Nỗi lòng “phù thủy” hóa trang

12/05/2012 10:37 GMT+7

Đối với NSƯT Trịnh Xuân Chính, một “phù thủy” hóa trang đã tạo ra hàng ngàn nhân vật sân khấu, phim ảnh, nỗi lo lớn nhất là nghề này sẽ bị “mai một” vì hiện tại, người trẻ vẫn chưa có cái nhìn đúng về nghệ thuật hóa trang.

Hơn 40 năm miệt mài với việc nghiên cứu, giảng dạy bộ môn hóa trang, NSƯT Trịnh Xuân Chính đã nhận được nhiều giải thưởng vinh dự. Mới đây, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước cho công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Nghệ thuật hóa trang sân khấu và điện ảnh Việt Nam”.

Sợ thiếu “truyền nhân”

Luôn đau đáu muốn đào tạo người theo nghề hóa trang để phục vụ cho sân khấu và nghệ thuật thứ bảy, NSƯT Trịnh Xuân Chính đã đưa môn học này vào dạy ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Khóa đầu tiên, ông đã đào tạo được 12 học trò, giúp họ có những bước đi đầu tiên trong nghề.

“Trong thời kỳ sân khấu và phim ảnh đang nở rộ, việc có một đội ngũ làm nghề được đào tạo bài bản là cực kỳ cần thiết” - “phù thủy” Trịnh Xuân Chính nhìn nhận.

Tuy nhiên, sau một khóa học, ông lại thoáng buồn vì thấy ngành này không được nhiều sinh viên đăng ký học. Ông lo lắng thành quả vừa qua sẽ nhanh chóng “mai một” theo thời gian.

 Nỗi lòng “phù thủy” hóa trang
NSƯT Trịnh Xuân Chính hóa trang cho một nhân vật ác quỷ

Thực tế, nhiều diễn viên trẻ ngày nay xem nhẹ hóa trang. Họ nghĩ đó chỉ đơn giản là làm cho đẹp và “ỷ lại” mọi việc vào chuyên viên. NSƯT Trịnh Xuân Chính cho biết nhiều chuyên viên hóa trang phải làm việc trong môi trường ức chế với những diễn viên cau có, khó chịu. Khi đó, hiệu quả nghệ thuật thường không cao.

“Phù thủy” Trịnh Xuân Chính bức xúc: “Một số diễn viên ngồi hóa trang nhưng lại… ngủ, cơ mặt không thể tiếp xúc với chất liệu thì khi hoàn thành, gương mặt khó có được nét biểu cảm đúng yêu cầu. Nhưng nếu chuyên viên lên tiếng nhắc nhở, đánh thức thì họ lại “mặt nặng, mày nhẹ” cho rằng quay phim cực, phải để họ ngủ lấy sức… Thái độ xem thường thành quả lao động của người khác đến mức ấy thật đáng buồn”.

Đó chính là lý do vì sao các diễn viên nên học kỹ thuật hóa trang và những nguyên tắc cơ bản để có cái nhìn đúng đắn hơn về công việc của các chuyên viên. Đồng thời, họ có làm việc mới thấm được sự khổ cực của nghệ sĩ để hợp tác và tôn trọng thành quả lao động nghệ thuật chung.

“Hiện nay, điện ảnh, truyền hình Việt chưa thể bằng các nước khác trên thế giới nên cần học tập sự chuyên nghiệp của họ để tự rèn luyện, nâng tầm. Các nước Mỹ, Pháp, Úc khi thực hiện một bộ phim họ có hẳn kịch bản làm việc cụ thể cho tổ hóa trang và xem đây là một khâu quan trọng. Sự chuyên nghiệp trong từng thao tác tạo hiệu quả tuyệt đối”- NSƯT Trịnh Xuân Chính ao ước.

“Làm con không nên trách cha mẹ nghèo!”

Có cơ hội ra nước ngoài nhiều, được tìm hiểu những chất liệu hóa trang tiên tiến của nhiều nước, lắm lúc “phù thủy” Trịnh Xuân Chính cũng chạnh lòng. Ông cho biết chất liệu hóa trang của nước ngoài tiên tiến đến mức có hẳn những cuộn băng keo mà chỉ cần xé ra dán lên da, lập tức thành vết sẹo.

Tóc bạc thì có khói màu, chứ không như ta - 40 năm qua vẫn rắc lên bột trắng, hoặc vôi trắng. Khói màu này chỉ cần xịt nhẹ, khi có không khí quyện vào, tóc sẽ thành màu mà đạo diễn muốn. Đối với yêu cầu vết khâu ở cánh tay, họ chỉ cần băng keo và chỉ dán, 30 giây có ngay thành phẩm.

“Hiện nay và không biết đến bao giờ, chúng ta vẫn hóa trang theo hệ thống thủ công nhưng không vì thế mà thua cuộc. “Làm con không nên trách cha mẹ nghèo”, phải biết chịu khó tìm tòi để làm giàu cho nghề” - NSƯT Trịnh Xuân Chính bộc bạch.

Trong tình hình “thiếu trăm bề”, đòi hỏi sự sáng tạo của nghệ sĩ và “cái khó ló cái khôn”, ông sáng tạo đủ thứ từ những chất liệu đơn giản, rẻ tiền. Một nồi đồng đã sử dụng lâu năm, cạo những lớp than đặc quẹo sẽ là một chất liệu hóa trang cho gương mặt cháy óng ánh, hơn là dùng bột pha màu, dễ bị phai khi tiếp xúc ánh sáng. Để có được những mặt nạ dẻo, ông tự đặt thợ đúc ở Hà Nội dập một cái khuôn để ép, thay vì mua từ các nước tiên tiến.

Chất liệu nhựa ông cũng pha chế từ những thành phẩm tái chế, có khi là áo mưa, nhựa thông, dụng cụ mủ đã qua các công đoạn nhuộm màu. Từ đó, ông tạo ra những gương mặt ma quỷ, dị hợm, bị biến dạng sau tai nạn… xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt: Con đường định mệnh, Vết thù, Như thế là tội ác, Thảm kịch tuổi xanh… và các vở diễn: Người đàn bà đức hạnh, Nàng Xê Đa, Vết thương ngày cũ…

Không chỉ tích cóp “đồng nát” để tạo chất liệu

Ở các tiệm mua bán sách cũ, vào những lúc rảnh rỗi, NSƯT Trịnh Xuân Chính say mê tìm kiếm, có khi đọc chăm chú, rồi ghi vào sổ tay tỉ mỉ những tựa sách tiếng Anh, Pháp, Nhật mà ông đọc được trong một quyển sách hướng dẫn kỹ thuật hóa trang đã vàng úa theo năm tháng.

Viết vào sổ tay rồi ông tự hẹn ngày với chính mình để đi tìm cho ra những đầu sách đó. Có khi người bán sách cũ biết “thú vui” của khách đã để dành hoặc mách bảo, để ông lặn lội ra tận một hiệu sách cũ ở Vũng Tàu, mua cho bằng được “kỹ năng pha chế chất kết dính dành cho công nghệ hóa trang”, một chất liệu quý để áp dụng khi làm nghề.

Ông nói vui: “Tôi là một con ong thợ nhưng lại thuộc diện nghèo, nên phải chăm chỉ gấp 10 lần mới có thể hài lòng với niềm đam mê. Bởi, nghề hóa trang của nước mình còn thiếu thốn hàng ngàn chất liệu, kỹ thuật, phương tiện và cả những sách báo nghiên cứu, do vậy phải miệt mài, chắt mót nhằm đạt hiệu quả nhất định”.

Ông đã ghi chú cẩn thận những điều thuộc về kinh nghiệm để các học trò của mình áp dụng cho nghề. “Đất nước ta còn nghèo, phim trường chuyên nghiệp còn thiếu thốn nhiều thứ thì ngành hóa trang chưa thể đạt đến mức kỹ xảo như các nền sân khấu điện ảnh tiên tiến nhưng không phải vì nghèo mà ta làm ẩu. Vẫn có những bộ phim, vở diễn cần đến hóa trang thì ta phải biết vượt qua cái nghèo” - ông thổ lộ.

Theo Người Lao Động

>> Để trở thành “phù thủy âm nhạc”
>> “Mẹ đẻ” của Harry Potter ra sách dành cho người lớn
>> Rực rỡ vũ hội hóa trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.