Bạc Liêu - Cà Mau: Đem tiền đổ biển!

06/12/2005 00:14 GMT+7

Hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho chương trình khắc phục hậu quả bão số 5 (1997) và đánh bắt xa bờ để vực dậy ngành thủy sản sau thiên tai tàn khốc. Thế nhưng, sau gần 10 năm triển khai, hàng trăm tỉ đồng vốn đang có nguy cơ không thể thu hồi.

Khai khống thiệt hại

Quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân chính làm cho một lượng lớn vốn không đến được đúng địa chỉ. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng tại tỉnh Cà Mau đã có hơn 60 trường hợp kê khai thiệt hại 2 lần trên cùng một số tàu hoặc kê khai khống thiệt hại để được vay ưu đãi, gần 100 trường hợp khác kê khai gian lận, nâng mức thiệt hại lên nhiều lần để được tăng định suất vay. Ông T.S, một ngư dân thị trấn Sông Đốc nói: "Không cần đi khảo sát, điều tra gì, chỉ ngồi tại nhà tôi cũng biết trong xóm này ai là người đi biển, có tàu bị thiệt hại. Đó là những đối tượng cần vay thực sự chứ cho vay tràn lan, anh hớt tóc cũng nhảy ra đóng tàu đi biển thì làm sao không thua được!". Quá trình tìm hiểu của chúng tôi cũng cho thấy nhiều trường hợp được vay sai đối tượng như: Ông Dương Tấn Tài ở khu vực 3 thị trấn Sông Đốc chỉ có một chiếc tàu mang số CM 6337 bị thiệt hại trong bão số 5 nhưng lại được phê duyệt vay 2 lần tại 2 ngân hàng khác nhau với tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Các ông Kiều Văn Thuận, Lê Ngọc Khá, Nguyễn Văn Xã, Nguyễn Văn Thành, Lương Văn Huynh và Lê Hữu Có đã tự "vẽ" ra số tàu bị thiệt hại và được vay vốn ưu đãi trên 2,7 tỉ đồng...

Những người vay vốn kiểu này chỉ đầu tư vào tàu "cho có" còn phần lớn tiền thì đem làm chuyện khác. Tại Đồn biên phòng 962 đóng tại thị trấn Sông Đốc, chúng tôi đã chụp được ảnh những xác tàu được đầu tư kiểu trên, bị chủ tàu bỏ mặc dù chưa một lần ra khơi.

Cán bộ khai man

Không ít trường hợp cán bộ đương chức lúc bấy giờ không thuộc diện đối tượng được vay vốn nhưng bản thân hoặc thân nhân vẫn có tên trong danh sách vay vốn. Tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), ai cũng biết ông Trần Minh Tấn chưa bao giờ làm nghề đi biển nhưng vẫn được vay 400 triệu đồng, lý do đơn giản: vợ ông Tấn là bà Trần Mỹ Dung lúc đó đang là Phó chủ tịch UBND thị trấn, có tên trong hội đồng xét duyệt danh sách vay. Hay như ông Đặng Văn Bản, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đông Hải dù "mù tịt" chuyện đánh bắt xa bờ vẫn được vay đến 450 triệu đồng. Ông u Minh An, Bí thư xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) còn chơi bạo hơn: Cho vợ đứng tên vay đến 2 khế ước, tổng vốn vay hơn 640 triệu đồng... Chỉ tính sơ sơ ở huyện Đông Hải đã có đến 18 cán bộ chưa hề làm nghề biển vẫn được duyệt cho vay gần chục tỉ đồng.

Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, ông Võ Minh Chơn, nguyên Trưởng phòng Thủy sản và là thành viên Tổ thẩm định hồ sơ vay vốn của huyện Ngọc Hiển cũng "xí phần" cho vợ là Phan Thanh Nga và bạn ông là Thái Việt Bắc vay trên 1,1 tỉ đồng đóng mới 2 tàu để rồi sau đó vội tìm người chuyển nhượng lại, vì cả hai đối tượng này cũng thuộc diện phải "xóa mù nghề biển". Ly kỳ hơn là vụ Dương Phước Thiện và Huỳnh Văn Út - nguyên là nhân viên Công ty Khánh Hội (huyện U Minh), dù không có tàu bị thiệt hại nhưng đã thuyết phục được hai ngư dân Phạm Văn Mách và Nguyễn Văn Lơ (2 người có tàu bị chìm thật sự)... ủy quyền cho mình vay vốn trên danh nghĩa "hùn hạp làm ăn". Thế nhưng, sau khi được duyệt, hai ông Thiện - Út lại ủy quyền cho ông Phạm Hòa Bình, Chủ nhiệm HTX Hòa Bình (U Minh) đứng ra nhận tổng vốn hơn 1,1 tỉ đồng để đóng mới 2 tàu rồi lại thuê người khác đưa tàu vào hoạt động. Sau một thời gian, chủ đầu tư cho biết tàu đã bị cướp biển bắt, thế là 1,1 tỉ đồng vốn vay bị đưa vào danh sách "khó thu hồi". 

Cũng tại Cà Mau, trong thời gian ngắn đã có hàng chục HTX được lập ra nhằm mục đích... vay vốn. Chỉ riêng tại thị trấn Sông Đốc đã có hàng chục trường hợp xã viên sử dụng vốn sai mục đích. Chẳng hạn như xã viên Nguyễn Phi Hùng (HTX Phục Hưng) và Nguyễn Tùng Nhỏ (HTX Thuận Phát) được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thị trấn Sông Đốc giải ngân 166 triệu đồng để mua máy lắp đặt cho tàu, thực tế hai ông này lại dùng số tiền đó vào mục đích khác. Ở HTX Hưng Thạnh, trong số 8 xã viên được nhận vốn vay thì hiện tại chỉ còn một theo nghề biển, số còn lại đã sang bán, cho thuê tàu ở địa phương khác...

Ngân hàng lao đao

Tại Cà Mau, Chương trình đánh bắt xa bờ đầu tư 41,7 tỉ đồng cho mục tiêu đóng mới và cải hoán 55 tàu nhưng đến nay, số vốn thu hồi được chưa tới... 1 tỉ đồng! Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình khắc phục hậu quả bão số 5 (1997) lên tới hơn 400 tỉ đồng nhưng theo tính toán của các ngân hàng, giỏi lắm cũng chỉ thu hồi được chừng 10%. Trong số gần 1.000 chiếc tàu được duyệt cho vay đóng mới hoặc cải hoán chỉ có khoảng 60 chiếc hoạt động có hiệu quả, còn lại gần 300 chiếc đã ngưng hoạt động và đang xuống cấp từng ngày; 200 chiếc đã "banh xác" không còn sử dụng được và chừng 100 chiếc mất tung tích do đã chuyển sở hữu, cho thuê, chìm...

Ông Hồ Thái Nguyên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Hiện dư nợ cho vay đánh bắt xa bờ của 3 ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh là trên 88 tỉ đồng, trong đó nợ khó đòi lên đến trên 87,7 tỉ đồng liên quan đến 350 hộ. Thời gian qua, các ngân hàng đã hoàn tất hơn 100 hồ sơ chuyển tới các cơ quan pháp luật và hàng chục trường hợp đã có phán quyết của tòa án nhưng tỷ lệ thu hồi vốn rất thấp, do tàu đã xuống cấp trong khi những tài sản khác của người vay như đất và nhà ở lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nên khi phát mại gặp nhiều khó khăn".

Điều tra của Tấn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.