Tiểu không kiểm soát

30/11/2009 09:22 GMT+7

(TNTT>) Thuật ngữ chuyên ngành y khoa gọi là bệnh tiểu không kiểm soát khi gắng sức. Cách gọi thông thường là són tiểu

Một nữ doanh nhân kể lại, chị mắc bệnh són tiểu đã hai năm nay. Một lần trong buổi gặp gỡ đối tác, một khách hàng ngoại quốc đã hút thuốc, vốn dị ứng thuốc lá, chị hắt hơi liền hai cái, ngay lập tức nước tiểu tuôn ra không thể cầm được.

Vài ngày sau chị đáp máy bay sang Singapore để điều trị nhưng bệnh viện đa khoa ở đây từ chối vì họ không có chuyên khoa trị bệnh này.

Nhờ một người quen giới thiệu, chị mới được biết ở Việt Nam mới thành lập chuyên khoa Sàn chậu học. Thông qua cuộc phẫu thuật tại đây, chị đã được giải phóng khỏi căn bệnh này.

Bệnh có thể chữa khỏi

Theo TS. Nguyễn Trung Vinh – Trưởng khoa Sàn chậu niệu Bệnh viện Triều An: Nguyên nhân chính của són tiểu là do vùng niệu đạo giữa bị sa nhão, cổ bọng đái có khuynh hướng mở rộng hơn so với người bình thường. Từ đó mỗi khi gắng sức như hắt hơi, ho, tằng hắng, leo lầu,… áp suất trong bụng tăng đột ngột làm nước tiểu bắn vọt ra ngoài không thể kiểm soát được. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ sinh đẻ nhiều, chủ yếu ở người sinh thường do khi rặn sinh dễ làm sa nhão vùng sàn chậu.

Ngày nay són tiểu là một trong những dạng bệnh thuộc chuyên ngành niệu dục hay sàn chậu học.

Tại Việt Nam, bệnh nhân có thể đến điều trị tại các bệnh viện có chuyên khoa như: bệnh viện Triều An, bệnh viện Bình dân và bệnh viện FV. Chi phí trung bình 10 triệu/trường hợp

Sàn chậu là phần thấp nhất của khung chậu trong đó chứa 3 cơ quan: tiết niệu dưới (bọng đái, niệu đạo), sinh dục (tử cung, âm đạo) và hậu môn trực tràng.

Do khu vực sàn chậu có chung cấu trúc về cơ, mạch máu và thần kinh nên 3 tạng chậu này có sự liên hệ cực kỳ mật thiết với nhau. Khi một cấu trúc có vấn đề sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hai cấu trúc bên cạnh. Hãy hình dung khu vực này như chiếc cầu được treo giữ bởi hệ cáp treo. Khi dây văng bị yếu hoặc nhão thì gần như toàn bộ các cấu trúc cầu sẽ bị ảnh hưởng, không thể chắc chắn như ban đầu.

Vì vậy, người nữ khi bị sa sinh dục luôn kèm theo són tiểu và táo bón.

Phẫu thuật

Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ phẫu thuật thông qua các lỗ tự nhiên trong cơ thể nên việc mổ rất đơn giản – không để lại sẹo, rất ít đau, bệnh nhân có thể về trong ngày.

Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh, tất cả các loại bệnh mổ đều có thể tái phát, vấn đề là ít hay nhiều, sớm hay muộn. Sau phẫu thuật để hạn chế tái phát, bệnh nhân nên tập vật lý trị liệu (hình thức tập theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa).

Ngoài ra, khi mang thai, thai phụ nên chăm chỉ vận động đúng cách, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau quả tươi, các loại trái cây, uống nhiều nước để tránh táo bón.

Lê Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.