Nhà dân tộc học Georges Condominas: Bảo tồn văn hóa không phải là sự “gia công” lại

21/12/2007 23:40 GMT+7

Lần đầu sau 50 năm "ăn rừng đá thần Gôo" với người Mnông Gar ở làng Sar Luk (Tây Nguyên), nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp George Condominas đã mang 500 hiện vật, ảnh, tư liệu trở lại Việt Nam để trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội).

Triển lãm tập trung khắc họa toàn cảnh cuộc sống của người Mnông Gar làng Sar Luk hồi giữa thế kỷ XX và cuộc sống hiện tại của họ (sau nửa thế kỷ đã mang tên gọi khác là làng Rchai). Cách đây 1 năm, cuộc trưng bày đã diễn ra tại bảo tàng Quai Branly (Pháp). Chúng tôi đã có buổi trao đổi với GS George Condominas về việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên cũng như công việc của ông.

* Ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của làng Sar Luk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong chuyến trở lại Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ ?

- Tất cả những gì thuộc về con người đều luôn vận động, biến đổi. Tôi cũng khó chấp nhận sự thay đổi. Nhưng sự tiếc nuối cũng không đáng kể lắm. Tôi chỉ thấy khổ tâm là mình đã quá già, còn mọi việc thì thay đổi quá nhanh. Có lẽ tôi đã không còn thuộc về thế giới này nữa... (cười).

* Từ góc độ một chuyên gia dân tộc học, theo ông, làm thế nào để bảo tồn tốt nhất những giá trị văn hóa Tây Nguyên trong bối cảnh hiện đại?

- Người Mnông Gar Tây Nguyên luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ có những giá trị văn hóa không giống người Kinh. Chẳng hạn, người Mnông Gar không có thói quen tích lũy của cải. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Nếu bạn gặp họ, bạn sẽ thấy họ không hề tiếc bạn những chum ché đẹp, rượu ngon... Vì thế, theo tôi, điều nguy hại nhất là việc áp đặt chủ quan giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác; hoặc đánh giá những giá trị của cộng đồng khác bằng con mắt của cộng đồng mình. Với việc bảo tồn, theo tôi, quan trọng nhất là bảo tồn những giá trị văn hóa có sẵn. Hãy tôn trọng những gì đã có chứ không phải "gia công" lại để cho nó đẹp hơn, nhưng trên thực tế, lại làm biến dạng nó.

* Hiện nay ở Tây Nguyên đang có phong trào bảo tồn văn hóa bằng cách xây dựng các nhà rông, các "buôn văn hóa" từ ngân sách nhà nước. Mục đích rất tốt đẹp, nhưng thực tế thì những "buôn văn hóa" kiểu này không thu hút được đồng bào Tây Nguyên, và kết quả là những nhà rông "gia công" bị bỏ hoang...

- Theo tôi, không thể ngay một lúc tạo ra các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà phải tôn trọng những truyền thống có sẵn, và đặt nó trong tính tổng thể, trong không gian văn hóa. Mà không gian văn hóa của người Mnông Gar là không gian núi rừng, chứ không bó hẹp trong các "buôn văn hóa". Mặt khác, mọi quyết định tác động đến đời sống văn hóa phải là quyết định của cả một tập thể, chứ không phải là ý chí chủ quan.

* Vậy theo ông, đâu là cách hòa nhập tốt nhất vào cộng đồng Mnông Gar nói riêng và cộng đồng Tây Nguyên nói chung?

- Khi nghiên cứu về người Mnông Gar, tôi nhận thấy: nếu bạn không sống với người mà bạn nghiên cứu thì bạn không thể hiểu họ. Điều quan trọng nhất để hòa nhập với một cộng đồng là bạn phải sống thật với họ. Nếu bạn thực lòng quan tâm đến họ thì ngay cả những người khó tính nhất cuối cùng cũng sẽ quan tâm đến bạn. Đôi khi người ta nghĩ nhà nghiên cứu phải có cuộc sống riêng, nhưng tôi nghĩ việc nghiên cứu và cuộc sống của nhà dân tộc là hai phạm trù gắn bó hữu cơ với nhau. Tất nhiên, bạn cũng phải thận trọng để giữ sự khách quan...

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.