Những công dân không sợ cướp - Kỳ 2: Hiệp sĩ dân doanh

26/12/2008 00:53 GMT+7

Điều khá bất ngờ là những "hiệp sĩ đường phố" tham gia Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) phần lớn đều là những người kinh doanh.

Hải "SBC"

Tham gia "phá" hơn 310 vụ lớn nhỏ, Nguyễn Thanh Hải (SN 1971), ông chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng giống như một "đội trưởng" của nhóm chống cướp giật đường phố. Người dân ở thị xã Thủ Dầu Một vẫn thích gọi đùa "Hải SBC".

"Vào năm 1996, đang đi trên đường, tình cờ tôi chứng kiến cảnh một phụ nữ bị tên cướp giật giỏ xách khiến chị ngã nhào xuống đường. Chẳng nghĩ gì hơn, tôi quyết tâm phải bắt tên cướp, lấy lại tài sản cho người phụ nữ "- Hải nhớ lại lần đầu tiên đối diện với tội phạm. Và lúc đó, ngay lập tức, anh rồ ga phóng xe đuổi theo đạp ngã tên cướp, thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại. Năm 1998, Đội phòng chống cướp giật ra đời, anh đăng ký tham gia (nay là CLB Phòng chống tội phạm P.Phú Hòa).

Hải bắt đầu "nổi tiếng" khi một mình phá vụ cướp taxi cứu sống tài xế, bắt giữ được 3 tên cướp hết sức ngoạn mục. "Đó là vào lúc 24 giờ ngày 17.5.2000, tôi đang chuẩn bị đi ngủ, thì nghe đối diện phía bên kia đường (quốc lộ 13 - PV) có tiếng kèn xe ô tô kêu inh ỏi. Thấy dấu hiệu khả nghi, tôi thức dậy cầm một cây gậy băng qua đường, bò đến chỗ chiếc xe taxi nằm sâu trong hẻm. Đúng như dự đoán, tại hiện trường 4 tên cướp dùng dao đâm vào cổ tài xế rồi đang tìm cách kéo tài xế ra khỏi xe hòng cướp taxi. Trong lúc cố gắng vùng vẫy chống đỡ, tay chân của tài xế, có thể là cố ý, đụng vào vô-lăng, phát ra tiếng kèn" - Hải kể. Ngay lập tức, Hải dùng cây tấn công bọn cướp đồng thời kêu 2 anh trai đến hỗ trợ, tóm gọn được 3 tên cướp ngay tại chỗ (1 tên chạy thoát và sau đó ra đầu thú), cứu sống được tài xế taxi.

 
Nguyễn Thanh Hải, hơn 10 năm tham gia bắt cướp đang điều hành việc kinh doanh qua điện thoại - Ảnh: H.T
Cứ thế suốt 10 năm qua, Hải gắn mình vào công việc hiểm nguy một cách tự nguyện, tham gia bắt hàng trăm tên cướp giật. Trong nhà Hải treo đầy bằng khen của Bộ Công an, T.Ư Đoàn, UBND tỉnh Bình Dương, Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm...

Vợ Hải cho biết: "Lấy nhau về một thời gian mới phát hiện anh ấy là người mê bắt cướp. Gia đình em lo lắng, khuyên anh ấy đủ điều. Miệng hứa bỏ, nhưng tay chân không yên, lại bắt cướp. Riết rồi không cản được". Hải bẽn lẽn khoe, thời trai trẻ bị 3 người yêu... "đá" vì cứ hay bỏ rơi bạn gái giữa đường để đuổi bắt cướp.

Trung tá Hà Văn Thanh, Phó công an P.Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một) nhận xét về Hải: "Sau 10 năm tham gia phong trào phòng chống tội phạm, bắt hàng trăm đối tượng, con mắt của Hải nhìn tội phạm ít khi bị nhầm. Tuần nào hầu như anh cũng bắt được trộm cướp".

Dân kinh doanh "mê"... bắt cướp!

Gần như sáng nào, những "hiệp sĩ đường phố" cũng có mặt tại quán cà phê nằm ngay ngã tư Chợ Đình để "canh" tội phạm. Chủ quán tốt bụng, dành hẳn cho nhóm một góc để làm... "trụ sở".

Nguyễn Thanh Hải nhận định: "Ngã tư này là tuyến đường mà bọn cướp giật ở TP.HCM lên, từ Biên Hòa sang, nên cứ ngồi đây, thế nào cũng phát hiện". Câu chuyện giữa chúng tôi thường bị ngắt quãng bởi cặp mắt của các "hiệp sĩ" cứ dáo dác ở ngã tư đường. "Tụi bắt chó xuất hiện, đám giả "pê-đê" móc túi ở Sài Gòn lên, đám thằng C. chuyên môn giật dây chuyền..." rồi tự động đề xe bám sát theo đối tượng, chứ không cần một ai phân công.

Không ai bảo ai, cứ sáng sớm, các "hiệp sĩ" tranh thủ bàn giao công việc cho các nhân viên, xem lại sổ sách ngày hôm trước… rồi lên xe ra ngã tư Chợ Đình đi "tuần tra", truy bắt tội phạm. "Đi riết rồi quen, sáng nào không ghé "trụ sở" cảm thấy trong người bứt rứt, khó chịu" - ông chủ cơ sở kinh doanh máy vi tính nói.

Cũng giống như Hải, Trần Hoàng Anh (SN 1982), kinh doanh tiệm bún nem nướng nổi tiếng ở thị xã cũng "máu" bắt cướp không kém. Năm 1998, Anh đã một mình bắt giữ đối tượng đang "đá nóng" xe máy trước cửa nhà đối diện. "Từ đó có tinh thần, khi nghe ở P.Phú Hòa có CLB Phòng chống tội phạm tôi đến tham gia ngay. Hằng ngày, lúc nào rảnh thì ra cùng với anh em đi tuần tra", Hoàng Anh nhớ lại. Dáng người đen thấp, nhưng Hoàng Anh rất "lì" khi đeo bám đối tượng. "Có lần, từ sáng sớm tôi cùng với mấy anh em "đeo" 4 đối tượng chuyên "đá nóng" xe từ thị xã đến Mỹ Phước (H.Bến Cát). Tưởng bọn chúng đi "ăn hàng" ai ngờ lại vào một... nhà hàng sang trọng, bọn tôi phải giả dạng xe ôm ngồi bên ngoài "gặm" bánh mì. Không uổng công của anh em, ăn uống đến 14 giờ 30 phút, 2 tên tách nhóm đi "ăn hàng" ở thị trấn Mỹ Phước thì bị chúng tôi tóm gọn" - Hoàng Anh kể. Triết lý của Hoàng Anh nghe rất tếu: "Đi không về có. Đi không có về không vui". Còn "hiệp sĩ" Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, chủ cơ sở kinh doanh xe gắn máy) lại nghiêm túc hơn: "Cứ bắt được một tên tội phạm, xã hội giảm bớt đi một nỗi lo".

Ngoài Hoàng Anh và Quang Vinh, trong nhóm còn có Nguyễn Hơn (SN 1968, buôn bán bánh tráng), Nguyễn Văn Hiệp (SN 1966, kinh doanh nhà trọ) cũng nổi tiếng gan lì bởi những pha đua xe. Cùng tham gia đi "tuần tra" với Nguyễn Hơn mới thấy cách nhìn tội phạm của anh cũng khá thú vị: "Mấy thằng "đá nóng" xe máy thường mang giày thể thao cho dễ chạy, khi lấy được xe thì chạy lạng qua lạng lại như để ăn mừng "chiến lợi phẩm"; bọn cướp giật dây chuyền thì dạo tới dạo lui, cặp mắt cứ quan sát ở cổ đối tượng...".

Mới gia nhập nhóm còn có anh Huỳnh Thanh Hải (SN 1980, chủ cửa hàng kinh doanh máy vi tính) và anh Võ Văn Thắng (SN 1960, kinh doanh bất động sản). Huỳnh Hải kể, vào năm 2007, đưa bà xã đi làm, anh bị 2 đối tượng chở nhau bằng xe Wave với tốc độ cao giật giỏ xách, làm cả hai vợ chồng bị ngã. Ấm ức trong lòng, đầu năm 2008 lân la gia nhập nhóm. Vào "nghề", anh được huấn luyện chạy xe tốc độ cao, cách đạp ngã đối tượng, cách nhận diện tội phạm...

Riêng anh Thắng đến với nhóm hết sức ngẫu nhiên. Một lần, trên đường từ thị xã về Tân Định (H.Bến Cát) anh thấy 2 đối tượng giật dây chuyền của người đi phía trước và liền sau đó có 4-5 người xuất hiện đuổi theo, đạp ngã nhào bắt tại chỗ 2 tên cướp giật. Lúc đó, anh cứ nghĩ họ là cảnh sát hình sự, ai ngờ hỏi thăm lại mới biết chỉ là những "hiệp sĩ" thuộc CLB Phòng chống tội phạm P.Phú Hòa. Vài ngày hôm sau, anh Thắng đem 5 triệu đồng tặng cho nhóm và xin gia nhập. Anh bảo: "Thấy anh em hoạt động hoàn toàn tự nguyện, không có một đồng kinh phí. Mỗi khi ngã xe đều phải tự bỏ tiền túi ra chữa trị vết thương, sửa xe... nên thấy thương". (Còn tiếp)

Hoàng Tuấn

* Kỳ 1: Các cuộc truy đuổi khốc liệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.