Chế tạo túi mềm dự trữ nước trên đảo

24/12/2009 11:57 GMT+7

Túi mềm chứa nước có khả năng chứa 10 – 20m3 nước ngọt, có thể vận chuyển dễ dàng, được đánh giá cao vì chi phí rẻ và hiệu quả.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ và kỹ sư Phạm Ngọc Lĩnh (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường) vừa nghiên cứu thành công vật liệu công nghệ chế tạo và lắp đặt túi mềm dự trữ nước từ hỗn hợp nhựa - cao su gia cường sợi.

Tuổi thọ lên đến hàng chục năm

Túi mềm chứa nước được cấu tạo từ 3 lớp vật liệu do các nhà khoa học tự chế tạo. Lớp ngoài cùng có khả năng bền trước thời tiết, khí hậu và các tác nhân khác để bảo vệ các lớp trong của túi. Lớp giữa là lớp chịu lực, được làm từ vật liệu dệt PES có độ bền cao, độ dãn thấp, nhẹ, có tính chịu nhiệt cao.

Lớp trong cùng tiếp xúc trực tiếp với nước, rất bền trong môi trường nước, không gây độc hại, kín nước và hạn chế thấp nhất sự khuếch tán của nước vào vật liệu. Theo kỹ sư Phạm Ngọc Lĩnh, mỗi túi có tuổi thọ sử dụng lên đến hàng chục năm.

Với cấu tạo trên, túi được thiết kế với 2 hình dạng: Túi hình hộp vuông và túi hình trụ. Túi hình hộp vuông có dung tích 20 m3, kích thước 4,5 m x 4,5 m x 1,1 m. Toàn bộ túi và phụ kiện nặng 62 kg, sau khi gấp gọn túi có kích thước 0,8 m x 0,8 m x 0,4 m. Túi hình trụ có dung tích 10 m3, đường kính 3 m, cao 1,5 m. Toàn bộ túi và phụ kiện nặng 92 kg, sau khi gấp gọn có kích thước 0,8 m x 0,8 m x 0,6 m.

Với túi hình trụ phải có khung đỡ chế tạo bằng ống nhựa đúc lõi thép, khung đỡ có thể tháo rời và bó gọn lại để tiện vận chuyển. Theo tính toán, giá thành chế tạo túi cho mỗi mét khối nước rất rẻ, khoảng 700.000 đồng. Ngoài ra, các nhà khoa học còn thiết kế hệ thống thu gom nước mưa kích thước 3 m x 3 m, có thể dùng ngay cả khi trời mưa có gió lớn, lắp ráp nhanh chóng và dễ dàng.

Phù hợp cho các hải đảo

Trong số hơn 2.700 đảo của nước ta, rất ít đảo có nước ngọt từ nguồn nước ngầm. Nếu có, chất lượng nước ngọt này cũng không đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt. Để có nước ngọt sử dụng, thường phải chuyên chở từ đất liền ra, chi phí rất tốn kém.

Vấn đề đặt ra là sử dụng dụng cụ nào để trữ nước mưa? Hiện nay, ở các đảo hầu hết đang dùng các bể chứa xây dựng bằng gạch, bê tông. Tuy nhiên, giá thành xây dựng rất cao, như ở đảo Phú Quý cao gấp 4 lần, ở Trường Sa cao gấp 10 lần so với ở đất liền.

Hơn nữa, nền móng ở đảo không ổn định nên thường xảy ra nứt, thấm, thất thoát nước rất lớn. Túi mềm là phương tiện khắc phục được các nhược điểm nói trên, thích hợp nhất để trữ nước ở đảo do có các ưu điểm: Nhẹ, dễ vận chuyển (có thể xếp gọn lại được) và có thể đưa vào lắp đặt ở những vị trí nhỏ hẹp.

Cuối tháng 4-2008, các tác giả cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế và triển khai thử nghiệm thực tế các túi chứa nước hệ thống thu gom nước mưa tại đảo Trường Sa và đảo Đá Tây. Sản phẩm được đánh giá cao vì rất hiệu quả và tiện lợi. Ngoài ra, có 7 hộ gia đình ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cũng đặt hàng và đã sử dụng các túi đựng nước này. Tổng cộng đến nay đã có khoảng 30 chiếc túi được chế tạo và đưa vào sử dụng thực tế.

Theo Thanh Lê (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.