Vai diễn để đời: NSƯT Việt Anh - Chu Phác Viên và ông già Nam Bộ

25/12/2006 22:40 GMT+7

NSƯT Việt Anh tuổi đời chưa bao nhiêu mà đã kịp khắc họa nhiều vai diễn ấn tượng. Trong đó, Chu Phác Viên là vai làm người ta "ghét" nhất, ngược lại vai ông Năm trong Dạ cổ hoài lang lại "dễ thương" nhất, và đã 400 suất trôi qua, ông Năm vẫn đem lại tiếng cười duyên dáng như thuở ban đầu...

Còn nhớ những ngày vở Lôi vũ làm mưa làm gió trên sân khấu 5B, có thể nói là một sự chấn động làng kịch. Khi diễn "nhừ tử" rồi mới cho thu đài truyền hình TP.HCM, hàng triệu khán giả lại sụt sùi rơi lệ và trái tim như bị bóp nghẹt trong không khí tù hãm, ngột ngạt của căn nhà cổ. Và nhân vật quan trọng làm nên sự ngột ngạt đó là ông chủ nhà Chu Phác Viên. Như một bóng ma thì đúng hơn, ông hiện diện ngay cả lúc vắng mặt, ông đè nặng sự ám ảnh lên những con người trẻ trung đầy sức sống trong nhà, ông uy hiếp người ta bằng những mệnh lệnh bất khả kháng. Từ tấm rèm cửa đóng kín mít, từ giọng nói vang rền đôi lúc lại rít qua kẽ răng, từ cái dáng đi chầm chậm, lừ lừ, uy nghiêm đến khiếp vía... tất cả đều hiện lên một Chu Phác Viên khắc nghiệt, tàn nhẫn. Việt Anh thừa sức thể hiện, bởi hình như giọng nói, dáng đi đều đã "y khuôn" nhân vật. Cái thần nhân vật nằm trong con mắt, Việt Anh cũng thừa sức lột tả. Không cần nhiều lời thoại, chỉ cần đưa nhẹ ánh mắt, rít đôi hàm răng, Việt Anh đã cho Chu Phác Viên sống động đến lạ lùng. Tài năng ấy quả là xứng đáng!

Nhưng, Việt Anh lại cảm nhận một Chu Phác Viên khác hẳn. Anh nói: "Lúc nhận kịch bản, NSƯT Văn Thành bảo tôi cẩn thận nhé, vì NSND Đào Mộng Long ngoài Bắác đã đóng Chu Phác Viên rồi đấy. Tôi nể cụ Đào lắm, nhưng vì chưa xem cụ đóng nên không bị ảnh hưởng, ngược lại lời của anh Văn Thành còn kích thích tôi tìm ra nét riêng cho Chu Phác Viên. Tôi nghiền ngẫm kịch bản, thấy Tào Ngu viết bối cảnh là cuối thời kỳ phong kiến, đầu tư bản, và có phớt qua một câu là Chu Phác Viên từng học chung với bác sĩ Cock, người tìm ra vi trùng lao. Như vậy, ông thuộc lớp trí thức, nhưng vì sống quá lâu trong gia đình phong kiến nên ông có nhiều mâu thuẫn giữa tình cảm riêng và giai cấp của mình. Mâu thuẫn giai cấp không cho phép ông lấy người giúp việc, Thị Bình, và đó là bi kịch của đời ông". Nỗi đau của Chu Phác Viên ít ai nhìn thấy, người ta chỉ thấy ở ông một người chồng, người cha phụ rẫy, khắc nghiệt, mà không nhận ra tình yêu đã hóa thạch trong ông, đau đớn. Sống với Phồn Y, ông không tìm thấy những nét hồn hậu, trong sáng như Thị Bình, điều mà giai cấp của ông thiếu thốn. Ngược lại, Thị Bình yêu ông bởi sự lịch lãm, trí thức mà giai cấp của bà cũng thiếu. Hai con người lẽ ra đã bù đắp cho nhau, nhưng không ngờ đã đưa nhau xuống vực thẳm. Chu Phác Viên của Việt Anh có những phút lóe sáng nhờ nỗi đau thầm lặng ấy, nhờ những bàng hoàng câm nín khi gặp lại Thị Bình. Người ta đau khổ còn gào thét lên được, còn Chu Phác Viên vừa đau khổ vừa phải mang cái án oan suốt đời, đến hai lần bi kịch.

Vui nhất là từ sau vai đó, Việt Anh cứ được mời vô những nhân vật phong kiến, địa chủ, "chết" luôn một hình ảnh... khó thương!

Ông Năm của Dạ cổ hoài lang lại trái ngược hoàn toàn. Cũng dáng đi lừ lừ ấy, cũng con mắt hấp háy ấy, cũng nụ cười nửa miệng ấy, mà sao ông già Nam Bộ này lại dễ thương lạ kỳ. Thật sự, nếu không có ông Năm - Việt Anh tung hứng thì ông Tư - Thành Lộc cũng khó phô trương hết cái hay của mình. Ông Năm như cái phông sau lưng cho ông Tư nổi bật. Vai trò của người làm dàn bao quan trọng như thế đấy. Nếu tung hứng ăn ý là vai chánh bật lên thật đẹp. Mà chính ông Năm cũng nổi bật không kém. Đã hơn 400 suất, dù tất cả nhân vật trong vở đã bị thay vai đến mấy lượt, nhưng chỉ có ông Năm-Việt Anh là "bám trụ" tuyệt vời.

Việt Anh là "con mọt sách", thường xuyên đọc tiểu thuyết, rất mê Mạc Ngôn. Thế hệ của anh nhờ văn chương mà đào sâu tính cách, tâm lý nhân vật, rồi nghiền ngẫm kịch bản cho tới khi nào tìm ra nét riêng của nhân vật mới thôi. Anh thở dài: "Bây giờ kịch sinh hoạt nhiều quá, làm sao lớp trẻ có được vai diễn để đời!".

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.