Giếng Việt trên xứ người

14/02/2013 09:47 GMT+7

(TN Xuân) Chuyến trở lại Thái Lan cùng những vị khách đặc biệt đã cho tôi biết không chỉ cái tình Việt-Thái đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, mà còn là sự cống hiến thầm lặng của kiều bào trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần kỳ.

Năm 1947, tổ điệp báo thuộc tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II nhận nhiệm vụ từ Thái Lan trở về Việt Nam để hỗ trợ tác chiến vùng Bạc Liêu, Cà Mau. Vượt qua những cánh rừng heo hút trong nhiều ngày, tổ điệp báo dừng chân ở bờ biển Merut thuộc tỉnh Trat, cách thủ đô Bangkok 400 km.

"Anh Dĩa (Bông Văn Dĩa lúc đó là tiểu đội trưởng) nhận thấy phương án vào nhà dân cách đó vài cây số để xin lương thực nước uống là không ổn, hứng nước mưa thì cũng không phải cách lâu dài. Anh nghĩ ra giải pháp đào giếng để anh em tự lực cánh sinh và chờ hội quân với tiểu đoàn. Anh Dĩa, tôi, anh Vinh cùng một anh tôi không nhớ tên bắt đầu tìm nguồn nước và đào giếng", ông Nguyễn Công Nghệ, 84 tuổi, hiện ngụ tại Q.12, TP.HCM, nguyên phụ trách vô tuyến điện chi 50, nhớ lại. Điều mà cựu chiến binh này không ngờ đến là sau hơn nửa thế kỷ, ông vẫn còn có cơ hội gặp lại kỷ vật thời chiến ấy.

"Hôm qua Thái Lan chơi, tôi tình cờ gặp con của người bạn. Nó kể chuyện có cái giếng gọi là "giếng người Việt" do bộ đội Việt Nam đào trong một ngôi chùa ở Trat. Nó hỏi tôi, tôi cười "tao đào chứ ai" mà trong bụng vẫn còn thấy lạ, không nghĩ là mình còn lý do quay trở lại đó sau mấy chục năm", ông Nghệ bồi hồi.  

Người cựu binh hăm hở cùng gia đình quay lại Trat, không giấu nỗi xúc động khi trước mặt mình là cái giếng đá nước trong vắt, được giăng lưới bảo quản cẩn thận trong khuôn viên một ngôi chùa nhỏ. Lak, một lái buôn người Thái, cho biết cái giếng đã có từ rất lâu và không hiểu sao dân xung quanh rất nhiều người biết giếng đó do người Việt đào.

"Người dân vẫn bảo nhau rằng cái giếng này có phép mầu, có thể chữa bệnh được. Sự thần diệu không thể giải thích này cũng là lý do khiến người dân trong làng không phá giếng mà trái lại, cố gắng bảo vệ nó qua nhiều thời kỳ", Lak nói bằng tiếng Việt khá sõi.

Nắm chặt tay thầy trụ trì, ông Nghệ trong bộ quân phục ngực đầy huân chương, bày tỏ nguyện vọng muốn thay mặt những đồng chí trong tổ điệp báo của mình (chỉ còn ông và một người hơn 90 tuổi còn sống tại TP.HCM) xin phép đặt một tấm bia tưởng niệm bên cạnh cái giếng.

Tháp tùng chồng qua Thái, bà Nguyễn Thị Phương không quên dẫn chúng tôi đến thăm ngôi chùa Từ Tế lọt thỏm giữa khu phố Tàu Rachavong sầm uất. Đây chính là ngôi chùa của cụ Sư Ba, tên gọi quen thuộc của sư cụ Bình Lương, người đã cưu mang Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái vào những năm 20 của thế kỷ trước. Bà Phương, một Việt kiều Thái từng hoạt động cách mạng, chính là cháu ruột của ông.

Ngay từ năm 1930-1935, ngôi chùa Từ Tế cũng là nơi tiếp đón, hội họp và hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng. Từ năm 1950, khi chính phủ Thái Lan dồn ép Việt kiều, hòa thượng vẫn kiên quyết giữ cho ngôi chùa là nơi đi lại hợp pháp của cán bộ ta để hoạt động. Đến năm 1964, ông xin phép trở về nước sau gần 60 năm xa Tổ quốc.

"Nhưng chỉ hai năm sau thì ông qua đời. Trong lễ an táng, đích thân Bác Hồ đã gửi một vòng hoa lớn có dòng chữ thêu "Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước" với danh xưng "Đồng chí Hồ Chí Minh", đó thật sự là một vinh dự to lớn cho gia đình chúng tôi", bà Phương bồi hồi.

“Nhìn ngôi chùa Từ Tế giờ cũ kỹ và xuống cấp, tôi cũng không biết làm gì hơn. Gia đình tôi hy vọng nhà nước mình có một sự quan tâm với những dấu tích của ông cậu tôi, dù thật tâm những điều ông đã đóng góp hoàn toàn là tự nguyện mà chẳng cần một tấm huân chương hay khen thưởng gì", bà Phương chia sẻ.

Kim Nga

>> Người Việt rất linh hoạt
>> Người Việt ở Guam
>> Người Việt chế tạo tàu ngầm
>> Người Việt Nam bị cấm vào Tây Tạng
>> Một người Việt được Philippines vinh danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.