Ung thư tuyến tiền liệt – các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa

06/11/2005 09:40 GMT+7

Ung thư tiền liệt tuyến (KTLT) là căn bệnh ác tính phổ biến và ngày càng tăng, gây biến chứng và tử vong cao. Bệnh thường xảy ra ở đàn ông trung niên tuổi từ 50 tuổi trở lên và ngày càng gia tăng cùng với sự gia tăng của tuổi thọ.

Việc điều trị KTLT chỉ có kết quả khi phát hiện sớm, khối u còn khu trú trong tuyến. Tuy nhiên, phần lớn KTLT lại tồn tại dưới dạng tiềm tàng nên việc phát hiện sớm rất khó khăn vì vậy hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện điều trị thường đã ở giai đoạn muộn.

Hiện nay y học chưa tìm ra biện pháp phòng KTLT đặc hiệu (nghĩa là chưa có vắc-xin). Khi bệnh đã được chẩn đoán xác định thì phương pháp điều trị ngoại khoa là hiệu quả và chắc chắn. Phẫu thuật giúp loại bỏ khối u TLT khi nó còn nhỏ và khu trú trong nhu mô tuyến, nếu chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có khả năng khỏi hẳn. Ở giai đoạn sớm, chủ yếu điều trị phẫu thuật kết hợp với xạ trị. Còn khi KTLT đã xâm lấn ra ngoài bao thì chỉ có các phương pháp điều trị tạm thời nhằm kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh mà thôi.

Bệnh KTLT ở Việt Nam hiện đang có xu hướng gia tăng. Việc hiểu biết về căn bệnh cùng các yếu tố nguy cơ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh. Đối với đàn ông trên 55 tuổi, việc khám và xét nghiệm định kỳ hàng năm là rất quan trọng. Với các phương tiện chẩn đoán hiện đại ngày nay, nhiều chuyên gia y học khuyên đàn ông ở lứa tuổi này hàng năm nên xét nghiệm ít nhất 1 lần bao gồm:

 - Xét nghiệm PSA : đây là chất đánh dấu có giá trị giúp phát hiện KTLT kết hợp với siêu âm.

- Siêu âm (SA): trong mọi trường hợp SA có thể phát hiện và định hướng cho việc sinh thiết TLT nếu có nghi ngờ nhằm phát hiện sớm ung thư.

Các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa

- Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều mỡ động vật rất dễ gây mắc bệnh KTLT. Một số tác giả nhận xét rằng những người Mỹ da đen có tỷ lệ mắc bệnh gấp 2 lần so với người Mỹ da trắng. Người Nhật Bản ăn nhiều rau xanh  và hoa quả chín còn người Mỹ thì ngược lại, nhất là người Mỹ da đen. Các chuyên gia cảnh báo các bệnh ung thư nói chung và KTLT nói riêng khuyến cáo mọi người hãy ăn ít chất béo động vật và tăng cường ăn rau xanh và hoa quả.

- Các chất hóa học: Những người làm việc trong các nghành công nghiệp tiếp xúc với hóa chất, các kỹ nghệ đúc kim loại, các công xưởng chế tạo ắc-qui, Niken – Kadimi và các dạng ác qui khác có nguy cơ mắc bệnh KTLT cao hơn.

- Hoocmon: Một số tác giả cho rằng những người có biểu hiện hoạt động tình dục mạnh, lượng hoocmon Testosterol cao dễ mắc bệnh hơn.

- Nhiễm khuẩn: Trong khi nghiên cứu các khối u ác tính của tuyến tiền liệt bằng kính hiển vi điện tử, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dấu vết của virus, điều đó chứng tỏ sự có mặt của yếu tố nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa:

- Test phát hiện sớm + SA định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

- Tránh ăn mỡ động vật mà thay bằng dầu ăn thực vật.

- Tránh tiếp xúc với các chất hóa học.

- Không dùng các thuốc hoocmon bừa bãi.

- Đậu nành và trà giúp bảo vệ tuyến tiền liệt. Hai thực phẩm này, vốn được coi là “địch thủ” của ung thư vú ở phụ nữ, có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển KTLT ở nam giới. Hiệu quả sẽ tăng hơn nếu dùng phối hợp cả trà và đậu nành. Điều này xuất phát từ thực tế ở Trung Quốc: do có thói quen dùng trà và đậu nành, tỷ lệ người mắc bệnh KTLT ở Trung Quốc rất thấp. Các tác giả sau khi nghiên cứu đã đưa ra kết luận trà  và đậu nành đều có tác dụng ức chế KTLT nhưng hiệu quả sẽ cao nhất nếu chúng được dùng cùng lúc.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.