Sau 3.627 đôi mắt sáng...

11/12/2007 00:57 GMT+7

Chương trình "Nguồn sáng cho đời" của Thanh Niên giúp người nghèo phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể, tính từ tháng 12.2003 đến nay đã tròn 4 năm. Các nhà hảo tâm đã đóng góp cho chương trình 1,75 tỉ đồng, cứu chữa 3.627 người được sáng mắt trở lại.

Thật cảm động và cũng thật may mắn khi tôi được đi cùng đoàn phẫu thuật của Bệnh viện Mắt T.Ư với sự hỗ trợ của các đơn vị Võng xếp Duy Lợi, Tổ chức ORBIS và Hãng ALCOL xuống xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - nơi được xem như khởi xướng của phong trào tình nguyện hiến giác mạc của cả nước. Tại đây, Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư cảm nhận: "Cồn Thoi chính là một địa phương cần được đền ơn đáp nghĩa". Bởi lẽ nơi đây, có 7 trong số 9 người trên cả nước đã hiến giác mạc cho Ngân hàng mắt T.Ư để cứu giúp những bệnh nhân bị hỏng mắt được phẫu thuật. Vốn văn hóa và hiểu biết của họ cũng như nhiều vùng nông thôn khác, vậy mà họ hiến tự nguyện, không hề biết ai sẽ được thừa hưởng sự may mắn này, nó không giống như nhiều trường hợp như cha cứu con, vợ cứu chồng, anh cứu em...

Đã có hàng ngàn người gửi đơn tình nguyện hiến giác mạc sau khi mình qua đời tại Ngân hàng Mắt T.Ư là điều vô cùng quý giáá. Song, đây cũng còn là con số tiềm năng, khiêm tốn, khi có rất nhiều người mù lòa đang cần điều trị. Phó giáo sư Minh Châu, chuyên gia đầu ngành ghép giác mạc cho biết rằng, giá như mọi người hiểu được cách làm của các bác sĩ phẫu thuật là họ chỉ bóc lớp màng trong suốt trên cùng con ngươi của tử thi, chẳng khác gì chỉ bóc đi một chút vỏ phía trên của một trái nhãn mà thôi, chứ không phải lấy nguyên mắt ra khỏi hốc mắt, thì con số tình nguyện hiến giác mạc sẽ nhiều hơn.

Người dân Cồn Thoi đã có được phong trào hiến giác mạc như bây giờ một phần xuất phát từ trường hợp qua đời của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (83 tuổi) của Cồn Thoi. Bệnh viện Mắt đã về ngay nhà để làm thủ tục xin giác mạc mà cụ tự nguyện hiến và đã có sự chứng giám của cha Chánh xứ. Cha Chánh xứ trở thành một cổ động viên cho phong trào hiến giác mạc lúc nào không hay. Bà con giáo dân đã hiểu ra cách làm và rất vui vẻ ký đơn xin hiến giác mạc của mình sau khi họ qua đời.

Qua câu chuyện này, chúng tôi nghĩ cần phải có một cách vận động mới, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để mọi người cùng hiểu, cùng chia sẻ. Đặc biệt là tuyên truyền đến các bệnh nhân ở các Viện Lão khoa, các cụ già ở Viện Dưỡng lão và người cao tuổi nói chung. Chặng đi và về của nơi ghép và nơi hiến không được để muộn hơn 10 giờ đồng hồ trong môi trường bảo quản tốt, cho nên cũng nên đẩy mạnh việc vận động ở những vùng gần Bệnh viện Mắt T.Ư mới là hiệu quả. Cái trước mắt nên làm là như thế.

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.