Giải đáp thấu đáo về ngành nghề

04/03/2013 03:40 GMT+7

Những thắc mắc của học sinh liên quan đến ngành nghề đều được các chuyên gia giải thích cặn kẽ, trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2013 do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu ngày 3.3.

Những thắc mắc của học sinh liên quan đến ngành nghề đều được các chuyên gia giải thích cặn kẽ, trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2013 do Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu ngày 3.3.

Hệ dân sự trong trường quân sự

Đặt câu hỏi tại buổi tư vấn, Nguyễn Phát Đạt (học sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu), thắc mắc: “Thi vào khối ngành quân đội và an ninh có hai đợt sơ tuyển là trước và sau khi thi ĐH. Nếu khi sơ tuyển em không đủ chuẩn thì có khả năng vào học dân sự tại các trường này không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Ở các trường thuộc khối ngành này, thông thường tháng 3 sẽ tổ chức sơ tuyển. Thí sinh đạt chuẩn mới được tiếp tục làm hồ sơ đăng ký dự thi. Riêng ở các trường quân đội, ngoài hệ đào tạo quân sự còn có hệ dân sự. Thí sinh nào tham gia thi vào hệ dân sự sẽ làm hồ sơ dự tuyển bình thường, thi chung đợt như tất cả các trường bên ngoài”.

 Giải đáp thấu đáo về ngành nghề
Học sinh Bạc Liêu tham quan gian hàng triển lãm của các trường và nhận CD Hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một học sinh khác hỏi: “Em muốn làm cảnh sát giao thông thì thi vào ngành nào, điểm chuẩn có cao không? Nếu học bậc trung cấp khối an ninh thì ra trường có việc làm dễ dàng không?”. Theo các chuyên gia tư vấn, muốn trở thành cảnh sát giao thông, thí sinh thi vào Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân, sau khi ra trường sẽ được phân công công tác tùy theo nhu cầu của ngành. Một số học sinh nữ đặt vấn đề thí sinh nữ thi vào các trường khối an ninh có bất lợi gì không. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ giải thích: “Từ năm 2012, những trường này có quy định tỷ lệ trúng tuyển giới hạn cho thí sinh nữ, chỉ chiếm khoảng 10 - 15% chỉ tiêu của trường. Vì vậy, khi xét trúng tuyển vào những trường khối ngành quân đội, công an, điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ sẽ khác nam”.

 

Mang nhiều thông tin cần thiết đến học sinh dân tộc nội trú

Chiều cùng ngày, đoàn Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên thực hiện chương trình tư vấn tại lớp cho hơn 500 học sinh Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu). Trong đó có khoảng 100 học sinh của Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Phần lớn học sinh dân tộc nội trú khá lạ lẫm với các thông tin tuyển sinh. Chính vì vậy, các chuyên gia của đoàn tư vấn chú trọng chuyển tải thông tin chi tiết về quy chế tuyển sinh cũng như ngành nghề mà các học sinh dự định thi. Lâm Thị Tú Nguyên (học sinh lớp 12C2 Trường phổ thông dân tộc nội trú) cho biết: "Đến đây, em biết nhiều điều về tuyển sinh. Em dự định thi vào ngành dược, nhưng không biết hỏi ai. Nhờ có các thầy, em đã được giải đáp thắc mắc về chương trình học từ trung cấp dược đến ĐH ngành này cũng như điều kiện liên thông. Những thông tin này đối với em rất bổ ích".

Minh Luân

Học ngành khác có làm báo được không?

Nhiều học sinh Bạc Liêu cũng quan tâm đặc biệt đến ngành báo chí. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (Trường THPT chuyên Bạc Liêu) thắc mắc: “Em thích cả hai ngành sư phạm và báo chí. Vậy em có thể học cả hai ngành này được không?”. Gọi điện thoại qua đường dây nóng từ tỉnh Sóc Trăng, Hoàng Thị Oanh (học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, TX.Vĩnh Châu) cũng băn khoăn không biết học ngành sư phạm ngữ văn có thể được chuyển qua học báo chí. Trả lời những câu hỏi này, các chuyên gia cho biết theo quy chế, nếu học một ngành học trong năm đầu tiên với kết quả trung bình trở lên, sinh viên có thể làm đơn xin học tiếp một ngành khác trong trường. Tuy nhiên, hiện tại chưa trường nào có đào tạo cả sư phạm và báo chí. Vì thế, cho đến nay muốn học 2 ngành này tại 2 trường khác nhau trong cùng một thời điểm thì không thể được. Thế nhưng, theo các chuyên gia, trong các tòa soạn báo có nhiều phóng viên, biên tập viên xuất thân từ những ngành, trường học khác nhau, kể cả ngành kinh tế, kỹ thuật... Vì vậy, trên thực tế thí sinh học những ngành khác vẫn có thể làm nghề báo, miễn là có năng khiếu, đam mê và sau đó học thêm các hình thức đào tạo khác để phù hợp với chuyên môn.

Cũng liên quan đến câu hỏi này, tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu, cho biết hiện tại ngành ngữ văn của trường có đưa thêm một số học phần liên quan đến nghiệp vụ báo chí, quay phim, du lịch... Vì vậy, sinh viên học ngành ngữ văn vẫn có lượng kiến thức nhất định để đi làm báo. Nhân sự đài truyền hình, báo chí trong tỉnh Bạc Liêu có nhiều người tốt nghiệp ngành ngữ văn của trường này.

Trong khi đó, Hồng Nhung (học sinh Trường chuyên THPT Bạc Liêu) muốn biết học ngành hải quan ở đâu. Thầy Nguyễn Hà Tiên, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết đây là chuyên ngành thuộc ngành tài chính - ngân hàng; đồng thời là một trong các ngành mới của trường và hiện nay chỉ có trường đào tạo bậc ĐH chính quy chuyên ngành này. Ngành học cung cấp kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, tài chính, luật, đặc biệt là nghiệp vụ hải quan. Sinh viên ra trường có thể làm tại cơ quan quản lý nhà nước, phòng ban chuyên môn của doanh nghiệp...

 

Chương trình cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của Tỉnh ủy, UBND, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bạc Liêu, Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang, Công ty cổ phần Gentraco (TP.Cần Thơ). Cảm ơn Công ty cổ phần vận tải và du lịch Phương Trang đã hỗ trợ xe đưa đón đoàn tư vấn, Trường ĐH Lạc Hồng trao tặng 8 suất học bổng Nguyễn Thái Bình, mỗi suất 1 triệu đồng.

Đăng Nguyên

 >> Kết thúc hành trình tư vấn tuyển sinh vùng Tây Nam bộ
>> Tư vấn mùa thi diễn ra tại Bạc Liêu
>> Phụ huynh quan tâm đến Tư vấn mùa thi
>> Hàng ngàn học sinh được tư vấn ngành nghề
>> Tư vấn mùa thi đến với học sinh ĐBSCL
>> Tư vấn mùa thi đến Đồng Nai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.