Nhớ ngàn thông

13/11/2004 17:28 GMT+7

Từng có thời thành phố Pleiku đầy thông. Thời ấy cũng chưa xa là bao. Cách đây khoảng 22, 23 năm vào 1981, lần đầu tiên tôi đặt những bước chân rụt rè lên thành phố nhỏ cao nguyên. Nói rụt rè bởi thành phố này với tôi cực kỳ bí ẩn.

Trước hết là từ sự mê hoặc của bài hát Còn chút gì để nhớ. Sau đó là choáng ngợp trước bung biêng dốc trong thành phố và ngờm ngợp quỳ vàng giữa nhấp nhô bazan ngoại ô. Những con dốc thấp cao như những nhát cắt bất ngờ làm phố mềm đi, mơ hồ như sương như khói, như lạ như quen xiết bao quyến rũ. Lạ thế, tôi theo hút một bóng áo dài trắng dập dờn trên đường Lê Lợi trữ tình. Tà áo phất vào chiều cao nguyên như một lời mời gọi, lại như một thách thức đầy bí ẩn, dù tôi lên đây từ xứ sở của áo dài: xứ Huế. Thế mà cái mỏng manh, dịu dàng thẫn thờ đến se lòng kia sao lại khiến tôi bồi hồi đến thế? Sau tôi phát hiện ra: nó tiệp màu, tiệp sắc và tiệp cảnh, tiệp tình biết bao với những thảm thông trong thành phố. Nhiều khi sự đối xứng lại từ những điều trái ngược: mỏng manh, thanh thoát, tinh khôi đối xứng với cổ thụ xù xì khô ráp… Ấy vậy mà hài hòa, tôn nhau lên để mà rực rỡ, lung linh, mà thăng hoa, mà trường tồn. Cũng như đất và người Tây Nguyên vậy. Ở lâu với Tây Nguyên sẽ nhận thấy các mặt đối lập trong một chỉnh thể, để mà tồn tại một Tây Nguyên khát khao vươn tới, một Tây Nguyên bản sắc trong hòa nhập, một Tây Nguyên tự tin điềm tĩnh, một Tây Nguyên với nền văn hóa đậm đặc truyền thống nhưng cũng rất hiện đại và nhân văn. Sức mạnh Tây Nguyên như mái nhà rông sừng sững, uy vũ mà mềm mại, cứng cáp mà trữ tình, bền vững trong thời gian mà cũng rưng rưng khoảnh khắc…

Ngay trong cây thông cổ thụ, nó cũng có những đối xứng rất kỳ lạ. Ấy là cái vẻ mốc meo xù xì vững chãi to lớn của gốc rễ đối xứng với cái mơn mởn xanh đến non tơ, cái nhỏ nhoi đến yếu ớt của cành lá. Ăm ắp những nỗi niềm từ tà áo dài phơ phất tưởng như ngẫu nhiên thoáng gặp ấy. Có thời người ta mang áo dài ra sửa thàn háo cụt, người ta cuốc hè đường lên trồng rau nuôi lợn, chỗ đất trống nào cũng trở thành giàn su su, thành trại chăn nuôi… nhưng thông thì vẫn còn. Thông mơn mớt xanh. Thông trầm mặc gió. Và thông hát những khúc ca của riêng mình, thông che chở cho bao mối tình non tơ thánh thiện…

Bây giờ thì thông trở thành của hiếm.

Thành phố chơ vơ với trứng cá, với bằng lăng, với bàng, mà gió, mà bụi, mà chang chang nắng. Thông trở thành hoài niệm của một thời. Ấy thế nên một thi sĩ đã thốt lên câu "Thành phố một thời thông" để mà tiếc nuối… Và cũng chỉ thế mà thôi. Biết đến bao giờ hàng cây nghìn thông cổ thụ mới lại trầm tư tỏa bóng xuống thành phố này như một huyền thoại Tây Nguyên. Thành phố bây giờ được xây dựng to lớn hơn, hiện đại hơn là điều không thể phủ nhận. Song vì thế mà càng gợi nhớ một thời thành phố ngàn thông…

Tây Nguyên, tháng của thông và gió
Văn Công Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.