giúp đỡ thêm cho gia đình.

Hội họa chính là cứu cánh cho 19 con người bất hạnh đang miệt mài với những cây cọ ở Trung tâm Chắp Cánh. Nó không chỉ là liệu pháp giúp các anh cân bằng lại tinh thần sau cú sốc lớn mà còn là phương tiện để các anh kiếm sống. Tuy tranh chưa bán được nhiều nhưng đó là nguồn động lực to lớn để các anh tiếp tục sáng tạo. Chị Đinh Thu Hương, phụ trách sản xuất của Trung tâm Chắp Cánh cho biết: "Mỗi năm, anh em họa sĩ bán được khoảng từ 2-6 bức tranh/người, thu nhập khoảng 1,5 - 4 triệu đồng/tháng/người. Do tranh của anh em tính chuyên nghiệp chưa cao nên tìm đầu ra ở Việt Nam rất khó. Tranh bán được chủ yếu là do cô Tim (Tim Aline Rebeaud) mang bán từ thiện ở các nước Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Bỉ với giá từ 100-150 USD/bức. Từ khi thành lập website, khoảng gần 2 năm nay, có nhiều Việt kiều và khách du lịch nước ngoài biết đến nên họ cũng mua ủng hộ được một số. Có những lúc, tranh bán chưa được, anh em cần tiền thì ở đây cũng hỗ trợ bằng cách ứng tiền trước cho họ".

Phóng sự của Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.