Đứng giống vì lạnh

26/12/2011 08:45 GMT+7

Đợt lạnh giá kéo dài, kèm theo mưa đã làm cho hầu hết diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân của người dân miền Trung phải đứng giống.

Đợt lạnh giá kéo dài, kèm theo mưa đã làm cho hầu hết diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân của người dân miền Trung phải đứng giống.

 
Thời tiết lạnh giá khiến nông dân không kịp xuống giống  - Ảnh: Văn Sự

Theo lịch thời vụ do Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế hướng dẫn đối với một số loại cây chính trong vụ đông xuân 2011-2012, đối với trà lúa dài ngày, lịch xuống giống được khuyến cáo từ 1 đến 25.12 phải kết thúc gieo cấy, nhưng đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mới gieo cấy được 337/27.179ha. Ngoài một số diện tích nhỏ của ba huyện A Lưới, Quảng Điền và Phú Vang được gieo cấy như trên, hầu hết đồng ruộng của Thừa Thiên - Huế đều đang bị chậm lịch thời vụ. Trong đó, tính đến ngày 23.12, H.Quảng Điền mới gieo cấy được 50/4.100 ha.

Rét "đè" hoa tết

Càng gần đến tết Nguyên đán, thời tiết tại Quảng Bình liên tục mưa rét khiến người trồng hoa hết sức lo lắng. Họ phải thức khuya dậy sớm để chăm sóc hoa, tránh vụ mùa thất bát. Theo ghi nhận của chúng tôi, các làng hoa ở TP.Đồng Hới, H.Quảng Ninh và Bố Trạch chủ yếu trồng hoa cúc. Thời tiết không thuận lợi nên vườn cúc rộng gần 1.000 m2 của anh D., (ở xã Lương Ninh, H.Quảng Ninh) mới xuống luống hơn 2 tháng, giờ cao 20-30 cm. Trời lạnh nên cây phát triển khá chậm. Vì thế anh D. phải phun thuốc kích thích pha trộn ít thuốc trừ sâu theo lịch và tốc độ phát triển của cây. Ngoài ra, trên mỗi luống, anh còn cắm cọc chăng 2 bóng đèn điện ở 2 đầu để tăng thời gian chiếu sáng và nhiệt độ cho cây phát triển, nở hoa đúng dịp. Anh D. cho biết: “Người trồng hoa thì phải thức cùng hoa, ngủ cùng hoa, ăn cùng hoa. Những lúc cận tết mà lại giá rét như thế này càng vất vả hơn. Khi bật đèn vào chiều tối, lúc thì bật vào nửa đêm trở về sáng, thời điểm này điện mạnh hơn nên lượng nhiệt tỏa ra lớn hơn; coi như thức trắng đêm. Trồng hoa, phải canh từng cử động của cây, nhất là khi thời tiết thất thường”. Một chủ vườn hoa khác ở Đồng Hới nói với vẻ lo lắng: “Chưa thu hoạch thì người trồng hoa chưa thể nói trước được điều gì. Trời lạnh nhưng thời gian tới chỉ cần nắng nóng vài bữa là nở toe toét, phải thay đổi chiến thuật chăm sóc”.

T.Q.Nam

Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng NN-PTNT Quảng Điền - cho biết do thời tiết mưa rét, nước trên các sông ở Quảng Điền vẫn còn cao nên hiện nay hầu hết diện tích gieo cấy lúa của huyện đều bị ngập úng không thể xuống giống. Ông Trần Dũng, nông dân xã Quảng An nói: “Mưa lạnh như ri đến tôm cá ngoài đồng còn chết cóng huống nữa là lúa. Trời lạnh làm nước ngoài đồng ruộng đen ngòm. Với thời tiết này, nếu gieo cấy thì cây lúa cũng không thể phát triển nổi".

Cùng với Quảng Điền, nông dân H.Phong Điền hiện cũng không thể gieo cấy vì mưa lạnh và ngập úng. Ông Nguyễn Khoa Đãi - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Ưu Điềm (xã Phong Hòa. H.Phong Điền) - cho biết đa số diện tích ở Phong Hòa đều là diện tích gieo sạ nên phải chọn giống ngắn ngày. Nếu gieo cấy lúa dài ngày như trước đây thì trời lạnh như thế này cũng đã trễ lịch thời vụ. Theo lịch thời vụ thì diện tích giống ngắn ngày được khuyến cáo gieo sạ từ khoảng 25.12 trở đi.

Cùng với cây lúa, thời tiết lạnh cũng làm các loại rau màu, hoa trồng phục vụ tết Nguyên đán có nguy cơ bị thiệt hại do chậm phát triển. Tại Quảng Điền, hiện có 210 ha rau màu và 12 ha hoa của nông dân các xã Quảng Thành, Quảng Thọ và thị trấn Sịa, do thời tiết lạnh nên cũng có biểu hiện chậm phát triển. Mặc dù nhiều hộ nông dân đã tích cực đầu tư nhiều công sức như làm khung che chắn, nhưng thời tiết lạnh làm cây rau quắn lá không phát triển. Tại các vùng trồng hoa như Phú Mậu, Phú Thượng (H.Phú Vang) nhiều hộ trồng hoa tết như cúc, hoa ly, vạn thọ, thượt dược…cũng đang phập phồng vì lo hoa không kịp vụ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, nếu diễn biến thời tiết tiếp tục mưa lạnh và ngập úng kéo dài, H.Quảng Điền sẽ buộc phải tính toán lại cơ cấu giống, thay vào đó sẽ chuyển đổi số diện tích trồng trà dài ngày thành giống ngắn ngày. “Thường thì việc trễ lịch thời vụ không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa khi thu hoạch, nhưng sẽ kéo theo lịch giao cấy vụ hè thu muộn. Mà lịch vụ hè thu bị muộn đến mùa thu hoạch rất dễ gặp bão lụt nên vụ đông xuân phải tiến hành kịp lịch thời vụ là vậy” - ông Tiến nói.

Trong 2 tuần liên tục, tình hình thời tiết mưa rét đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị. Dù chưa đến mức báo động nhưng người dân cũng như các sở ban ngành liên quan đã có những phương án đề phòng.

Theo ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, vụ đông xuân tới đây toàn tỉnh sẽ gieo cấy trên 22.000 ha lúa, thời gian dự kiến sẽ là ngày 25.12. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, chúng tôi đã có văn bản gửi về các địa phương chỉ đạo nếu xuất hiện tình trạng rét đậm, rét hại thì các địa phương và người dân cần phải tự chủ động lùi ngày gieo cấy để đảm bảo mùa vụ” - ông Bài nhấn mạnh.

Nỗi lo tăng giá

Từ đầu tuần trước, hôm 20.12, trà 1 vụ lúa đông xuân 2011-2012 tại Quảng Nam chính thức xuống giống và kéo dài đến cuối tuần này (30.12) với khoảng 40% diện tích trong tổng số hơn 43.500 ha. Sẽ còn 2 trà lúa nữa, nhưng trước mắt nông dân xứ Quảng đối diện với nhiều nỗi lo về thời tiết chuyển lạnh kéo dài, xuống giống trong mưa phùn, cộng với nỗ lực “chạy đua” để kịp cải tạo lượng lớn diện tích đất bị cát san lấp sau lũ lớn… Trong khi lo ngại về chất lượng giống gieo sạ gặp lạnh chưa vơi bớt, nông dân Quảng Nam lại nhận thêm “tin  xấu”: giá phân bón bất ngờ tăng cao. Tại Bình Nguyên (H.Thăng Bình), Điện Ngọc (H.Điện Bàn)…, thị trường phân bón biến động với giá phân urê từ 10 ngàn đồng/kg đã tăng lên hơn 12 ngàn  đồng/kg. Giá phân NPK 3 lá từ 23 nghìn đồng/kg cũng vừa nhích thêm 4-5 ngàn  đồng/kg . Đây đã là “điệp khúc” vào vụ tăng giá phân bón hằng năm. Năm nay, tại các điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp cho thấy giá phân urê cao cấp, lân, kali... đã tăng ít nhất 30% so với thời điểm cuối vụ hè thu 2011. Dù Chính phủ chi viện 300 tấn lúa giống, nhưng địa phương vẫn chưa an tâm khi giá cả các loại lúa giống tăng rất mạnh. Trong đó, giá giống lúa Xi23, NX30, X21, HT1, XT28 tăng 30 - 40% (so với cuối vụ hè thu 2011), riêng giống lúa lai Nhị ưu 838 tại H.Đại Lộc ở mức 75 ngàn  đồng/kg, tăng hơn 10 ngàn  đồng/kg. Trước những khó khăn của nhà nông, nhiều địa phương chủ động vào cuộc theo hướng hỗ trợ 30% số tiền đầu tư mua lúa giống (ở H.Thăng Bình) hay cấp phát hạt giống rau cải bẹ, giống lúa chất lượng cao QX2, NX30, ĐV108, TBR45, Xi23, PC6… như ở H.Bắc Trà My, Nông Sơn.

H.X.Huỳnh

B.N.Long - Ng.Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.