NSƯT Thanh Hoàng: Sẽ có Dạ cổ hoài lang 2

30/03/2014 09:00 GMT+7

Thanh Hoàng trở nên nổi tiếng sau vở kịch Dạ cổ hoài lang diễn tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM năm 1994. 20 năm tuổi đời của Dạ cổ hoài lang cũng là 20 năm anh đã đi suốt chặng đường từ diễn viên, đạo diễn tới giám đốc.

>> Nỗi niềm Thanh Hoàng
>> Hoài Linh diễn “Dạ cổ hoài lang”

NSƯT Thanh Hoàng và NSƯT Việt Anh trong vở Dạ cổ hoài lang - Ảnh: H.K
 NSƯT Thanh Hoàng và NSƯT Việt Anh trong vở Dạ cổ hoài lang - Ảnh: H.K

Vô nghề một cách thật tình cờ, anh thợ xây Hồ Kim Hoàng đã vượt qua người bạn rủ anh cùng đi thi mà lại rớt, để một mình bước vào Trường nghệ thuật Sân khấu 2 bỡ ngỡ, lạ lùng. Số phận là vậy. Nhưng không ngờ, sân khấu đã cuốn hút Thanh Hoàng, không chỉ diễn mà còn cầm bút sáng tác. Dạ cổ hoài lang như một vết son tuyệt đẹp trong sự nghiệp của anh. Và từ đó có nghệ danh Thanh Hoàng.

Vở diễn 20 tuổi

Nhìn lại 20 năm ra đời của vở kịch, hình như Thanh Hoàng rút ra được một bài toán cho sân khấu? Liệu quá khó để cân đong giữa nghệ thuật và thị trường?

Bài toán đó rất khó nhưng không phải là không giải được. Dạ cổ hoài lang như một ví dụ thôi, nó vừa đáp ứng được sự gần gũi, tiếp cận thị trường song cũng nghiêm túc, đàng hoàng, mà mọi lứa tuổi từ trẻ tới già đều có thể xem được. Điều đó khiến tôi vẫn tin tưởng vào sân khấu và tin vào nghệ sĩ, nếu thực sự muốn làm thì sẽ làm được.

Dạ cổ hoài lang “cao tuổi” lắm rồi, anh có muốn làm gì cho nó hay không?

Chưa cao đâu (cười), chúng tôi còn mở màn bán vé dài dài mà. Bởi không có quay đĩa hay phát sóng truyền hình nên còn rất nhiều khán giả vẫn chưa được xem. Nhưng thực lòng mà nói, một tác phẩm mà sống được 20 năm với một đơn vị là quá đủ, cho nên tôi muốn nhìn nó với một nét khác, nhìn người ta khai thác nó theo một kiểu khác. Ước gì có ai đó thử cho ra một bản dựng mới. Hoặc có một buổi diễn tập hợp tất cả những nghệ sĩ từng diễn như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo, Thanh Hoàng, Hoài Linh, Phương Linh, Ngọc Trinh, Cao Minh Đạt, Quý Bình, Quỳnh Anh… Mỗi người diễn một đoạn thôi để kỷ niệm 20 năm với biết bao thế hệ đã từng thay vai cho nhau.

Sao anh không cho “nhân bản” nó như kiểu làm của nhạc kịch Broadway, như thế nhiều diễn viên trẻ sẽ được diễn, nhiều nhóm kịch sẽ đi đến tỉnh xa cho khán giả được xem, để họ đỡ ấm ức.

Khó lắm. Bởi kịch bản chỉ có 4 nhân vật, lại ít xung đột, không khéo thì diễn không ra. Nhất là, không dễ gì tìm được nghệ sĩ đóng vai ông Năm như NSƯT Việt Anh hoặc vai ông Tư như NSƯT Thành Lộc, Lê Vũ Cầu…

Bộ ba kịch bản

Nghe nói anh đang ấp ủ kịch bản mới tạm gọi là Dạ cổ hoài lang 2. Trong năm nay có kịp ra mắt không?

Tôi ấp ủ mấy năm trời, nay đã có đề cương. Tôi đặt tên cho kịch bản là Trở lại gia đàng, lẩy ra từ một câu trong bản Dạ cổ hoài lang. Tôi sẽ cho ông Tư xuất hiện trở lại, và cùng ông Năm về quê, từ đó là một hành trình với bao nỗi niềm cảm động. Hy vọng năm nay kịp ra mắt. Tôi còn muốn làm một vở nữa là Dạ cổ hoài lang 3 với tên Én nhạn hiệp đôi, cũng lẩy ra từ một câu trong bài bản đó, nhưng thôi, từ từ tính. Cả đời tôi chỉ làm được bộ ba kịch bản đó là đủ vui rồi.

Ngày xưa anh viết khi mới vào nghề còn rất hồn nhiên, không hề nghĩ tới tiền bạc, chỉ lao vào với tất cả đam mê. Nhưng bây giờ liệu có hồn nhiên khi tác phẩm gắn với doanh thu, với đời sống của biết bao con người?

Tôi quan niệm nghệ thuật làm ra tiền chứ nghệ thuật không chạy theo đồng tiền. Cứ làm đúng sức thì tiền sẽ theo về. Nghệ thuật cần nét riêng và bản lĩnh. Thị hiếu là cách nói chung chung, thực ra cứ tác phẩm hay thì bán vé được.

Nhưng anh có tin rằng Dạ cổ hoài lang 2 hoặc 3 của anh bây giờ có được không khí tập tuồng toàn tâm toàn ý như ngày xưa? Thời thế khác đi nhiều, các sô diễn đã hút nghệ sĩ đi tứ tán…

Tôi cũng biết vậy, thôi thì chắc khó đòi hỏi như xưa. Nhưng trong những khâu độc lập như tác giả, đạo diễn thì xin hãy hết lòng hết sức cái đã, rồi mới được “đổ thừa” người khác.

Anh viết không nhiều, chỉ có Dạ cổ hoài lang, Trầu Cau, Cha yêu, nhưng vở nào cũng nghiêng về tình cảm quê hương và gia đình. Hình như anh không mặn mà với chủ đề tình yêu hoặc thời thế, xã hội.

Đúng là tôi không mặn với chủ đề tình yêu nghiệt ngã, éo le, cũng không “đau đáu” chuyện xã hội. Tình yêu trong vở của tôi chỉ như sợi dây kết nối câu chuyện. Còn xã hội có “đau” thì tôi cũng không “giải quyết” nổi, to lớn quá. Tôi chọn tình cảm gia đình và tự tình dân tộc, là hai thứ bền chặt và có tiếng nói chung nhất đối với mọi đối tượng khán giả. 

Dư luận nói rằng anh xin nghỉ chức Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, không biết lý do tại sao?

Đơn giản thôi. Tôi thèm trở lại với nghệ thuật, dành hết thời gian và tâm trí cho kịch bản ấp ủ. Làm lãnh đạo là phải tư duy theo kiểu khác, cứ bị xé cảm xúc ra, không viết được. Và tôi chuẩn bị cho con tôi sang nước ngoài du học nên chạy sô đóng phim lo tài chính nhiều quá, tôi không muốn làm anh em trong nhà hát thất vọng. Ngày trước tôi về nhà hát với con người nghệ sĩ mà thôi, giờ tôi buông hết, trở lại cũng với con người nghệ sĩ ấy. Dĩ nhiên tôi vẫn viết và diễn, ưu tiên dàn dựng Dạ cổ hoài lang 2 cho Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ vì đó vẫn là mái ấm của tôi mà.

Hoàng Kim

>> Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm - Kỳ 3: Câu hoài lang vang vọng
>> Dạ cổ Hoài Lang ra Bắc
>> Thành Lộc - Dạ cổ hoài lang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.