Ngọt và đắng

16/12/2008 10:55 GMT+7

Không khuất phục trước kẻ thù, coi thường cái chết, họ từng là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Thế nhưng, trước sự cám dỗ của đồng tiền, họ đã không vượt qua được lòng tham của chính mình

Tòa tuyên bố tạm nghỉ để vào nghị án. Người đàn ông đầu đinh, tóc lốm đốm bạc, có dáng người thấp đậm trông rất phong trần vội bước qua bàn luật sư lân la hỏi chuyện. Ông là T.N.A, bị cáo trong vụ án tổ chức đánh bạc - thực chất là thầu đề, ghi đề. “Tôi có bị tuyên án giam không hả luật sư? Trong giai đoạn điều tra, tôi đã bị giam mấy tháng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Lần này mà tòa tuyên giam, tôi sẽ chống án”. Luật sư lắc đầu: “Khó nói trước lắm. Nếu kháng cáo không được, ông tính sao?”. “Thì đành chịu chứ biết sao. Mà trong vụ này, tôi có bị xem là đầu vụ không? Tôi sợ người ta đưa tin trên tivi, nói “T.N.A và đồng bọn tổ chức đánh bạc” thì... quê lắm. Dù sao...”. Ông bỏ lửng câu nói, nhìn mông lung ra ngoài cửa phòng xử án.

Sinh năm 1952, 15 tuổi, ông A. tham gia bộ đội, vào Trường Thiếu sinh quân. Trong thời gian ở quân ngũ, hai lần ông A. được phong Dũng sĩ diệt Mỹ, một lần là Dũng sĩ Quyết thắng và có một Huân chương Kháng chiến hạng 2. “Hồi đó, tôi đánh đấm dữ lắm à nghen!”, ông nhắc lại chuyện xưa bằng một giọng rất hào hứng. Năm 1974, do bị thương nặng, ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng. Đến bây giờ, trong người vẫn còn nhiều mảnh đạn mà những khi trái gió trở trời lại làm tình làm tội ông. “Nhưng mà cô biết không, lý lịch nhân thân tôi chỉ tốt từ năm 1967 đến 1989 thôi....”, ông im lặng thật lâu.

“Vì sao chú bị phạt 5 năm tù cho hưởng án treo về tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy?”, tôi gợi lại câu chuyện đang dang dở. “Hồi cuối những năm 1980, đầu máy mới vào VN, còn ít ỏi chứ không phổ biến như bây giờ. Tôi mua được một cái và chiếu video trong quán cà phê nên bị bắt. Dính tới pháp luật, ngán lắm”. Sau lần đó, ông thề không làm gì để vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến truyền thống gia đình và khổ vợ con. Không ngại khó khăn, ông lăn lưng ra làm đủ nghề lương thiện và cuối cùng “trụ” lại với nghề môi giới nhà đất, nuôi các con ăn học thành tài.

“Con lớn của tôi đang học tiến sĩ ở nước ngoài, hai đứa còn lại, một đã tốt nghiệp đại học dược và một đang học quản lý nhà hàng”. Mắt ông sáng ngời, đầy tự hào khi nhắc đến con nhưng chỉ ít phút sau ông lại trầm ngâm khi kể tiếp khúc quanh của cuộc đời mình. “Ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Trong những lần trà dư tửu hậu cùng mấy người bạn, có người nhờ tôi ghi giúp mấy con đề và sẽ trả công 1% trên tổng số phơi. Nghĩ “chắc không sao” vì ở địa phương tôi, việc này cũng là... “chuyện bình thường”. Hơn nữa, lương hưu tôi khoảng gần 4 triệu đồng/tháng, giao cho bà xã lo việc trong nhà. Còn tôi, mỗi ngày kiếm thêm khoảng 100.000 đồng là khỏe rồi. Vậy là tôi gật đầu đồng ý. Làm chưa được một năm thì bị bắt”. Để có thể tại ngoại hầu tra, ông phải nộp 20 triệu đồng. “Thu lợi bất chính cũng chỉ cỡ đó, bây giờ nộp lại hết mà không biết đã yên chưa. Thiệt không có cái dại nào giống cái dại nào”, ông thở dài ngao ngán.

Trong vụ án này, ngoài ông A. còn có một số bị cáo khác bản thân từng tham gia quân ngũ hoặc gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng. Khi phải khai đến điều này để được xem xét, giảm nhẹ, dường như các bị cáo đều cúi gằm mặt ngượng ngùng. Vị chủ tọa cũng thở dài: “Các bị cáo thấy không, gia đình có truyền thống như thế, bản thân các bị cáo cũng có những cống hiến không nhỏ, đáng lẽ là tấm gương cho con cháu và những người khác. Vậy mà, do thiếu suy nghĩ thấu đáo, không tỉnh táo để phân biệt đúng- sai, các bị cáo đã tự làm khó mình, đẩy mình vào tù tội, bây giờ phải nộp những giấy tờ như thế để được xem xét...”.

Tất cả im lặng. Mãi sau, ông A. ngập ngừng lên tiếng: “Bị cáo xin lỗi HĐXX...”. Vị chủ tọa ngắt lời: “Các bị cáo hãy xin lỗi bản thân và gia đình mình trước đã”. Nhìn ánh mắt của vị chủ tọa khi nói ra điều ấy, tôi biết bà cũng chua xót, đau lòng lắm. Những người từng không biết khuất phục trước kẻ thù, coi thường cái chết nhưng trước sự cám dỗ của đồng tiền, họ đã không vượt qua được lòng tham của chính mình, để rồi gục ngã. Đau lắm chứ!

Cũng cần nói thêm, trong 20 bị cáo hôm nay có những bị cáo là người trong cùng một gia đình. Một ông chồng có nghề ổn định, mỗi ngày tranh thủ về vào giờ “cao điểm” để giúp vợ trông coi tiệm tạp hóa đồng thời làm nhiệm vụ cảnh giới; cô con gái đã có gia đình riêng, mở công ty TNHH cầm đồ ngay tại nhà mẹ ruột, thấy mẹ nhận phơi, cộng phơi vất vả nên phụ mẹ một tay; người em gái thấy chị có con nhỏ lại bận bịu với chuyện ghi đề nên qua giúp; hai người cháu đang lúc chưa có việc làm, cô - dì đề nghị phụ một tay sẽ trả lương 1 triệu- 1,2 triệu đồng/tháng nên đồng ý tham gia... Không ai lạ gì nguyên nhân vì sao người trong nhà kéo nhau cùng phạm tội. Tất cả cũng chỉ vì số tiền thu lợi nhiều, dễ dàng, không cực nhọc. Có điều, như ông bà xưa đã cảnh báo: “Của cờ bạc bỏ ngoài sân”, đồng tiền có được không phải từ lao động chân chính rồi cũng nhanh chóng mất đi. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo bị buộc trả lại tiền thu lợi bất chính và đóng một khoản tiền phạt không nhỏ.

Cuối cùng, chỉ có 6/20 bị cáo được hưởng án treo, các bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm đến 4 năm tù. Ông A. bị tuyên 2 năm 6 tháng tù. “Tôi không dám cho vợ tôi biết buổi xét xử hôm nay. Bả bị bệnh tim nặng. Không biết phải nói với bả sao đây?...”. Ông thở dài rồi tất tả bước đi...

Theo Tố Trâm (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.