Lạc quan về môi trường kinh doanh

14/12/2007 00:44 GMT+7

Khó có thể hình dung cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam lại lạc quan đến như vậy về môi trường kinh doanh, một năm sau khi Việt Nam đứng vào ngôi nhà chung WTO. Điều thú vị nhất trong "Bản báo cáo về cảm nhận môi trường kinh doanh 2007" (do Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp 2007 thực hiện) được đưa ra mới đây là sự nhất quán trong đánh giá của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này trái với những xu hướng ghi nhận được trong vòng 5 năm qua, trong đó những lần điều tra trước đều cho thấy sự khác biệt trong cảm nhận của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Điều này cũng có thể phản ánh khung pháp lý cho kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đã được thống nhất. 

Không giống như kết quả điều tra 2006, khi các doanh nghiệp trả lời đều bày tỏ mối quan ngại và nghi ngờ về triển vọng của môi trường kinh doanh, kết quả điều tra năm nay cho thấy xu hướng đi lên của môi trường kinh doanh trong cảm nhận của doanh nghiệp. Đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải tiến luật lệ và quy định phù hợp hơn với các quy định và thông lệ quốc tế, thể hiện qua tỷ lệ 42% doanh nghiệp nước ngoài (tham gia điều tra) ghi nhận có cải thiện trong lĩnh vực "tăng cường tuân thủ các quy tắc và thông lệ kinh doanh quốc tế". Các doanh nghiệp tham gia đều nhất trí đánh giá việc Việt Nam gia nhập WTO có tác động tốt đến việc phát triển kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp nêu một vài lý do về tác động tích cực của việc gia nhập WTO, ở cấp độ vĩ mô như: mở ra những cơ hội mới cho việc mở rộng thị trường cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thu hút thêm đầu tư, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty trong nước và nước ngoài trên mọi lĩnh vực, và đảm bảo sự hài hòa luật lệ và quy định của Việt Nam với quốc tế. 

Thành quả của một năm sau khi gia nhập WTO có thể còn chưa đáp ứng với những gì mà chúng ta kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều lợi ích đã được thấy rõ khi chúng ta thực hiện những cam kết quốc tế và đặc biệt là sức ép cải cách thể chế, pháp luật. Đó có lẽ là cái được lớn, quan trọng mà các chuyên gia đã từng dự báo trước khi chúng ta quyết định đứng vào ngôi nhà thương mại toàn cầu.

Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.