“Đặt hàng” Mặt trận để nghe thêm nhiều ý kiến

28/03/2013 03:20 GMT+7

Chiều 27.3, tại trụ sở Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ảnh) đã lắng nghe các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo đóng góp ý kiến trực tiếp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

“Đặt hàng” Mặt trận để nghe thêm nhiều ý kiến
Ảnh: Ngọc Thắng

Hơn 3 giờ đồng hồ lắng nghe các ý kiến đóng góp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá đây là những ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc. Ông cũng nhấn mạnh, hơn 8 triệu ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân gửi tới Mặt trận là rất đáng quý trọng.

“Chủ trương lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992 rất rõ ràng, vấn đề là tổ chức thế nào cho thiết thực, từ khâu lắng nghe, tổng hợp cho đến chuyển tải tới cơ quan cao nhất phải hết sức đầy đủ”, Chủ tịch nước nói, đồng thời đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Mặt trận tiếp nhận đầy đủ để có một bản Hiến pháp phản ánh, đáp ứng được ý nguyện của Đảng, của dân.

Nhấn mạnh mục đích sẽ có một bản Hiến pháp mà toàn Đảng, toàn dân đều hài lòng, Chủ tịch nước cho biết mong muốn được nghe thêm ý kiến góp ý của các thành viên Mặt trận. “Có thể chúng tôi sẽ chủ động đặt hàng Mặt trận Tổ quốc các vấn đề chưa rõ để nghe thêm ý kiến”, ông gợi mở.

Trước đó, bàn về chế định Chủ tịch nước trong Dự thảo Hiến pháp, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó tổng thư ký T.Ư Giáo hội Phật giáo VN đề nghị cần quy định thiết chế Ủy ban Hiến pháp có quyền hạn thực sự thay cho mô hình Hội đồng Hiến pháp và giao Chủ tịch nước đứng đầu ủy ban này, cùng với việc tăng thêm thực quyền của Chủ tịch nước đối với các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN cũng đề nghị cần tăng quyền cho Chủ tịch nước thông qua việc trao quyền đứng đầu Hội đồng Hiến pháp và để nhân dân bầu trực tiếp chức danh Chủ tịch nước. “Để mở ra thời kỳ mới về dân chủ của đất nước, tôi cho rằng cần mở rộng quyền dân chủ trực tiếp. Nếu Chủ tịch nước, chủ tịch các tỉnh thành được nhân dân bầu trực tiếp thì sẽ tạo ra một sức mạnh rất lớn trong thực hiện quyền dân chủ của nhân dân”, ông Khoa nêu quan điểm. PGS Lê Mậu Hãn, nguyên cán bộ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bổ sung: “Nên hiến định toàn dân bầu Chủ tịch nước để thêm giá trị vị trí thượng tôn của lá phiếu nhân dân”.

Theo viện sĩ Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Mặt trận, việc khẳng định quyền phúc quyết của nhân dân trong Hiến pháp là một đòi hỏi tất yếu của nhà nước pháp quyền. “Lịch sử đã chứng minh điều đó và bài học này là vô cùng cần thiết trong nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền”, ông Phú nói.

Ngoài các vấn đề trên, các ý kiến khác tại hội nghị cũng tập trung góp ý về điều 4 của Dự thảo Hiến pháp, về sự độc lập và trách nhiệm trong xét xử của tòa án.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.