Không để doanh nghiệp “chết oan”

24/10/2012 17:25 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại tổ sáng nay (24.10) về kinh tế xã hội, các đại biểu cho rằng, không nên quá lo lắng lạm phát rồi siết tín dụng quá chặt khiến nhiều doanh nghiệp (DN) còn tiềm năng bị phá sản, “chết oan”, cần phải có chính sách đặc biệt để tháo gỡ hàng tồn kho, nợ xấu.

Đánh giá về tình hình kinh tế 2012, theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), báo cáo của Chính phủ không tô hồng cũng không bôi đen, nhưng không phân tích sâu các vấn đề chỉ ra.

Tất cả khó khăn do tích tụ và kéo dài 5 năm qua, trong khi giải pháp của Chính phủ gồm tài khóa và tiền tệ tập trung xử lý những vấn đề tình thế đang đặt ra chưa giải quyết được căn cơ của nền kinh tế.

ĐB kiến nghị: “Trong ngắn hạn cần biện pháp mạnh hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Đừng quá lo lắng tái lạm phát rồi siết lại tín dụng mà phải mở ra, đừng để DN nào vì thiếu vốn lưu động mà phải ngưng hoạt động không trả được nợ”.

Ngoài ra, theo ĐB Lịch, cần tập trung trái phiếu ở một số công trình trọng điểm giao thông, hiện nay xi măng sắt thép dư thừa nhiều nên dùng ngân sách T.Ư một phần, địa phương một phần, cùng người dân làm đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương…

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đánh giá, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm. Mặc dù từ đầu năm đến nay, NHNN đã 5 lần giảm lãi suất huy động tiền gửi, kéo giảm lãi suất cho vay, nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thu được.

Trong khi các DN rất khó tiếp cận được nguồn vốn thì từ đầu tháng 10 tới nay, cả lãi suất huy động và cho vay đang có dấu hiệu tăng trở lại dưới các hình thức khác nhau, bất chấp quy định trần lãi suất huy động 9% và trần cho vay 15%.

9 tháng đầu năm đã có hơn 40.000 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ, những DN còn cầm cự được đang đuối sức dần và khó khăn ngày càng tích tụ.

ĐB Nam kiến nghị Chính phủ cần áp dụng biện pháp đặc biệt khoanh nợ và cho vay mới các DN có điều kiện tồn tại và phát triển; các DN đang thực hiện các dự án nhà ở có thị trường, dự án BOT, BT trong lĩnh vực hạ tầng bị ngưng trệ do thiếu nguồn tín dụng; ngăn chặn xu hướng tăng số DN phải ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế… theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ đến hết năm 2013, tạo điều kiện cho DN phục hồi tăng trưởng.


 ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đánh giá tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), đánh giá báo cáo của Chính phủ là “vừa sơ sài vừa cô đọng, vừa cô đọng vừa chung chung”, chỉ nêu hiện tượng mà hoàn toàn không có phân tích đánh giá thực chất kinh tế xã hội hiện nay, chưa đánh giá thực chất lạm phát giảm do nguyên nhân nào, quan hệ tăng trưởng kinh tế để làm sao sản xuất phát triển. Báo cáo chưa nói đến việc thực hiện Nghị quyết của QH đối với phát triển KTXH.

“Ví dụ gói cứu trợ 29 nghìn tỉ đồng vừa qua, tiền đã đến địa chỉ đâu, DN nhận được chưa. Hai là giữ cho được 3,8 triệu ha lúa thì việc thu hồi sân golf trả lại các tỉnh chưa phản ánh vào, còn có nơi tiếp tục lấy đất lúa san phẳng mặt bằng cho người Trung Quốc thuê. Rồi giá cả xăng dầu liên tục tăng như thế trong khi chuyện tạm nhập tái xuất thực chất buôn lậu như thế nào?”, ĐB Đương nói.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng, tồn kho rất đáng lo ngại, nhưng không có báo cáo nào về việc tồn kho này do kích cầu tăng lên hay từ đầu năm đến giờ các DN do khó khăn co cụm lại. ĐB kiến nghị, cần phân tích rõ và có những giải pháp để điều chỉnh dòng vốn vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh (DN nhỏ và vừa, DN sản xuất trong nước).

Giải quyết tồn kho bất động sản bằng kích cầu mua nhà, rót vốn tín dụng cho người mua, nên ở phân khúc bất động sản, nhà có giá trị vừa phải, tiếp sức bất động sản trực tiếp cho người mua. Song song đó tăng cường công cụ pháp lý cho lĩnh vực này để giải quyết tình trạng chây ỳ, mất khả năng thanh toán để luân chuyển sản phẩm cho người khác mua.

Nguyệt Minh - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.