Căng thẳng gây bệnh vảy nến

17/11/2010 09:21 GMT+7

TS Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, cho biết, vảy nến da đầu là một bệnh da liễu mãn tính ảnh hưởng 3% dân số, gây giảm tuổi thọ bệnh nhân. Một trong những yếu tố gây bệnh là stress.

Đây là bệnh hệ thống, liên quan các bệnh chuyển hóa, tim mạch gây giảm tuổi thọ của bệnh nhân do biến chứng của các bệnh đi kèm. Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, bệnh nhân vảy nến da đầu chiếm hơn 60% tổng số trường hợp điều trị nội trú. Khoảng 80% trong số đó bị tổn thương da dầu.

Khi mắc vảy nến da đầu, bệnh nhân thường xuyên bị tróc vảy da đầu (ảnh) và khó chịu bởi những mảng vảy nến sưng đỏ đặc trưng. Bệnh thường không đe dọa tính mạng nhưng làm cho người bệnh có tâm lý xấu hổ, ít dám ra chỗ đông người, hòa nhập cộng đồng khó khăn dẫn đến chất lượng sống thấp. Bệnh cũng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý người bệnh.

Vảy nến da đầu có thể dai dẳng hơn vảy nến ở những vùng khác trên cơ thể. Dấu hiệu đặc trưng của vảy nến da đầu là tróc vảy, sưng đỏ từng vùng có ranh giới rõ ràng, thường ở dọc mép tóc, trên trán hoặc sau tai. Sưng đỏ và ngứa có nhiều mức độ khác nhau. Bệnh vảy nến da đầu nếu không được điều trị sẽ thường làm xuất hiện các miếng vảy màu trắng bạc và bóng. Ngoài ra, nếp gấp của sụn vành tai (sau tai) cũng bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Da liễu T.Ư), cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định rõ ràng nguyên nhân của bệnh vẩy nến da đầu. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở điều trị bệnh nhân, điều tra tiền sử bệnh án cho thấy nguyên nhân gây bệnh có nhiều như: cơ địa nhạy cảm với bệnh vảy nến liên quan gene, bệnh lý toàn thân, gan mật, chuyển hóa, stress tinh thần, rối loạn đáp ứng miễn dịch cơ thể…

Mùa đông là thời điểm bệnh bùng phát mạnh. Ngoài ra, các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn như sang chấn tại chỗ, nhiễm trùng, sang chấn tâm lý, bệnh có yếu tố di truyền.

Có bài thuốc dân gian chữa bệnh vảy nến từ vảy tê tê. Về điều này, TS Tiến cho hay, khi mắc bệnh, bệnh nhân cần được khám bác sĩ chuyên khoa da liễu, không nên tự ý dùng thuốc do các loại thuốc đều có tác dụng phụ dễ gây biến chứng.

Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, hằng ngày, các bác sĩ tiếp nhận một vài trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc y học cổ truyền để chữa bệnh vảy nến dẫn tới bị đỏ da toàn thân hay vảy nến thể nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng có khoảng 20% bệnh nhân điều trị nội trú rất khó khăn vì đến bệnh viện muộn hoặc tự ý sử dụng thuốc.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.