Xuất khẩu nghệ thuật

18/12/2010 01:30 GMT+7

Những năm qua, có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ và đoàn hát nước ngoài đã đến Việt Nam biểu diễn, khiến cho không ít người Việt đặt lại câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể đem văn hóa Việt giới thiệu cho bạn bè thế giới?”, gọi nôm na là “xuất khẩu” nghệ thuật.

Thiếu “bệ phóng”

Chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết loại hình nghệ thuật được xuất khẩu thường xuyên chính là... xiếc. Đoàn xiếc TP.HCM năm nào cũng đi nước ngoài biểu diễn vài lần. Nào là Bỉ, Đài Loan, Lào, CHDCND Triều Tiên… Năm nay, một đoàn vừa đi Nhật biểu diễn mới trở về, thì nhóm khác đã lên đường sang Pháp.

Rối nước Rồng Vàng TP.HCM cũng là khách mời của Nhật Bản, và sắp tới dự kiến sẽ sang Mỹ biểu diễn. Loại hình rối nước gây ngạc nhiên và thú vị cho bè bạn không chỉ ở hình thức rối mà còn ở phần âm nhạc dân tộc độc đáo. Đặc biệt, các nghệ sĩ vừa gõ trống, gảy đàn, vừa giật dây rối và hát sống, không hề “chơi đĩa”, khiến ai nấy tròn mắt thán phục.

Nghệ sĩ chúng tôi chỉ lo được ở chuyên môn nghệ thuật thôi, phần giới thiệu đến khách có lẽ phải nhờ các công ty du lịch. Nhưng xem ra họ còn thờ ơ lắm, chưa nhiệt tình quảng bá văn hóa Việt - Đạo diễn Lê Tuấn Anh, Phó giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận

Cải lương cũng là một “đặc sản” không kém rối nước, nhưng mấy chục năm nay không hề động thủ. Thời còn bao cấp, khó khăn, vậy mà đi Pháp được mấy lần. Dù hát cho kiều bào Việt Nam thưởng thức, nhưng không ít “dân Tây” cũng “coi ké” và hiểu biết chút ít về sân khấu Việt. Nhờ những chuyến đi thành công đó mà Đoàn cải lương 284 thành lập, nổi đình nổi đám với Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Tâm sự Ngọc Hân... Vậy mà khi đời sống khá hơn thì chẳng ai quan tâm đến công tác giới thiệu cải lương nữa. Thực chất các chuyến đi của rối nước hay xiếc cũng đều do nước bạn được xem tại chỗ hay xem trong liên hoan, thấy hay rồi tự mời đoàn Việt Nam sang biểu diễn, chả có kinh phí đầu tư của nhà nước.

Kịch nói cuối thập niên 90 (thế kỷ 20) cũng lao vào tập tuồng Nỗi đau nhân loại tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, lấy cảm hứng từ Truyện Kiều và Othello. Những Văn Thành, Hồng Vân, Quốc Thảo, Khánh Hoàng, Tuyết Thu... học tiếng Anh muốn gãy lưỡi, và khi diễn thử đã gây ấn tượng rất tốt. Thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai cấp kinh phí cho đi, đành thở dài xếp xó.

Xuất khẩu tại chỗ

Thật sự đã có những nghệ sĩ rất tự hào với nghệ thuật nước nhà, và... tự ái khi cứ quanh quẩn trong nội địa. Thế là họ đã đứng ra tự xoay xở, tự tổ chức, và cũng thành công. Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn đã xây dựng rối nước Rồng Vàng tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM từ mấy năm nay, lịch diễn suốt cả tuần và mỗi ngày đều có 2 suất. Khách du lịch tới xem rất đông và tán thưởng nồng nhiệt.

Giám đốc Hồng Vân (Sân khấu Phú Nhuận) thì cho diễn kịch Việt bằng tiếng Anh (vở Ngựa người, người ngựa) tại Sân khấu Super Bowl, rất sang trọng, duyên dáng. Mới đây, vở kịch xiếc Xin chào ra mắt tại Công viên 23.9 mở ra một cách tiếp thị văn hóa Việt rất đa dạng, từ xiếc tới múa, võ thuật, cải lương, ca trù...

Chúng ta có một thị trường hấp dẫn bởi mỗi năm TP.HCM có trên 1 triệu khách du lịch, vì vậy nghệ thuật chính là một chỗ cho họ... tiêu tiền. Mà tiêu tiền kiểu này mới thực sự đáng nhớ và đáng phục Việt Nam, có khi hơn cả mua sắm. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn ở khâu tiếp thị. Đạo diễn Lê Tuấn Anh, Phó giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận, nói: “Nghệ sĩ chúng tôi chỉ lo được ở chuyên môn nghệ thuật thôi, phần giới thiệu đến khách có lẽ phải nhờ các công ty du lịch. Nhưng xem ra họ còn thờ ơ lắm, chưa nhiệt tình quảng bá văn hóa Việt”. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng từng có một sân khấu ca nhạc và thời trang nhỏ, vì anh rất tâm huyết với văn hóa dân tộc. Nhưng anh cũng than rằng nhiều hướng dẫn viên du lịch đòi chia hoa hồng cao hơn cả mức lãi của anh. Cuối cùng, nghệ thuật của chúng ta chỉ còn cách đóng cửa hát với nhau...

Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, than thở: “Nghệ sĩ của mình tài năng không kém đâu, nhưng không có bệ phóng cho họ đi xa. Nhà nước phải hỗ trợ thôi, vì tư nhân chưa đủ tiền và lực để tổ chức lưu diễn ở nước ngoài như thế”.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.