Vedan chưa chịu nhận mình “giết” sông Thị Vải

08/12/2009 00:46 GMT+7

Hôm qua 7.12, lần đầu tiên diễn ra cuộc họp kỹ thuật để báo cáo kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sông Thị Vải do hành vi xả thải “chui” của Công ty Vedan gây ra.

Báo cáo này do Viện Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM trình bày trước đại diện Công ty Vedan cùng cơ quan chức năng 3 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nguồn tin mà PV Báo Thanh Niên nắm được, trong tháng 2.2008 (thời điểm chưa phát hiện Vedan xả “chui” ra sông Thị Vải - PV) Viện TN-MT đã chủ động cùng một số chuyên gia, nhà khoa học gồm giáo sư, tiến sĩ... thực hiện một đợt khảo sát lượng nước thải của Công ty Vedan cũng như các doanh nghiệp (DN) khác xả ra sông Thị Vải. Với cách thực nghiệm: cùng lúc buộc Vedan ngưng xả để các DN khác xả thải; để Vedan xả và buộc các DN  khác ngưng xả thải, kết quả Vedan chiếm khoảng 90% lượng nước thải ra sông Thị Vải. Dựa vào kết quả này, cơ quan chức năng đánh giá Vedan chính là thủ phạm gây ô nhiễm sông Thị Vải. Khảo sát tại họng xả của Công ty Vedan cho thấy, Vedan xả ra khoảng 35-45 ngàn m3/ngày đêm với mức độ ô nhiễm về độ màu, các chất hữu cơ vượt hàng chục lần cho phép. Đợt khảo sát kéo dài trong vòng một tháng cũng cho thấy, lượng nước thải do Vedan gây ô nhiễm kéo dài khoảng hơn 10 km...

Báo chí bị “cấm cửa”

Sáng qua, nhiều PV của các báo có mặt tại Viện TN-MT đề nghị được dự thính buổi báo cáo kết quả nói trên, nhưng đại diện Tổng cục Môi trường thông báo “chỉ là cuộc họp kỹ thuật nên không mời báo chí tham dự”. Không chỉ “cấm cửa” vòng ngoài, trong cuộc họp một cán bộ Tổng cục Môi trường còn cảnh báo các đại biểu: “Không được cung cấp cho báo chí và không chịu trách nhiệm trước số liệu đã báo cáo (?!)”.

Ngoài ra, Viện TN-MT còn báo cáo số liệu thống kê gần 2.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng và gần 700 ha thiệt hại nhẹ. Nặng nề nhất là Đồng Nai, thiệt hại nặng 1.674 ha và thiệt hại nhẹ 349 ha; Bà Rịa - Vũng Tàu thiệt hại nặng 323 ha và thiệt hại nhẹ 253 ha. Riêng TP.HCM do có sự chồng lấn một phần diện tích với Đồng Nai (ở xã Thạnh An, H.Cần Giờ) nên chưa thống kê được thiệt hại nặng mà chỉ tính được thiệt hại nhẹ khoảng hơn 83 ha. Tuy nhiên, Viện TN-MT không đưa ra con số thiệt hại cụ thể bằng tiền như lâu nay Hội Nông dân 3 địa phương vẫn làm (thống kê thiệt hại theo đơn của các hộ dân).

Lãnh đạo Hội Nông dân các địa phương cho rằng, số xã thiệt hại đã giảm xuống (Viện TN-MT thống kê chỉ còn 9 xã, thị trấn), nhưng  hội tin tưởng vào kết quả của các nhà khoa học. Riêng ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, đề nghị Viện TN-MT có văn bản giải thích vì sao loại 2 xã ở Cần Giờ (Long Hòa và Cần Thạnh) ra khỏi danh sách thống kê thiệt hại, nhằm có cơ sở trả lời cho nông dân. Theo giải thích của Viện TN-MT, 2 xã này quá xa nơi xả thải của Vedan.

Trong khi đó, phía Công ty Vedan đã phản ứng quyết liệt vì cho rằng báo cáo của Viện TN-MT thiếu cơ sở khoa học do thời điểm tháng 2 rơi vào mùa khô, độ mặn xâm nhập cao dẫn đến khảo sát mức độ ô nhiễm không chuẩn xác; việc xác định phạm vi gây ô nhiễm cũng không hợp lý... Lãnh đạo Vedan đề nghị được xem lại kết quả khảo sát của Viện TN-MT. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, đến chiều qua đại diện Vedan đã từ chối ký vào biên bản làm việc. 

Theo dự kiến, ngày 11.12 Tổng cục Môi trường tiếp tục có cuộc họp với UBND TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu để thống nhất báo cáo kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sông Thị Vải do hành vi xả thải “chui” của Công ty Vedan gây ra.

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.