Một thông điệp mới của sự hợp tác và cùng phát triển

17/12/2005 16:18 GMT+7

Ngày đầu tiên khi đặt chân đến đất Mỹ, thành phố Seattle, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm ngay một gia đình Việt kiều, đó là gia đình anh Nguyễn Thành Bích vào lúc 2h00 sáng giờ Việt Nam. Anh Bích đã viết thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Thủ tướng tới thăm gia đình anh, không chậm trễ, trước khi về chỗ nghỉ ở khách sạn, Thủ tướng đã đến thăm gia đình Việt kiều này, thăm hỏi về đời sống, công việc làm và tìm hiểu những suy nghĩ về quê hương đất nước của bà con.

Vẫn ở đâu đó, có người dân hải ngoại không hiểu về đất nước hoặc chưa có dịp về hoặc là bị ấn tượng cũ (những năm đầu sau chiến tranh, hệ thống quản lý Nhà nước lúc đó còn nhiều khiếm khuyết), đã để lại trong tâm trí bà con những phiền muộn, cho đến tận bây giờ.

Thế nhưng trong cuộc họp báo đầu tiên, cũng tại đất Seattle này, Thủ tướng không né tránh bất cứ việc gì, vấn đề gì mà mọi người quan tâm, đặc biệt là bà con Việt kiều. "Bất kỳ người Việt Nam trong hay ngoài nước, bất kỳ quá khứ trước đây là ở bên này hay bên kia, nhưng đều là trong một cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất" và cùng chung một mục tiêu thực hiện "dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, Thủ tướng nói một ý khác mà trước đó nhiều kiều bào cũng đã công khai phát biểu trên làn sóng radio tại Nam Cali, trên BBC tiếng Việt, “tất cả những người đã có điều kiện trở về Việt Nam thì hoàn toàn thay đổi nhận thức, thái độ của họ trước đây”.

Trước khi phái đoàn Thủ tướng sang Mỹ vài ngày, bà Phùng Tuệ Châu từng làm luật sư ở miền Nam và nay là Trưởng ban biên tập Đài phát thanh Tiếng quê hương đã trả lời BBC về quan điểm của bà cũng như một số đồng nghiệp ở miền Nam Cali. Đài BBC có hỏi bà rằng, từ chỗ bà là người chống cộng, nay lại quay sang ủng hộ Chính phủ Việt Nam, bà thẳng thắn nói: "Sau 30/4/1975 chúng tôi cũng mất hết tài sản, không được mở văn phòng luật sư nữa, nhưng không vì thế mà tôi hận thù người cộng sản Việt Nam". Khi mới sang Mỹ, bà cũng đi chống cộng theo họ nhưng bây giờ thì bà thấy sai lầm. Bà Châu cho rằng hãy cứ về nước xem những phát triển trong mấy năm gần đây, rồi hãy có ý kiến. Bà đặt ra một vấn đề là những người Mỹ, những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, họ đã quay sang ủng hộ Việt Nam, thì tại sao mình là người cùng màu da vàng, cùng một mẹ Việt Nam mà cứ chống đối lẫn nhau?

Chuyến đi của Thủ tướng lần này là sự mong đợi của nhiều người Việt Nam bất luận trong hay ngoài nước. Điều đó nói lên một niềm hãnh diện chung của người Việt: Thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ George Bush tại Nhà Trắng với tư cách lãnh tụ của một nước Việt Nam thống nhất và vị thế của Việt Nam ngày nay khác xa với các thập kỷ trước.

Những nghị trình đặt ra trên bàn của hai chính phủ: "Hai bên (Mỹ và Việt Nam) có cơ sở vững chắc và tiềm năng to lớn đã đưa quan hệ hai nước sang một tầm cao mới và một mối quan hệ như vậy sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" như phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên ở Seattle của Thủ tướng và sẽ không ngần ngại thảo luận những vấn đề giữa hai bên còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trong trả lời trên Đài truyền hình CNN (Mỹ) của Phó thủ tướng Vũ Khoan, phóng viên CNN đặt ra câu hỏi: "Tôi từng đến Việt Nam tuần trước. Đó là chuyến thăm thứ tư của tôi đến Việt Nam trong vòng một năm. Vào thời điểm đó, tôi được chứng kiến những thay đổi và tốc độ phát triển của Việt Nam như hiện nay" và phóng viên hỏi: "Tầm quan trọng của việc gia nhập WTO đối với kinh tế Việt Nam trong tương lai?". Phó thủ tướng Vũ Khoan trả lời rằng: "Việc gia nhập WTO vô cùng quan trọng đối với Việt Nam vì sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất chặt chẽ vào mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước" và ông thông báo rằng cuộc thương lượng song phương giữa Việt Nam và Mỹ tuần trước đã đạt được những tiến triển đáng kể. Ông nói tiếp: "Giờ đây, cánh cửa WTO đã mở rộng với Việt Nam. Đối với Việt Nam, đây là việc rất quan trọng".

Nghị trình của chuyến đi còn tới 26/6 tại Mỹ và sau đó từ 26-29/6 là chuyến thăm Canada, Thủ tướng và phái đoàn sẽ có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Bush và nhiều vị trong chính giới Hoa Kỳ về nhiều vấn đề kinh tế, thương mại, chính trị, quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và theo như Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá trong cuộc họp báo: Mặc dù còn những quan điểm khác biệt, một số vấn đề cần giải quyết song có thể nói giữa hai nước chúng ta không tranh chấp và hai bên có sự gặp nhau về mối quan tâm lợi ích trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ hai nước và trong quan hệ quốc tế.

Chuyến đi lần này của Thủ tướng Phan Văn Khải là trung tâm bình luận thời cuộc hiện nay của báo chí quốc tế. Chuyến đi đã cắm một cột mốc quan trọng và nâng quan hệ lên một tầm cao mới trong quan hệ hai nước và các mối quan hệ quốc tế khác.

Trong 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt - Mỹ đã có rất nhiều chuyến thăm và làm việc giữa các quan chức chính phủ hai nước. Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2000, cựu Tổng thống Mỹ George H.W Bush (cha) cùng phu nhân đến Việt Nam năm 1995, liền sau đó Ngoại trưởng Warren Christopher cũng đến Việt Nam. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Dy Niên trong từng giai đoạn đã có các cuộc thảo luận rộng rãi và bàn nhiều vấn đề mà chính phủ và nhân dân hai nước cùng quan tâm trong giai đoạn mới, trong giai đoạn mà Hoa Kỳ và một số nước châu Á khác đã không nhìn Việt Nam như một cuộc chiến tranh mà là một nước Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển nhanh về kinh tế.

Nguyễn Sơn Trà
(Thanh Niên 21/6/2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.