Bộ Xây dựng “phản pháo” ý kiến trái chiều về gói 30.000 tỉ đồng

25/07/2013 23:25 GMT+7

(TNO) Hôm nay 25.7, Bộ Xây dựng đã có văn bản “phản pháo” một số ý kiến trái chiều về Nghị quyết 02/NQ-CP và gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.

(TNO) Hôm nay 25.7, Bộ Xây dựng đã có văn bản “phản pháo” một số ý kiến trái chiều về Nghị quyết 02/NQ-CP và gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.

>> Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng: Mới có 18 người ở TP.HCM được vay
>> Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng: Được thế chấp bằng "nhà trên giấy
>> Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng: Không vay được vì thiếu hướng dẫn
>> Bộ Xây dựng xác định đối tượng được vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng
>> Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính trả nợ thay cho HUD
>> Không cho vay lãi suất 6% mua nhà ở xã hội: Bộ Xây dựng phản đối
>> Bộ Xây dựng bị “tuýt còi” vì ra văn bản trái thẩm quyền
>> Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Sẽ có căn hộ 300 triệu đồng

 nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng phủ định nhiều ý kiến trái chiều về Nghị quyết 02 và gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Lê Quân

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng: “Xây dựng nhà ở xã hội là rất đáng hoan nghênh nhưng phải sử dụng nguồn vốn khác. Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP thì gói 30.000 tỉ đồng chỉ dùng để giải phóng hàng bất động sản tồn kho, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách, dân nghèo tiếp cận được nhà ở dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng phủ định hoàn toàn bởi: tại điểm a mục 3 Phần I của Nghị quyết số 02/NQ-CP quy định đối tượng được vay vốn của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước là hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Đồng thời, Nghị quyết 02 cũng quy định đối tượng được vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang thành nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho rằng, hàng tồn kho bất động sản không chỉ bao gồm các sản phẩm nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang mà còn bao gồm cả các dự án đã triển khai việc giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng một phần công trình... Và hầu hết các dự án nhà ở xã hội được triển khai đều được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới. Để có quỹ “đất sạch” 20%, các doanh nghiệp (và cả khách hàng góp vốn) đã đầu tư chi phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu.

Do vậy, việc sử dụng gói hỗ trợ để cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội là giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn, đồng thời vừa giải quyết tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng và các hàng hóa khác.

Còn có ý kiến cho rằng, triển khai cho vay gói 30.000 tỉ đồng chỉ tập trung ưu tiên đối với các doanh nghiệp mà ít quan tâm tới nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, cá nhân.

Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng “đối đáp”: riêng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân được vay vốn phải bảo đảm điều kiện có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã ký với chủ đầu tư sau ngày 7.1.2013 (là thời điểm Nghị quyết 02/NQ-CP có hiệu lực).

Quy định này đòi hỏi các chủ đầu tư phải có sản phẩm để người dân lựa chọn, ký kết hợp đồng trước khi thực hiện thủ tục vay vốn.

Tuy nhiên, do thời gian trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm.

Do vậy, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng (theo quy định của pháp luật về nhà ở là phải xây dựng xong phần móng của công trình).

Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân mới có thể đẩy nhanh được theo quy định.

Bộ Xây dựng khẳng định, đến nay, chưa phát hiện thấy một trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện theo quy định của pháp luật. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng phía ngân hàng đang quá chặt chẽ và thận trọng trong việc giải ngân.  

Đã có 56 cá nhân được giải ngân 11 tỉ đồng từ gói 30.000 tỉ đồng

Theo báo cáo Bộ Xây dựng mới gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, tính đến trung tuần tháng 7, cả nước đã giải ngân được 11 tỉ đồng cho 56 khách hàng cá nhân vay; 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Vicoland là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên-Huế với số tiền là 117,7 tỉ đồng và Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP.HCM với số tiền là 540 tỉ đồng. Công ty cổ phần Vicoland đã được giải ngân 34 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng thống kê, tính đến nay có 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với quy mô thiết kế ban đầu khoảng 4.700 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất 30 dự án nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại được giao triển khai thực hiện việc cho vay thẩm định. Các ngân hàng này cũng nhận được nhiều hồ sơ xin vay và đang triển khai thẩm định để cho vay.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.