“Xu hướng dễ dãi” của mỹ thuật VN

21/12/2008 22:40 GMT+7

Mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế là chủ đề buổi hội thảo do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 19.12. Dự kiến mời 200 đại biểu, song chỉ có khoảng 50 người đến. Một số bỏ về ngay sau khi khai mạc, số còn lại người nghe, người... đọc báo.

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Đỗ Bảo (Hội Mỹ thuật Việt Nam) kêu gọi các đại biểu hãy hào hứng trình bày, thảo luận từ những vấn đề vi mô đến chuyện vĩ mô như: thuận lợi và thách thức của mỹ thuật trong thời kỳ hội nhập phát triển, khuynh hướng đa dạng hóa trong sáng tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa, quản lý nhà nước về mỹ thuật, vai trò của gallery, bản quyền mỹ thuật... Thế nhưng, với chủ đề rất thời sự và cũng rất “mông lung” ấy, các đại biểu dường như cũng trở nên “mông lung” khi “mạnh ai nấy nói”.

Chúng ta đang tự đẩy những sản phẩm của mình thành thứ hàng chợ và tự làm mình xấu đi, mất đi sự sang trọng trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhà phê bình mỹ thuật
Bùi Như Hương

Bệnh thành tích

Thực tế, hội thảo cũng có một vài ý kiến đáng chú ý. Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương (Viện Mỹ thuật) cảnh báo về “xu hướng dễ dãi” trong mỹ thuật Việt Nam. Dễ dãi vì họa sĩ sáng tác chủ yếu dựa vào bản năng, suy nghĩ đơn giản nên khó lòng đi được đường dài trên con đường sáng tạo, mà thường nhanh chóng cạn kiệt ý tưởng. Dễ dãi nên nền mỹ thuật Việt Nam luôn mấp mé ở ranh giới giữa mỹ thuật và mỹ nghệ, mà nếu bứt lên thành mỹ thuật thì cũng chỉ là mỹ thuật hạng thứ, với tình cảm, nội dung vụn vặt, khó chiếm lĩnh đỉnh cao. Cũng vì dễ dãi nên tranh giả tràn ngập các sàn đấu giá quốc tế.

Coi hội nhập quốc tế như cơ hội để “biết mình, biết ta” trong thế giới văn minh, nhà phê bình Phạm Quốc Trung (Viện Mỹ thuật), thay vì tiếp tục mổ xẻ “xu hướng dễ dãi”, lại phê phán "căn bệnh thành tích”. Theo ông Trung, sự phô trương tốn kém, mang một tâm thế tự đại không thực chất, tạo nên những “giá trị ảo, giả”, chất lượng sản phẩm nhanh chóng xuống cấp, không tương xứng với quy mô và kinh phí là những biểu hiện của “bệnh thành tích” trong ngành mỹ thuật, mà bằng chứng rõ rệt nhất là lĩnh vực tượng đài. “Thời gian gần đây, Hội Mỹ thuật, dư luận và báo chí đã có nhiều ý kiến về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật của các công trình tượng đài ở Việt Nam, thế nhưng phong trào làm tượng đài vẫn không giảm bớt mà có khuynh hướng phát triển hơn từ các địa phương cho đến đoàn thể, tổng công ty... Cả nước có đến gần ngàn tượng đài trong khi chỉ có một số rất ít nhà điêu khắc thực hiện được những công trình có chất lượng”, ông Trung nhận xét.

Xin được... bao cấp

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung thì điểm lại nhiều “cái không” và “cái thiếu” của ngành mỹ thuật, đó là: không phát hiện, hỗ trợ, khuyến khích được tài năng trẻ thành những tác giả có triển vọng; không tạo được thị trường nghệ thuật; không có hệ thống curator chuyên nghiệp; lực lượng phê bình mỹ thuật mỏng và yếu; thiếu bảo tàng mỹ thuật hiện đại; thiếu các nhà tài trợ... Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến gay gắt bổ sung: “Không thể hội nhập những cái chung chung, giống nhau, đơn điệu, yếu kém, không chất lượng. Tức là hội nhập phải có tiềm lực, có vốn, có giá trị thương hiệu...”.

Thế nhưng, làm gì để mỹ thuật Việt Nam có thể hội nhập lành mạnh trong thời buổi toàn cầu hóa khi có quá nhiều “cái không” và “cái thiếu” như thế? Thiếu sức bươn chải với thị trường, nhiều nghệ sĩ vẫn muốn “neo đậu” vào bầu ngân sách nhà nước. Ông Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) kiến nghị Nhà nước nên tổ chức các họa viện (như kiểu Trung Quốc), chọn ra những họa sĩ xuất sắc trong biên chế các viện đó nhưng không phải làm nhiệm vụ hành chính sự nghiệp mà là chuyên tâm sáng tác và được hưởng lương cơ quan. Đến cuối năm, họa sĩ trình bày các tác phẩm đã sáng tác trong năm đó để họa viện đánh giá và chọn lưu giữ từ 1 đến 2 tác phẩm (có giá trị tương đương với tiền lương họa viện đã trả cho họa sĩ trong năm đó). Ông Chương cũng kiến nghị Nhà nước cần có kế hoạch đặt hàng, mua tác phẩm cho các bảo tàng và các cơ quan nhằm tạo “đầu ra” cho các tác phẩm, khuyến khích tác giả sáng tác.

Tuy nhiên, trước hết, theo nhà phê bình mỹ thuật Đức Hòa (Viện Mỹ thuật) thì lãnh đạo nghệ thuật và mỹ thuật cần phải nâng cao trình độ, bởi “chẳng vui gì khi thấy thỉnh thoảng Hội đồng nghệ thuật lại bị lừa”. Ông nói: “Thôi thì đủ kiểu, nào là tranh chép Liên Xô hay Argentina,  nào tượng đài bị han gỉ sắp đổ, nào tranh cổ động chính trị vi phạm bản quyền mà ủy viên hội đồng vẫn cố cãi trong khi tác giả đã đồng ý xin lỗi công khai... Hóa ra vị trí của Hội đồng nghệ thuật cao vời vợi mà thực chất họ tắc trách và không đủ tinh tế đến mức cần thiết”.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.