Những quyết sách thiếu thuyết phục: Làm chương trình không có tổng chỉ huy

30/01/2013 03:50 GMT+7

Mới đây, chính người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo khẳng định những yếu kém của chương trình - sách giáo khoa hiện hành là do thiếu một tổng chủ biên.

Những quyết sách thiếu thuyết phục: Làm chương trình không có tổng chỉ huy
Chương trình - SGK hiện hành thực hiện theo một quy trình ngược để lại những hậu quả nặng nề  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Quy trình ngược

 

Kéo dài thời gian triển khai do lúng túng

Tháng 12.2000, Quốc hội ra Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đến tháng 6.2001 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị để thực hiện nghị quyết này của Quốc hội. Theo đó lần lượt triển khai đại trà việc áp dụng chương trình - SGK mới bắt đầu ở lớp 1 và lớp 6 từ năm học 2002 - 2003, lớp 10 từ năm học 2004 - 2005; đến năm học 2006 - 2007 tất cả các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và SGK mới. Tuy nhiên, do lúng túng với phương án phân ban nên Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ dừng triển khai chương trình - SGK ở THPT thêm 2 năm để nghiên cứu và đến năm học 2006 - 2007 mới triển khai đại trà được chương trình, SGK mới ở cấp THPT.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi thay mặt Chính phủ giải trình về chất lượng giáo dục phổ thông mới đây thừa nhận: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến từng môn học; không có một tổng chủ biên sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12.  Sở dĩ có tình trạng này là do ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thành lập muộn hơn nhiều so với các ban chỉ đạo biên soạn chương trình cấp học nên hệ thống tổ chức, chỉ đạo và điều hành hoạt động đổi mới chương trình và SGK thiếu sự thống nhất như một chỉnh thể ngay từ đầu.

Theo tìm hiểu của PVThanh Niên, chương trình hiện nay ra đời theo một trình tự ngược. Ngày 31.1.1996, Bộ có quyết định thành lập ban soạn thảo chương trình tiểu học cho năm 2000; năm 1997 thành lập ban soạn chương trình THCS; năm 1998 thành lập ban soạn thảo chương trình trung học phân ban. Vậy mà đến ngày 12.3.1999 Bộ mới có quyết định thành lập hội đồng chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) được giao xây dựng chương trình này.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn ngữ văn phổ thông, khẳng định: “Quy trình của chúng ta hơi ngược và thiếu thuyết phục khi xây dựng chuẩn kiến thức của chương trình lại căn cứ vào SGK đã ban hành”. Các tác giả viết SGK đều cho rằng, SGK viết xong, thậm chí ở tiểu học còn triển khai đại trà (theo hình thức cuốn chiếu) rồi mới có chuẩn chương trình.

Ông Ngô Trần Ái, Tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, nơi chịu trách nhiệm phát hành SGK, cho hay: “Khi đã được thể hiện thành SGK thí điểm, đội ngũ tác giả viết SGK mới có dịp tiếp xúc thực sự với chương trình chuẩn. Do đó, nếu có ý kiến thì thường là thiếu kịp thời và khó có cơ hội sửa chữa”.

Mạnh ai nấy làm, học sinh gánh đủ

 

Ngay từ ngày đầu triển khai đề án, tôi đã tiên liệu sự thất bại. Bốn năm trời, khi thì phản đối nhẹ nhàng, khi thì quyết liệt trong nội bộ nhưng vẫn không hiệu quả vì tôi luôn là thiểu số đúng

Phó giáo sư NGUYỄN KẾ HÀO - nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (nay là Vụ Giáo dục tiểu học) Bộ GD-ĐT

Do biên soạn SGK trước, xây dựng chuẩn kiến thức sau và thiếu một tổng chủ biên nên chương trình và SGK hiện hành thể hiện đầy đủ những hậu quả của quy trình ngược ấy. Sau 3 năm triển khai đại trà chương trình - SGK mới, các chuyên gia của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có chung nhận định chương trình nặng nề, chồng chéo, không hấp dẫn học sinh.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn chỉ ra rằng, cách làm chương trình - SGK hiện hành là cắt khúc chương trình phổ thông cho nhiều nhóm làm, nhóm nọ không biết nhóm kia, theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Với cách làm như vậy nên chương trình - SGK thường phải chỉnh sửa hằng năm và in lại.

Cũng chính vì không có một “nhạc trưởng”, mỗi cấp học, môn học xây dựng chương trình và viết sách trên cái “lý” của mình nên chưa có một cái nhìn xuyên suốt cả 3 cấp. Hậu quả là nội dung kiến thức rất lỏng lẻo về tính liên thông, kế thừa giữa các cấp học. Có một số phần trùng lặp giữa các cấp liền nhau. Ngược lại, nhiều nội dung cấp học dưới chưa hề được làm quen lại xuất hiện ở cấp học trên với kiến thức rất khó khiến học sinh thường bị sốc.

Tại phiên giải trình của Chính phủ về chất lượng giáo dục phổ thông vào tháng 12.2012, lãnh đạo Bộ cũng thừa nhận chương trình - SGK còn có những nội dung ôm đồm, nặng nề với phần đông học sinh, thuật ngữ trừu tượng; nhiều tình huống gượng ép, hiệu quả chưa cao; những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học; dung lượng bài học chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Lý giải về việc này, Bộ cho rằng do việc triển khai chương trình - SGK hiện hành bị thúc ép tiến độ trong khi những nội dung và phương pháp giáo dục lạc hậu, nặng về dạy chữ, gây hiện tượng quá tải, không những đối với học sinh mà còn với công tác quản lý và chỉ đạo thực hiện của nhà trường.

Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào, người mà năm 2001 đã gây chú ý đặc biệt với dư luận khi kiên quyết xin từ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học (nay là Vụ Giáo dục tiểu học) vì phản đối cách thay đổi chương trình - SGK hiện hành. Ông tâm sự: “Ngay từ ngày đầu triển khai đề án, tôi đã tiên liệu sự thất bại. Bốn năm trời, khi thì phản đối nhẹ nhàng, khi thì quyết liệt trong nội bộ nhưng vẫn không hiệu quả vì tôi luôn là thiểu số đúng. Tôi từ chức không phải vì trốn chạy mà để bảo toàn danh dự, trong sạch lương tâm và hơn cả là có điều kiện công khai nói ra sự thật những điều mà khi còn có chức vụ, tôi không thể nói được và cũng không được phép nói. Đây cũng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Và đến bây giờ, tôi vẫn thấy khi đó tôi đã hành động đúng”. Tuy nhiên, ông Hào cũng không hề bi quan khi cho rằng: “Thời gian qua, mọi sự yếu kém, bất hợp lý... của ngành GD-ĐT đã được bộc lộ hết. Nghĩa là nó đã phơi bày tất cả thực trạng nên không cần phải mất thời gian để rà soát, tìm hiểu nữa. Do đó, đây là cơ hội cho nhà lãnh đạo mới của ngành nhìn nhận được triệt để rồi từ đó, đề ra những giải pháp nhằm chấn hưng giáo dục”.

Kinh nghiệm “xương máu”

Cũng tại phiên giải trình nêu trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Việc không có tổng chủ biên chương trình sẽ là bài học kinh nghiệm “xương máu” cho lần đổi mới chương trình - SGK sau năm 2015. Sẽ phải thực hiện đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, thống nhất giữa các cấp học, bậc học và thực hiện đồng bộ với các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý... Việc đổi mới chương trình - SGK phải có tính kế hoạch, không được nóng vội để đạt mục tiêu về thời gian, tiến độ; bảo đảm tính kế thừa và tiếp thu kinh nghiệm đi trước, đồng thời phải cập nhật những kết quả của các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới”.

Tuệ Nguyễn

>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Tạo cơ hội tối đa cho học sinh
>> Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Không đáp ứng thực tiễn nếu chỉ có một
>> Lãng phí trong cấp sách giáo khoa miễn phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.