Nhiều khó khăn trong việc liên kết đưa hàng bình ổn đến người dân

28/01/2013 21:16 GMT+7

(TNO) Chiều 28.1, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị sơ kết một năm thực hiện hợp tác triển khai chương trình bình ổn thị trường giữa Thành đoàn TP.HCM, Thành hội Phụ nữ, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Theo đó, sau một năm triển khai chương trình, đến nay đã mở được 53 cửa hàng bình ổn liên kết trên địa bàn TP.HCM, gồm 45 cửa hàng Sài Gòn Co.op liên kết với Hội Phụ nữ; sáu cửa hàng Sài Gòn Co.op liên kết Đoàn Thanh niên và hai cửa hàng Satra liên kết Đoàn Thanh niên.

Các phản ánh của các chủ cửa hàng bình ổn liên kết trong chương trình này cho thấy còn rất nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế. “Khó khăn không ít, nhất là khó khăn phát sinh gần đây. “Trong đó giá một số mặt hàng (không thuộc diện hàng bình ổn thị trường - PV) tại cửa hàng bình ổn cao hơn bên ngoài. Vì thế, người dân so bì giá một số mặt hàng trong cửa hàng bình ổn với giá bên ngoài”, chủ một cửa hàng cho biết.

Cũng theo chủ cửa hàng này: “Người dân hỏi tại sao siêu thị có mặt hàng này nhưng cửa hàng bình ổn không có? Tại sao mặt hàng này siêu thị Co.opmart khuyến mãi nhưng cửa hàng bình ổn này không khuyến mãi?”.

Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng kêu ca vì sự bất cập, chậm trễ của nhà cung ứng. “Nếu khi đặt hàng trong vòng một tuần hoặc nửa tuần họ giao hàng thì được. Có khi đặt hàng hơn một tuần nhưng chưa thấy giao hàng. Đơn giản như giấy vệ sinh nhưng phải chờ khá lâu họ mới giao hàng”.

“Khi Sài Gòn Co.op trực tiếp giao hàng thì rất tốt nhưng giao lại cho hợp tác xã thì việc đặt hàng, giao hàng khó khăn, chậm trễ. Tôi đã gọi đặt hàng nhưng họ không có hàng để giao, họ giải thích do ít cửa hàng đặt hàng nên không đi lấy. Giá cũng cao hơn siêu thị, hợp tác xã giải thích là nợ gối đầu nên giá cao hơn” - đại diện cửa hàng bình ổn Co.opmart Củ Chi phản ánh khó khăn phát sinh.

Đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, việc chậm giao hàng là do khâu vận chuyển giao nhận có trục trặc, sẽ khắc phục, đồng thời đề nghị các cửa hàng cứ theo dõi, nếu chỗ nào giá tốt thì đăng ký mua về bán. Tuy nhiên cần lấy hàng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - nhắc nhở cần chấn chỉnh hiện tượng một số cửa hàng lấy hàng bên ngoài bán không rõ nguồn gốc.

“Lãnh đạo một số quận, huyện cũng chưa bám sát để kịp thời phản ánh các khó khăn của các cửa hàng nhằm tìm biện pháp giải quyết. Khi triển khai, các đơn vị cung ứng hàng không gửi bảng giá hàng bình ổn, dẫn đến một số cửa hàng niêm yết giá không đúng giá được duyệt", bà Đào chia sẻ. Bà Đào cho biết thêm: "Việc giao hàng chậm trễ là do trục trặc khâu phân phối, tuy nhiên, do chương trình còn mới mẻ nên khó khăn là không tránh khỏi. Qua hội nghị sơ kết, các sở ngành sẽ nắm tình hình và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng”.

Hoàng Việt

>> “Quyền lực” của siêu thị trong bình ổn giá
>> Bán hàng bình ổn giá
>> Thêm 2 cửa hàng bình ổn giá phục vụ công nhân
>> Trứng gia cầm bình ổn giá “cháy hàng”
>> Cho vay trên 67 tỉ đồng để bình ổn giá
>> Chuẩn bị bán thịt heo bình ổn giá
>> Bình ổn giá dịch vụ lưu trú dịp lễ 2.9
>> Phủ sóng" rộng hơn các chương trình bình ổn giá
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.