Làm thuê thành chủ núi

09/12/2008 09:49 GMT+7

Từ một người gánh đào thuê sống lay lắt qua ngày, nay ông đã có trong tay cơ ngơi hàng chục tỉ đồng. Ông lại bỏ ra tiền tỉ xây dựng hàng loạt điểm tham quan cho du khách; mua đất núi rừng để bảo tồn chim thú

Quanh vùng Bảy Núi, nhiều người gọi ông Nguyễn Văn Sơn, 57 tuổi, ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên - An Giang, là chủ núi. Vợ chồng ông đang sinh sống trên núi Két (Anh Vũ Sơn), một trong vài ngọn núi đẹp nhất vùng Thất Sơn.

Khởi nghiệp từ… cái lu nước!

Thật ra, rất nhiều người gọi ông chủ núi Két là Sơn Đào. Cái tên này gắn với cuộc đời ông từ thuở hàn vi. Năm 1974, khi mới cưới vợ, cuộc sống vợ chồng ông vô cùng khó khăn. Ông phải đi gánh đào thuê cho các chủ vườn, chủ vựa quanh núi Két. Căn chòi lá nhỏ nằm nép mình dưới chân núi là tổ ấm của vợ chồng ông, mà tài sản đáng giá nhất chỉ là... cái lu đựng nước uống.

Thấy việc gánh đào thuê đầu tắt mặt tối mà chỉ tạm đủ cơm ngày hai bữa sống lay lắt, ông Sơn bàn với vợ đi mua cây đào làm củi bán. Giọng ông chùng xuống: “Chúng tôi tìm đến những vườn đào hỏi mua cây, song không ai chịu bán, vì không có tiền cọc. Tôi đành về nhà đem cái lu đựng nước ra chợ bán được 300 đồng, lấy tiền đặt cọc. Dù món tiền này thật nhỏ nhoi, song nhiều chủ vườn thương tình, đã chịu bán”. Vợ chồng ông hì hục chặt đào, chẻ thành củi rồi gánh đi bán hoặc trao đổi gạo, mắm. Chuyến mua bán, trao đổi đầu tiên kiếm được chút đỉnh lời. Vợ chồng ông phấn khởi, cứ dành dụm tiền lời tiếp tục mua các vườn đào, vừa khai thác trái vừa lấy củi.

Tích tiểu thành đa. Những đồng tiền dành dụm được từ mồ hôi nước mắt của vợ chồng, ông Sơn bắt đầu mua vài công đất quanh núi Két. Rồi thời gian trôi qua, vợ chồng ông vẫn tần tảo hái trái, đốn gỗ đào làm củi đem bán, mua được 7 công đất núi và chiếc xe ben chở đá thuê. Bỏ công làm lời, cộng thêm việc chi tiêu tính toán, tiết kiệm, vợ chồng ông lại gom góp tậu thêm chiếc xe ben thứ hai.

Công việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Vài năm sau, ông thành lập hẳn DNTN khai thác đá thủ công. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm đều được ông dùng mua đất núi. “Thời đó, người trong vùng ai cũng bảo Sơn Đào bị khùng, bởi đất núi chỉ toàn đá, đâu làm gì được” - một người dân ở chân núi Két cho biết. Diện tích đất núi Két của ông Sơn theo thời gian cứ tăng dần. Dù sở hữu trong tay mấy mẫu đất nhiều năm liền vẫn bỏ hoang, song ông vẫn cứ có tiền là mua thêm. Từ dưới chân núi, ông mua đất dài lên tới tận đỉnh. Hiện chủ núi Sơn Đào nắm giữ hơn 20 ha đất trên tổng diện tích 45 ha toàn vùng núi Két. Nhiều người lớn tuổi ở địa phương cho biết chỉ có Sơn Đào mới dám bỏ tiền mua đất núi chỉ toàn đá và là ông chủ núi đầu tiên của miệt Thất Sơn.

Tấm lòng với tiền nhân và thiên nhiên

Chủ núi Sơn Đào tâm sự: “Khi mới đặt chân đến vùng Bảy Núi, tôi luôn ước ao có một mảnh đất nho nhỏ ở trên núi Két để lập nghiệp. Núi Két đã lưu nhiều dấu tích của các bậc cao nhân từng đến đây tu học nên tôi còn có mong muốn vừa làm sao bảo vệ cảnh quan vừa để cho du khách biết đến và tham quan, chiêm ngưỡng nơi này. Lòng đã hướng, nên hễ có tiền là tôi mua đất trên núi Két”.

Năm 2000, chủ núi bắt đầu làm du lịch. Công trình đầu tiên là Điện Phật Mẫu trên một tảng đá to, cao chừng 35 m, nằm cheo leo bên bờ vực thẳm ở định núi Két. Việc xây cất rất kỳ công và cực kỳ tốn kém công sức, tiền của. Tiếp đó, lần lượt các công trình Sân Tiên, Giếng Tiên, Điện Phật Thầy, Điện A Di Đà, Điện Ngọc Hoàng..., cả thảy 13 điểm tham quan được xây dựng. Mỗi công trình đều ngự trên một tảng đá có cảnh quan hấp dẫn khác nhau ở núi Két.

Chủ núi Sơn Đào bộc bạch: “Tôi bỏ tiền tỉ ra mua lại đất trên núi Két là còn muốn giữ lại những tán rừng xanh cho các loài chim, thú sinh sống”. Hiện diện tích đất rừng ông mua lại mà chưa khai phá đã hơn 13 ha. Đó là giang sơn của nhiều loài khỉ, chồn, sóc, thỏ, rắn, trăn, chim, gà rừng... Những lần thấy ai săn bắt thú rừng, ông và vợ con lại nài nỉ xin mua để thả về với thiên nhiên. Vị chủ núi thanh thản: “Tính ra, tôi đã bỏ trên 6 tỉ đồng để mua đất, xây dựng, tôn tạo cảnh quan núi Két. Thu nhập từ khách tham quan chẳng là bao, chắc không khi nào lấy lại vốn nổi. Tôi cũng không tính toán đến chuyện đó, chỉ thấy vui vì mình đã làm được chút gì đó với các bậc tiền nhân, với thiên nhiên Bảy Núi”.

Vườn quýt trứ danh trên đỉnh núi Cấm

Một “chủ núi” khác ở Bảy Núi là ông Ba Tùng (Nguyễn Văn Tùng, 64 tuổi) ở xã An Hảo, Tịnh Biên- An Giang. Trải qua bao năm miệt mài lao động, ông cùng gia đình đã gầy dựng được vườn quýt hồng độc nhất vô nhị vùng ĐBSCL ngay trên đỉnh núi Cấm.

Ông Ba Tùng sinh ra ngay tại vùng này, sở hữu khá nhiều đất đai của ông bà để lại. Song, núi Cấm toàn sỏi đá, lại thiếu nước tưới tiêu nên đất đai chẳng trồng trọt được gì. Ông Ba Tùng loay hoay trồng chuối, xoài, mít, rồi đến su hào..., nhưng đều không đem lại giá trị kinh tế. Năm hecta đất của ông bỏ hoang dài dài.

Tình cờ, vợ ông mua quýt hồng về ăn rồi vứt hạt xung quanh nhà. Những hạt này đã mọc lên nhiều cây cho trái thật ngon ngọt. Ông Ba Tùng liền lóe ra ý tưởng nhân giống quýt hồng trên vùng sỏi đá này. Nghĩ là làm. Ông cùng vợ con chiết cành, nhân giống từ các cây quýt để trồng thử. Vài năm sau, những đợt quýt đầu mùa bắt đầu cho trái. Ông vừa mừng vừa lo. “Khó nhất vẫn là nước tưới. Trên đỉnh núi thì không thể đào giếng. Như một cơ may, nhờ rong ruổi khắp núi rừng, tôi phát hiện một mạch nước lộ thiên trên Vồ Đá Vàng. Thế là gia đình bắt tay đào ao hồ trữ nước, rồi đào đá, phá núi dẫn nước về trữ... Gia đình tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức, mất nhiều năm mới xong công trình này”- ông Ba Tùng kể.

Với 150 gốc quýt đầu tiên, ông Ba Tùng thu hoạch gần 4 tấn, lời hơn 60 triệu đồng. Ông và vợ con ra sức bó cành, chiết nhánh để trải xanh khắp vùng đồi trọc, đất hoang trên đỉnh núi Cấm. Hiện ông đã trồng được 1.500 gốc quýt trên diện tích 5 hecta. Vụ vừa rồi, 500 gốc quýt đã mang về cho ông 16 tấn, thu nhập cả trăm triệu đồng. Đó là chưa tính tiền ông bán hàng ngàn cây quýt giống cho người dân trong khu vực.

Theo Quốc Dũng/Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.