Lân sư rồng khổ luyện đón tết

04/02/2013 09:43 GMT+7

Bất chấp suy giảm kinh tế làm teo tóp hợp đồng biểu diễn, các đoàn lân sư rồng truyền thống tại TP.HCM vẫn tất bật chuẩn bị cho “mùa làm ăn” xuân Quý Tỵ 2013.

Anh Quách Văn Đời của Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường tâm sự: “Đối với nhiều người tết là dịp sum họp gia đình, nhưng với chúng tôi đó là những ngày lao động cật lực. Cứ tầm đưa ông Táo (23 tháng chạp) đến hết mồng, có ngày chúng tôi phải diễn 5-6 suất lớn từ sáng sớm đến tối mịt, mệt đến ăn không nổi. Nguồn vui của chúng tôi là được chứng kiến nét mặt rạng rỡ của khán giả...”.

 

"Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hết lòng với công việc bởi đây là môn thể thao gắn liền với các ý nghĩa văn hóa dân gian cần được duy trì"

Ông Lưu Kiếm Xương (trưởng Đoàn Nhơn Nghĩa Đường)

Thu nhập giảm vì kinh tế khó khăn

Đại bản doanh của Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường ở phường An Lạc A, quận Bình Tân. Không khí chuẩn bị cho Tết Quý Tỵ vô cùng hăng say, mồ hôi từ lưng áo các chàng trai đang leo thoăn thoắt trên những cây cột cao gần 2m của bài Mai hoa thung chảy nhễ nhại. Họ miệt mài tập luyện từ 18g đến hơn 22g mới xong “giáo án” của ngày.

Mỗi lần có hai người lên cột, một người múa đầu lân và người phía sau múa đuôi lân. Phía dưới là tiếng í ới chỉnh sửa bài tập của đồng đội. Người múa đầu lân không chỉ có thể bay nhảy nhẹ nhàng như chim mà còn biết phối hợp hoàn hảo các động tác tay điều khiển mắt, miệng, tai của lân sao cho sinh động như vật thể sống bằng xương bằng thịt, biểu thị được các cảm giác hung dữ, buồn vui... Người sau phải có sức mạnh để có thể giúp sức cho người múa đầu lân trong những pha bay nhảy.

Sau khi thực hiện cú bay hơn 3m từ cột này sang cột khác trông đến lạnh người, “đuôi lân” Lê Hành Nghiệp (21 tuổi, có tám năm theo đoàn) nhoẻn miệng cười: “Chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ 2013, chúng tôi đã tập luyện cật lực từ sáu tháng nay. Những gì các anh vừa thấy chỉ là một động tác đơn giản trong bài tập hằng ngày của chúng tôi. Để được lên cột, chúng tôi thường mất từ nửa năm đến một năm tập đứng tấn và nhảy trên sa đồ vẽ trên đất. Vậy mà khi lên cột thật thì té là chuyện cơm bữa. Múa lân sư rồng đòi hỏi vận động viên phải gan dạ, khỏe và quyết đoán. Chỉ một tích tắc mất tập trung là có thể ngã từ trên cao xuống”.

Ở một góc sân, võ sư Quách Văn Đời cùng một số huynh đệ miệt mài với bài tập nội công “kích đâm yết hầu”, “phá đá xanh trên ngực”... Theo anh Quách Văn Đời, tất cả thành viên Đoàn Nhơn Nghĩa Đường đều là võ sinh của môn phái Thiếu Lâm Châu Gia. Ông Lưu Kiếm Xương - trưởng Đoàn Nhơn Nghĩa Đường - cho biết: “Nếu như cùng thời điểm này năm ngoái chúng tôi có trong tay hơn 40 hợp đồng diễn vào dịp tết thì năm nay chưa tới 30”.

 
Các thành viên Đoàn Nhơn Nghĩa Đường tập bài Mai hoa thung - Ảnh: T.P

 
Đoàn Hằng Anh Đường đang hoàn tất rồng đèn chuẩn bị diễn tết- Ảnh: T.P

Đoàn Nhơn Nghĩa Đường có khoảng 100 thành viên tuổi từ 15-40, trong đó nhiều người có nghề nghiệp ổn định nhưng vẫn tham gia vì đam mê. Họ tập đều đặn mỗi ngày mà không có lương cứng và chỉ được chia thù lao theo suất diễn nhưng cũng chỉ khoảng 200.000 đồng/người. Những người chưa có nghề riêng thì nhận làm các dụng cụ biểu diễn vào thời gian rảnh rỗi để có thêm thu nhập.

Những người ở sân tập của Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường trên đường Lãnh Binh Thăng (quận 11) cũng tất bật tập luyện dù đã hơn 21g. Phó đoàn Trần Văn Đức giải thích: “Lượng hợp đồng biểu diễn của chúng tôi đã giảm hơn 20% so với năm ngoái và phần lớn chỉ là những sô diễn nhỏ, trung bình. Nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực tập luyện để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người xem”.

Đoàn Hằng Anh Đường là ngôi nhà lớn của hơn 50 thành viên tuổi 13-37 và đa số xuất thân từ trẻ em cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Họ được trả lương tập luyện hằng tháng và chia thù lao biểu diễn nhưng chỉ ở mức đủ sống. Ban ngày họ quây quần tu sửa và làm mới đạo cụ. Anh Trần Văn Đức chỉ vào những chú lân - sư - rồng nói: “Tất cả dụng cụ, đầu lân - sư - rồng của đoàn đều do tự tay anh em làm. Thậm chí chúng tôi còn làm dư để bán cho các đoàn nhỏ hoặc người dân chơi môn thể thao này”.

Muốn sống được cần phải có “tuyệt kỹ”

Ngoài việc tham gia các lễ hội, sự kiện văn hóa - thể thao, các đoàn lân sư rồng cần có những hợp đồng biểu diễn để kiếm sống. Để sống được với nghề, các đoàn lân sư rồng phải cạnh tranh với nhau rất khốc liệt. Để giành được chỗ đứng trong lòng mọi người và hợp đồng biểu diễn lớn trên dưới 30 triệu đồng/suất, mỗi đoàn phải có tuyệt kỹ riêng và không ngừng sáng tạo điều mới mẻ.

Được thành lập từ năm 1973, Nhơn Nghĩa Đường là một trong những đoàn lân sư rồng giàu truyền thống bậc nhất VN và từng giành nhiều giải cao tại các cuộc thi đấu quốc tế. Họ đại diện cho trường phái múa lân sư rồng trên nền tảng kungfu của môn phái Thiếu Lâm Châu Gia. Vì thế, các bài biểu diễn của Nhơn Nghĩa Đường luôn có sự phối hợp hài hòa giữa võ thuật và nghệ thuật múa.

Để không bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên thị trường, Đoàn Nhơn Nghĩa Đường luôn sáng tạo nhiều bài diễn mới. Đồng thời độ khó của những bài biểu diễn nội công ngày càng cao hơn như: thổi saxophone khi bị tám kích đâm yết hầu, phá năm lớp đá xanh trên ngực, chặt dừa bằng tay, nằm bàn chông, thiết đầu công. Ngoài ra, ngày càng có nhiều kỷ lục quốc gia do các thành viên trong Đoàn Nhơn Nghĩa Đường thiết lập như: lân leo cột cao nhất (15m), bốn lân cùng lúc lên bài Mai hoa thung...

Trong khi đó, yếu tố làm nên tên tuổi cho Hằng Anh Đường là “công nghệ biểu diễn” hấp dẫn khi kết hợp được múa lân sư rồng với ca múa nhạc và hiệu ứng âm thanh đặc sắc. Có thể nói Hằng Anh Đường là tập hợp của những con người học võ nhưng giàu chất nghệ sĩ.

HLV Huỳnh Hoài Chung của Hằng Anh Đường cho biết: “Thành công của chúng tôi đến từ sự đam mê võ thuật và yêu âm nhạc của các thành viên trong đoàn. Phong cách biểu diễn của chúng tôi gần như tạp kỹ nhưng độ mạo hiểm trong múa lân (nhào lộn, tung hứng trên không, sư tử đi trên bóng...) luôn ở mức cao nhất để mang đến sự hồi hộp cho người xem”.

Đón xuân Quý Tỵ, Hằng Anh Đường hi vọng sẽ hút hồn khán giả với tiết mục rồng đèn Dạ quang long hiện đại. Đây là bài biểu diễn không mới trong giới lân sư rồng nhưng hứa hẹn đặc sắc bởi Hằng Anh Đường vừa cho ra đời một chú rồng đèn dài 15m (để phù hợp biểu diễn trên sân khấu thay vì kích thước bình thường phải hơn 17m). Chú rồng này được làm từ những chiếc đèn led nhỏ li ti nhiều màu sắc và đủ sức làm “hiện thân” một chú rồng lung linh tuyệt đẹp.

Yêu tiếng trống múa lân

Những người theo nghề lân sư rồng tâm sự một khi đã đến với nghề thì đây là cái nghiệp khó bỏ của nhiều người. Nguyễn Văn Lê - 13 tuổi, quê Bạc Liêu, thành viên của Đoàn lân sư rồng Tài Anh Đường, Bình Dương - cho biết: “Trong khi tập luyện chuyện té ngã, tay chân bị trật và cơ thể trầy xước diễn ra thường xuyên. Mỗi khi té ngã mà nghe tiếng trống giục giã là chồm dậy... tập tiếp”.

Anh Nguyễn Văn u - 19 tuổi,  Đoàn Hằng Anh Đường - kể một câu chuyện khác liên quan đến nghề lân sư rồng: “Nhà nghèo, cha mất sớm, tôi theo bước chân đám bạn lêu lổng đi quậy phá xóm làng. Nhưng từ khi đam mê múa lân sư rồng, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời. Từ một người vô công rỗi nghề, giờ tôi mang đến niềm vui và được mọi người tán thưởng. Hơn nữa, tôi cũng cố gắng biểu diễn trong những ngày tết để có tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình”.

Hữu Khoa

Giá một suất biểu diễn từ 2-40 triệu đồng

Giá hợp đồng biểu diễn của các đoàn lân sư rồng có tiếng tăm thấp nhất là 2 triệu đồng/suất (60 phút) và cao nhất lên tới gần 40 triệu đồng/suất. Người thuê đoàn lân sư rồng biểu diễn 40 triệu đồng/suất chủ yếu là những doanh nghiệp khá giả hoặc có cơ sở làm ăn lớn. Những ai thuê đoàn lân sư rồng 40 triệu đồng/suất sẽ được xem những màn trình diễn tinh hoa và hiện đại nhất của nghệ thuật múa lân sư rồng.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có nhiều lời mời biểu diễn giá cao, các đoàn lân sư rồng vẫn chấp nhận biểu diễn những “sô” nhỏ cho những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ với một hoặc hai ông lân - sư - rồng.

 Theo Tấn Phúc \ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.