Bỗng dưng muốn khóc so sánh với… phim Hàn

17/11/2008 22:43 GMT+7

Đến phút cuối em chợt nhận ra anh..." - giọng hát như lời thầm thì của Minh Thư đã theo nhiều khán giả đến phút cuối của Bỗng dưng muốn khóc. Hai tháng 10 và 11 đúng là tháng của Bỗng dưng muốn khóc, vì bộ phim truyền hình dài tập này được bàn tán rôm rả trong các gia đình, các khu chợ và cả trên mạng. Bấm vào đây để nghe đọc bài này

"Tôi không ngờ ngày xưa mình... già thế, trong khi có thể làm phim trẻ trung hơn" - Vũ Ngọc Đãng đã nói như thế khi anh mới ra trường, bắt tay vào làm bộ phim đầu tiên cho một hãng tư nhân - Những cô gái chân dài.  Trước đó, Đãng đang được chú ý với một số phim lẻ chuyên chở ít nhiều suy tưởng, nhân vật lẫn cách kể chuyện không giống ai, nên phát biểu trên có thể khiến người ta nghĩ rằng anh muốn dọn đường cho một hướng làm phim mới, ít cá nhân và nhiều "thị trường" hơn. Tuy nhiên, đến Bỗng dưng muốn khóc, thì có thể tin rằng đây thực sự là một cuộc chuyển mình của Đãng. Bộ phim đã thoát được những triết lý ở những phim đầu tay và màu sắc lãng mạn kiểu Hàn Quốc ở Tuyết nhiệt đới, đi vào lòng khán giả một cách tự nhiên, dung dị, mang tính giải trí lẫn tính giáo dục cao. Nhiều khán giả đã cho rằng, dẫu vẫn có một số điểm chưa hợp lý trong tình tiết, Bỗng dưng muốn khóc có thể so sánh với không ít phim truyền hình Hàn.

"Tôi không xây dựng Trúc thành một
 
Ảnh: Tạ Anh Tùng
mẫu nhân vật nữ hoàn hảo. Trong nhiều bộ phim, để cảm hóa một nhân vật chưa tốt thì cần phải có một nhân vật hoàn hảo. Nhưng Trúc, bên cạnh những ưu điểm, thì cô ta cũng là một cô gái hời hợt, lắm lời. Và thực ra, giữa Nam và Trúc là sự tác động hai chiều, bổ sung cho nhau. Trúc giúp Nam nhận ra giá trị của lao động, còn Nam khiến cuộc sống của Trúc tươi vui hơn" - Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

1. Khổ nhưng vẫn đẹp. Một loạt phim VN gần đây cũng quy tụ người mẫu, cũng quay cảnh công ty bề thế, cũng sàn diễn thời trang lấp lánh... nhưng hình ảnh vẫn không đẹp, không "sang" như phim Hàn. Ở Bỗng dưng muốn khóc, các nhân vật chính sống trong nhà hoang, vất vả kiếm sống giữa phố xá Sài Gòn, nhưng người xem không có cảm giác nhem nhếch lầm lụi, mà hình ảnh lên phim vẫn trong trẻo, tươi sáng, phù hợp với không khí câu chuyện nhờ kỹ thuật quay tốt và sự chăm chút chỉnh màu, chỉnh ánh sáng ở khâu hậu kỳ.

2. Câu chuyện cũ và những chi tiết mới. Hai kẻ lúc đầu đầy những khác biệt, sau đó nhận ra mình yêu nhau là mô-típ hoàn toàn không mới mẻ gì. Bỗng dưng muốn khóc cũng kể một nội dung câu chuyện cũ, nhưng thu hút khán giả bởi vô số chi tiết đời thường thú vị, hài hước, bất ngờ nhưng vẫn quen thuộc. Những chi tiết này không thể có được nếu dùng một kịch bản nước ngoài, mà phải bắt nguồn từ sự quan sát cuộc sống hiện tại của một cô bán sách cũ và một cậm ấm ham chơi trong chính xã hội VN.

3. "Loanh quanh" mấy nhân vật nhưng vẫn có cái để xem. Đây đúng là điều cực khó trong nghệ thuật kết cấu phim nhiều tập, điều khiến khán giả VN vẫn xuýt xoa khen phim Hàn. Có thể nói, Bỗng dưng muốn khóc là bộ phim VN hiếm hoi đạt được điều này. Phim không có những mâu thuẫn và biến động xã hội lớn, không có những tuyến nhân vật đối đầu khốc liệt, mà sự hấp dẫn nảy sinh chính từ khác biệt về cách sống của các nhân vật Trúc và Nam, trong ý nghĩ "phải làm sao để Trúc đuổi thằng kia ra khỏi nhà" của Nam và Hiều, và mâu thuẫn trong chính bản thân nhân vật - tưởng rằng ghét người kia lắm nhưng thật ra đã yêu từ lúc nào...

4. "Cắt ngang trán". Bỗng dưng muốn khóc thường xuyên có những cận cảnh gương mặt nhân vật, đặc biệt là phim truyền hình VN đầu tiên dám cho xuất hiện nhiều hình ảnh "cắt ngang trán" diễn viên, nhằm cho khán giả nhìn thấy rõ hơn diễn biến tâm lý tinh tế của nhân vật. Đây là điều hầu như các bộ phim truyền hình khác ở VN rất "lười", vì quay mất thời gian hơn, đòi hỏi khả năng chỉ đạo diễn xuất lẫn diễn xuất của diễn viên cũng cao hơn.

5. Hóa trang tự nhiên. Diễn viên Hàn thường có làn da đẹp, được hóa trang hợp lý, khiến gương mặt họ lên phim đẹp một cách "dễ chịu". Căn bệnh rất nặng của phim truyền hình Việt là trang điểm cho nữ nhân vật quá đậm, khiến khán giả dễ dàng nhìn thấy lớp phấn trắng dày như trét bột, phản cảm hơn nữa là nhân vật đi ngủ vẫn lộ ra lớp "bóng mắt" màu cam... Ở Bỗng dưng muốn khóc, Lương Mạnh Hải không bị đánh phấn, Tăng Thanh Hà cũng chỉ được phủ một lớp phấn rất nhẹ, khiến cho gương mặt nhân vật luôn giữ được vẻ trong sáng.

6. Chăm sóc từng ngọn cỏ. Nhiều khán giả thắc mắc đoàn phim kiếm đâu ra được căn nhà hoang giữa thành phố mà quay mấy tháng trời. Thật ra, đây là căn nhà giả, được dựng lên ở phim trường tại Q.9, TP.HCM. 3 tháng trước khi khởi quay đạo diễn đã yêu cầu mang cỏ lau tới trồng xung quanh nhà, hằng ngày có người tưới nước cho cỏ. Nhờ thế mới có những thước phim Trúc đạp xe len lỏi trong lối mòn đầy cỏ lau, đem lại cho người xem ý nghĩ cô cũng giống như những cây cỏ kia - hồn nhiên, biết chịu đựng và kiên cường vươn lên.

7. Và... mới hơn Hàn Quốc. Không ít khán giả dự đoán, thế nào Bỗng dưng muốn khóc cũng sẽ "loạn xị con đẻ con nuôi" éo le như phim Hàn. Hóa ra đó chỉ là những chiêu thức gây sự hiểu nhầm và thắc mắc tạm thời, để dẫn đến cái kết phim. "Trong suốt quãng đời trước đó, Trúc đã luôn đau khổ vì cha mẹ cô, người bạn trai ấu thơ của cô, rồi anh bán bong bóng tốt bụng đều ra đi và không quay lại. Nhưng như thế, sự quay lại của Nam với Trúc mới có ý nghĩa. Trong cuộc sống thật, đâu phải ai ra đi cũng quay lại với mình đâu. Họ vẫn sống trong ký ức của ta, trong nỗi mong chờ của ta, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và ta vẫn phải sống cuộc sống của mình" - Vũ Ngọc Đãng bộc bạch.

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.