Thư Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gửi một bạn đọc Báo Thanh Niên

25/12/2006 12:15 GMT+7

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2006 Kính gửi: Thầy Phan Văn Minh Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Nam Tôi đọc Báo Thanh Niên ngày 29.11.2006, thấy ý kiến thầy rất đồng tình với chủ trương về cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" (cuộc vận động "Hai không"), quyết tâm thực hiện mạnh mẽ việc chống tiêu cực này và bệnh thành tích trong thực tế ở mỗi địa phương, mỗi trường. Thầy đã có thái độ như một chiến sĩ xuất sắc trong mặt trận nóng bỏng này. Tôi tin là hầu hết các nhà giáo nước ta lúc này cũng có thái độ như vậy.

Khi lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn bạc về kế hoạch triển khai cuộc vận động "Hai không" này, chúng tôi cũng đã thảo luận về mục tiêu, yêu cầu của cuộc vận động và cách triển khai, trong đó tên cuộc vận động rất quan trọng. Đó là các vấn đề như:

+ Chống cái gì, để làm gì.
+ Chống như thế nào.
+ Đặt tên cho cuộc vận động thế nào.

Thực ra chúng ta phải chống tất cả các tiêu cực trong xã hội và trong ngành, để lập lại nền tảng trật tự, kỷ cương, tôn trọng pháp luật, đạo lý để mỗi ngành, mỗi cơ quan làm được nhiệm vụ thực sự của mình. Nhưng thực tế vừa qua đã chứng tỏ, tiêu cực không giảm bao nhiêu, mà có chiều hướng tăng, cũng như sâu bệnh. Vì vậy cần chọn cái tiêu cực nào cụ thể nhất, dễ thấy nhất, bức xúc nhất để chống trước, có thể giải quyết tương đối dứt điểm, từ đó đem lại tác dụng thiết thực cho công việc của ngành là dạy và học để làm người, để có nghề, đem lại sự tự tin và kinh nghiệm cho các thầy, cô giáo. Từ đó sẽ tiếp tục chống các tiêu cực khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong ngành là điểm đột phá năm học 2006-2007, sau đó năm học 2007-2008 sẽ là chống tiêu cực trong dạy thêm - học thêm, đi đôi với việc biến quá trình dạy học thành quá trình tự học của học sinh, sinh viên. Để chống được tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích thì phải tạo được lực lượng tích cực đông đảo để chống lại sự tiêu cực của số ít, cần một cơ chế toàn xã hội đứng lên chống tiêu cực và bệnh thành tích. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một kế hoạch triển khai cuộc vận động suốt cả năm học 2006-2007, và định hướng tới năm 2010, ký kết chương trình phối hợp với 6 cơ quan ở Trung ương là: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Cựu giáo chức, Đài truyền hình Việt Nam và Bộ Công an. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8.9.2006 về "Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục", trong đó đòi hỏi "sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và có sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, tổ chức".

Theo đó, đến nay ở tất cả 64 tỉnh thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hoặc Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy đã có chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục hoặc về triển khai cuộc vận động "Hai không" và thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Khi bàn về đặt tên cho cuộc vận động, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bàn bạc kỹ để sao cho vừa rõ mục tiêu, yêu cầu vừa dễ đi vào lòng người, tạo ủng hộ của toàn xã hội.

Tiêu cực trong thi cử thì có ở mọi địa phương, song mức độ khác nhau, và chúng ta chưa có một cuộc điều tra nào để biết chính xác, đầy đủ. Nếu đặt yêu cầu mỗi tỉnh, mỗi trường phải đánh giá công khai, chính xác tình hình tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích ở địa phương mình trong quá khứ thì sẽ rất tốn công sức, thời gian, trong khi cái mà chúng ta cần là trong tương lai, không để xảy ra tiêu cực, bệnh thành tích nữa, chứ không phải là xếp hạng về tiêu cực trong quá khứ của các địa phương, các trường. Phấn đấu và chứng minh là địa phương mình, trường mình không có tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong năm học mới sẽ dễ đi vào lòng người, dễ làm hơn là chứng minh tỉnh mình, trường mình tiêu cực nhiều ít thế nào trong quá khứ. Nói không với tiêu cực trong thi cử nghĩa là: Nếu đã có tiêu cực thì sắp tới không thể tiếp tục chấp nhận, không để xảy ra nữa; còn nếu chưa có tiêu cực thì quyết tâm không để xuất hiện. Nói không với bệnh thành tích (đưa ra chỉ tiêu phấn đấu không thực tế, khi không hoàn thành thì gian dối, báo cáo sai sự thật để được khen thưởng), có nghĩa là bắt đầu từ năm học 2006-2007, không đưa ra các chỉ tiêu thi đua, đánh giá không sát cơ sở, không báo cáo sai sự thật để được khen thưởng, đồng thời đổi mới việc xây dựng các chỉ tiêu thi đua và cách đánh giá kết quả hoạt động của mỗi nhà trường, mỗi tỉnh trong giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, những tiêu cực nào được nhân dân, thầy cô, học sinh, sinh viên phát hiện thì phải kiên quyết xử lý ở các trường, địa phương và tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo triển khai chống tiêu cực, tham nhũng, thì việc ngành giáo dục tự tổ chức cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" chính là một sự tiên phong của những chiến sĩ cầm bút đánh giặc năm xưa và chống tiêu cực, tham nhũng ngày nay.

Tôi tin là thầy Phan Văn Minh sẽ là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận này, là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo cho các em sinh viên. Chúc thầy sức khỏe, dẻo dai để chống tiêu cực, dạy tốt, dạy hay, chúc Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Nam mãi là cái nôi sinh ra những người con đất Quảng kiên cường, sáng tạo trong mặt trận văn hóa - giáo dục của nước nhà.

Nguyễn Thiện Nhân
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.