Sang Tây du học

07/12/2005 23:08 GMT+7

Tốt nghiệp Đại học xong, tôi nhắm tới một cơ hội đi du học ở nước ngoài. Nơi tôi nghĩ đến đầu tiên đó là nước Đức. Nhưng cuối cùng tôi lại chọn nước Bỉ. Ở đó người ta nói tiếng Pháp. Ở đó, trụ sở của Liên minh Châu u, đại bản doanh của NATO tọa lạc, hẳn là an toàn hơn và đậm tính quốc tế hơn. Ở đó, hoa tulip cũng nhiều nữa, dù không bằng Hà Lan.Và nơi tôi đến là Trường Đại học Tự Do Brussels với chương trình cao học 2 năm về Sinh thái học nhân văn.

Đến

Gần 20 giờ lơ lửng trên mây với 2 lần transit, chiếc máy bay hãng Lufthansa đã hạ cánh trên phi trường quốc tế Zaventem, thủ đô Brussels của Bỉ. Nơi đây, tôi sẽ sinh hoạt và học tập trong 2 năm. Có rất nhiều người gốc châu Phi đang ngồi vạ vật ở các phòng chờ trong sân bay, tôi quá đỗi ngạc nhiên. Phải rồi, đất nước chỉ hơn 10 triệu dân này có gần một phần ba dân gốc Phi châu mà.

Đón tôi ở sân bay là anh Tom béo, trợ lý điều phối viên chương trình cao học mà tôi sắp học. Giáo sư Luc Hens, chủ nhiệm bộ môn cũng đến với lời chào "Welcome to Belgium" và cái xiết tay thật chặt. Một đặc ân quá lớn dành cho riêng tôi. Chiếc taxi đưa chúng tôi về khu học xá của Đại học Tự do Brussels gần 20 cây số mà không phải dừng lại một lần nào. Đó là đường sá ở nước Bỉ.

Về ký túc xá (KTX), người quản lý hỏi: "Có thích ở cạnh người này không?". Tôi gật đầu. Bà trao tôi chìa khóa. Tom mang giúp hành lý lên phòng. 3 cái va-li to đùng, nặng trịch, tôi mang cả Việt Nam sang Bỉ mà! Tôi ở tầng 3, tầng cao nhất, không có thang máy. "Một phương cách tập thể dục tích cực cho anh chàng Tom đây !", tôi thú vị nghĩ.

Khu KTX có 8 khối nhà (gọi là block). Block nào cũng có 3 tầng, mỗi tầng có 2 lô; mỗi lô có 4 phòng, một nhà bếp chung và 2 nhà vệ sinh. Trong phòng có nhà tắm, lavabo và gương soi, một cái giường con, một bàn lớn, ngăn treo quần áo, kệ lớn, cổng internet và truyền hình cáp. Phòng tôi có cửa sổ hướng ra con đường chạy xuyên qua khu rừng quốc gia. Thật là tuyệt. Giá phòng 219,81 euro/tháng. Chỉ có sinh viên học bổng mới có tiêu chuẩn ở trong KTX như thế này.

Nhập trường và tạm trú

12 giờ trưa, anh Tom béo quay lại KTX dẫn nhóm sinh viên mới đi thực hiện một số thủ tục như ghi tên vào văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế, cung cấp giấy tờ cho cơ quan cấp học bổng, mở tài khoản tại campus chính của trường. Có một cái gì đó khang khác với ở Việt Nam, ở đây người ta giải quyết thủ tục, trao đổi, đi lại rất nhanh nhẹn, trên miệng luôn luôn có hai chữ "xin vui lòng" và "cảm ơn". 

Nhưng Tom chỉ giúp chúng tôi đến đó thôi. Thủ tục đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương thì chúng tôi tự giải quyết lấy. Ở ủy ban địa phương tôi ở, người ta rất ít nói tiếng Anh, giấy tờ chỉ có tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, ai không biết tiếng Pháp thì ráng chịu. Kẹt quá thì lại nhờ anh Tom béo cắt nghĩa giúp. Phải mất 1 tháng rưỡi chúng tôi mới có được thẻ tạm trú (ID), có giá trị như chiếu khán cho phép chúng tôi tự do đi lại trong 15 nước châu u tham gia Hiệp ước Schengen.

Đi lại

Khỏi phải nói đến chuyện trật tự và nề nếp giao thông ở nơi này. Chả bao giờ bạn nghe thấy tiếng còi xe (trừ xe cứu hỏa). Hình ảnh những người lái ô tô dừng xe, mỉm cười, đưa tay mời khách bộ hành qua đường trước ở các giao lộ khiến ta thấy thêm yêu cuộc sống yên bình ở nơi này. Bước lên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện (tram), tàu điện ngầm (metro), hành khách tự giác dập vé. Một lượt vé đi trong thành phố trong vòng một giờ đồng hồ là 92 cent (mua lẻ thì 1.4 euro). Nếu bạn "quên" dập vé mà không may gặp đội kiểm soát (rất hiếm khi) thì sẽ bị phạt 55 euro và có tên trong "sổ đen" của công an phường.

Thật ra, giao thông của họ thì quá tốt, nhưng cái đứa khốn khổ như tôi thì cứ thèm da diết chiếc xe gắn máy và những đường phố Sài Gòn đông đúc, bởi cứ lên xe buýt và metro là tôi cảm thấy xây xẩm và bắt đầu nôn ọe. Có lần, không kìm được, tôi nôn đầy ra metro, xấu hổ, không dám nhìn ai hết. Xuống tàu, tôi đi một hơi "đầu không ngoảnh lại". Lần khác, quên mang theo túi, tôi nhảy ra khỏi metro khi nó dừng lại để nôn vào thùng rác; chỉ một tích tắc quay lại, hai cánh cửa metro nặng trịch đóng sập lại và kẹp luôn cả người tôi ở giữa. Khủng khiếp, dân Bỉ được chứng kiến một cảnh tượng quá hãi hùng; còn tôi về nhà mới phát hiện bị bầm tím ở nhiều chỗ.

Được gần nửa năm, cái chứng say xe dở hơi ấy cũng tình nguyện ra đi sau 4 ngày chúng tôi đi liên tục, hết đi bộ lại metro, xe buýt khắp các ngõ ngách của thủ đô Paris tráng lệ. Ngồi xe buýt từ Paris trở về Brussels, tôi không phải dùng tới một cái túi ny lon nào. Ơn Trời!

Mua sắm


Gặp gỡ sinh viên năm I và năm II chương trình sinh thái học nhân văn

Ghét thật, ở cái xứ sở này, muốn mua thứ hàng hóa gì cũng phải vào siêu thị. Mà chỗ tôi ở có gần siêu thị lắm đâu. Đã vậy, chủ nhật siêu thị lại đóng cửa nữa chứ. Bù lại, 2 ngày cuối tuần, chúng tôi có thể đi mua sắm ở chợ trời. Một cái tên quá đỗi quen thuộc với dân nhập cư và du học sinh Việt Nam, đó là chợ trời Clémenceau. Chợ này hơi xa nên mỗi tháng đi một lần là được rồi. Thịt và rau quả là 2 thứ chủ yếu trong mỗi chuyến đi "cửu vạn" của chúng tôi, bởi chúng rẻ và thường tươi hơn ở siêu thị. Đặc biệt, siêu thị thì không thể cạnh tranh nổi với Clémenceau ở những mặt "hàng độc" kiểu đầu, lòng, cổ, cánh, xương xẩu của heo, bò, gà, vịt.Nói vậy nhưng tuần nào chúng tôi cũng phải đi siêu thị. Trứng, sữa, kem, bánh ngọt... thì không dám mua ở chợ trời rồi. Lần đầu tiên đi siêu thị tôi cũng ngạc nhiên lắm. Ở những quầy hàng trái cây và rau tươi, người mua tự bỏ hàng vào túi, đem cân. Trọng lượng và giá tiền được in ra trên một cái phiếu. Khách hàng dán phiếu vào túi và máy tính tiền chỉ đọc số tiền trên cái phiếu đó thôi. Không ai kiểm tra lại trọng lượng, giá cả của món hàng mà bạn mua cả. Người ta không lo ngại chuyện gian lận. Tôi thật sự ấn tượng về điều này. 

Một nơi nữa mà sinh viên Việt Nam không thể không đến mua sắm, đó là siêu thị Trung Hoa và cửa hàng người Việt. Gạo, nước mắm, nước tương, bột ngọt, mì gói, bún khô, bánh phồng tôm, ngò tàu, é quế, đậu hũ, trái cóc, trái ổi, miếng bầu, trái khổ qua... thì các cửa hàng châu Á là độc quyền rồi. So với các món ăn đóng hộp của phương Tây, thức ăn từ các cửa hàng châu Á là thứ xa xỉ phẩm, nhưng cũng ít ai từ chối được những hương vị quê nhà.

Học hành

Học hành, thi cử ở đây thì chắc cũng giống ở Việt Nam thôi. Chỉ có điều, chương trình học có phần nặng hơn, đòi hỏi sự tự nghiên cứu và làm việc nhóm nhiều hơn. Mỗi môn học đặt ra cho học viên một đề tài nghiên cứu và tìm tòi. Suốt 2 năm học, chúng tôi có khoảng 20 báo cáo nghiên cứu môn học (gọi là paper), nhỏ thì khoảng 5-10 trang, lớn thì 30-40 trang. Mỗi paper thật sự là báo cáo khoa học bởi nó đòi hỏi đầy đủ các cấu phần của một nghiên cứu thật sự. Vì vậy, cái lớn nhất chúng tôi học ở đây là cách thức nghiên cứu, viết và trình bày báo cáo khoa học.

Điều kiện tiếp cận với Internet dễ dàng là thuận lợi lớn cho việc học tập và tìm tòi tư liệu, và trao đổi trong chúng tôi. Những buổi họp qua mạng với sự hỗ trợ của Yahoo Messenger, phần mềm Skype gọi điện thọai miễn phí từ máy tính đến máy tính và webcam cũng sôi nổi như thật. Phần lớn chúng tôi có máy tính và internet riêng ở nhà trọ. Thư viện dĩ nhiên cung cấp internet miễn phí liên tục từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối.  
Các dịch vụ mua bán, đặt hàng phần lớn giao dịch qua internet, kể cả các dịch vụ ngân hàng. Hệ thống ngân hàng qua máy tính (PC Banking) cho phép chuyển tiền miễn phí trong các nước châu u. Mọi thứ thật dễ dàng.

Giải trí


Một đám cưới sinh viên Việt Nam tại Bỉ

Chủ yếu chỉ là các buổi gặp gỡ của các nhóm sinh viên nước này, nước nọ vào cuối tuần, thời gian còn lại thì với tivi và internet. Không giống các đô thị ở Việt Nam, nhà hàng, cà phê, quán cóc nườm nượp người ra kẻ vào; phố xá Brussels ban đêm nào có gì đâu, quán xá thì cửa đóng im ỉm, bên trong ẩm thực khách ngồi chậm rãi chuyện trò. Du học sinh nhà ta thì đâu có quen cái kiểu ngồi quán bar, cũng chẳng dám xa xỉ đi nhà hàng. Thỉnh thoảng ở đó, tôi đi tham dự các buổi gặp gỡ do Đại sứ quán Việt Nam, hoặc các hội người Việt tổ chức, lâu lâu cũng có các hoạt động của nhóm thanh niên đảng Lao động, đảng Xã hội Bỉ.

Thú vị nhất là các chuyến đi du lịch vòng quanh châu u. Các dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh, KTX vắng ngắt, ai cũng đi nghỉ ở đâu đó vài ngày, thăm nhà người quen và đón lễ ở đó là chủ yếu. Cuối tuần thì có các chuyến đi ngắn sang các nước  láng giềng. Mùa hè thì đi xa hơn, dài ngày hơn. Tôi đã đi được khoảng 10 nước ở châu u và tích cóp được kha khá chuyện thú vị. Thích nhất là thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Xứ sở này tràn trề nhựa sống với dân số trẻ và ham ca hát nhảy múa nhất châu u. 12 giờ đêm trên tuyến metro số 1 bị đánh bom hồi tháng 3 năm 2004, không còn một chỗ ngồi cho khách lên chậm. Đám choai choai ca hát, nhảy múa ngay trên tàu.

Vẫn còn nhiều tiếc nuối bởi còn một số nơi tôi chưa đến được.

... và chia tay

Sau hai năm một tháng lẻ một ngày, tôi giã từ nước Bỉ, giã từ châu u. Thầy Hens có mặt ở sân bay từ 6 giờ sáng tiễn chân tôi. Tôi chẳng nói với thầy được điều gì ngoài một câu: "Cảm ơn thầy, cảm ơn nước Bỉ". Thầy siết chặt tôi như an ủi: "Hẹn gặp lại ở Việt Nam". Trả lại thẻ tạm trú cho hải quan sân bay, tôi quay ra, thầy Hens và cô bạn người Bỉ vẫn còn đứng bên ngoài. Vẫy tay chào lần cuối, tôi vội vã quay đi, giấu những giọt nước mắt đang chảy dài.

Chiếc máy bay Airbus 320 của Swiss Air mang tôi về hướng về phía Zurich. Những mỏm núi đá trập trùng, nhọn hoắt của đất nước Thụy Sĩ dần dần hiện ra. Nước Bỉ bé nhỏ, bằng phẳng đã khuất xa. Nơi ấy trong tôi bây giờ là một khu rừng vàng ối lá mùa thu, là mênh mông tuyết trắng mùa đông, là xanh ngan ngát những thảm cỏ vàng hoa cúc dại, là xanh biếc mỗi lùm cây với tiếng con chim trống gọi bạn mùa hè. Nơi ấy, tôi có một tình yêu.

Thục Minh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.