Quân bài bạc tỉ của hải quân Ấn Độ

01/01/2010 22:37 GMT+7

Sau nhiều lần trì hoãn, kế hoạch trang bị tàu sân bay cho hải quân Ấn Độ đã đạt được bước tiến chắc chắn.

Hồi tháng 12 vừa qua, thông tin về kế hoạch cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của hải quân Nga để biên chế vào lực lượng hải quân Ấn Độ dưới tên gọi INS Vikramaditya (Mặt trời anh dũng) đã được công bố. Theo hãng tin IANS, Ấn Độ trả cho Nga 2,3 tỉ USD để mua lại tàu Đô đốc Gorshkov đã được cải tạo cùng một số máy bay chuyên dụng cho loại tàu này.

Kế hoạch đã thông, chương trình hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ để đáp ứng những đòi hỏi mới đã tiến thêm một bước đáng kể.

Vậy điều gì nằm sau kế hoạch này?

Thăng trầm

Đô đốc Gorshkov là tàu sân bay thuộc lớp Kiev cải tiến, được đưa vào vận hành thử năm 1982 và chính thức biên chế cho hải quân Liên Xô vào năm 1987. Ban đầu tàu có tên là Baku (thủ đô Azerbaijan), đến khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì tàu được đổi tên thành Đô đốc Gorshkov - theo tên của vị tướng hải quân Sergey Gorshkov, người đã phụ trách việc mở rộng lực lượng hải quân của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.

Tàu được thiết kế dài 273,1m, sườn ngang 31m, trọng lượng nước rẽ 45.000 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ 32 hải lý/giờ, có khả năng hành trình suốt 25.000 hải lý với tốc độ 18 hải lý/giờ. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa đối hải, đối không cùng các loại vũ khí tự vệ khác. Theo thiết kế, tàu có thể chở 12 chiến đấu cơ Yak-38 (lên thẳng) cùng khoảng 20 trực thăng.

Những khó khăn của nước Nga vào đầu thập niên 1990 đã khiến con tàu này đối mặt với một tương lai mờ tối. Đến năm 1994, sau một vụ nổ ở khu vực động cơ, tàu Đô đốc Gorshkov đã ngưng hoạt động suốt một năm để sửa chữa. Năm 1995, tàu rời bến trở lại nhưng chỉ một năm sau đó đã phải về hưu.

Tám năm sau, chiếc tàu đối diện với một cơ hội hồi sinh mới, khi Ấn Độ đồng ý mua lại để trang bị cho lực lượng hải quân đang rất cần hiện đại hóa của mình. Theo thỏa thuận ban đầu, thương vụ này trị giá 1,5 tỉ USD. Phía Nga đảm bảo công tác cải tạo và cải tiến tàu để giao cho hải quân Ấn Độ vào năm 2008. Thỏa thuận cũng bao gồm việc Nga giao cho Ấn Độ 16 chiến đấu cơ MiG-29K chuyên dùng cho tàu sân bay. Sau khi được cải tiến, tàu sẽ mang tên INS Vikramaditya, thay thế tàu sân bay INS Viraat vốn đã lỗi thời của Ấn Độ. Theo thông số của nhà sản xuất, INS Vikramaditya có thể mang 16 chiến đấu cơ MiG-29K, hoặc HAL Tejas (của Ấn Độ) hoặc Sea Harrier (phản lực lên thẳng của Anh), cùng với khoảng 10 chiếc trực thăng.

Kế hoạch sơ khởi là thế, nhưng sau đó giữa hai bên đã nảy sinh nhiều bất đồng về giá cả. Phía Nga nói rằng ban đầu họ định giá quá thấp nên muốn điều chỉnh lại. Họ muốn tăng thêm 1,2 tỉ USD nữa. Phía Ấn Độ nói con số đó là quá cao. Tranh cãi đã khiến thời hạn giao hàng bị dời lại, và chiếc tàu vẫn nằm tại Nhà máy Sevmash ở miền bắc nước Nga.

Cho đến hồi tháng 12.2009, hãng tin IANS của Ấn Độ cho biết hai bên đã đồng ý một hợp đồng trọn gói 2,3 tỉ USD, tức tăng thêm 800 triệu USD so với thỏa thuận gốc. Và thời điểm giao hàng sẽ được dời đến năm 2012.

Nhiệm vụ chiến lược mới

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn nằm bên một đại dương mênh mông. Khu vực này có nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế, từ lâu đất nước Ấn Độ đã chú trọng xây dựng hải quân vững mạnh. Hiện hải quân nước này có hơn 56.000 quân nhân với đội ngũ tàu ngầm gồm khoảng 20 chiếc cùng một lực lượng tàu nổi hùng hậu. Tuy nhiên, với những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực cùng sự phát triển của đất nước, hải quân Ấn Độ đang cần hiện đại hóa hơn nữa, mà việc trang bị một tàu sân bay mới là đòi hỏi ưu tiên.

Trước khi chiếc INS Vikramaditya được bàn giao vào năm 2012, Ấn Độ đã có một tàu sân bay là INS Viraat. Chiếc này có thể chở tới 30 máy bay, gồm Sea Harrier và trực thăng. Tuy nhiên, INS Viraat đã quá cũ nên có rất nhiều hạn chế, chẳng hạn như trọng lượng nước rẽ của nó chỉ khoảng 28.000 tấn. INS Viraat là một tàu sân bay thuộc lớp Centaur của Anh bắt đầu hoạt động vào năm 1959. Nó đã tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có vai trò chủ lực suốt cuộc chiến tranh tại quần đảo Falkland giữa Anh và Argentina hồi đầu thập niên 1980. Đến năm 1987, đáng lẽ chiếc tàu này phải về hưu thì nó được Anh bán lại cho Ấn Độ.

Trong hoàn cảnh mới, nhiều đòi hỏi mới được đặt trên vai lực lượng hải quân Ấn Độ, từ chống cướp biển đến bảo vệ lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Bên cạnh sự kèn cựa bấy lâu nay với Pakistan thì sự tăng cường sức mạnh không ngừng của quân đội Trung Quốc là điều khiến Ấn Độ phải lưu tâm. Trung Quốc và Ấn Độ không có vùng biển tiếp giáp, nhưng lại có đường biên giới chung dài gần 3.500 km với nhiều tranh chấp về lãnh thổ. Từ tranh chấp trên cạn đến những áp lực dưới biển là chặng đường không xa.

Theo các nguồn tin tình báo được tạp chí quốc phòng Jane’s dẫn lại, Trung Quốc đã xây dựng một quân cảng ở miền nam Myanmar, quốc gia có lãnh thổ và lãnh hải giáp với Ấn Độ. Theo trang Globalsecurity.com, một số cơ sở do thám hải quân cũng đã được Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Coco của Myanmar, vốn chỉ cách đảo Bắc Adaman trong quần đảo Adaman của Ấn Độ có 20 km. Dù thông tin về các cơ sở trên quần đảo Coco bị phía Myanmar bác bỏ nhưng bóng mây nghi ngờ vẫn cứ lởn vởn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã hợp tác xây dựng quân cảng Gwadar cho Pakistan. Mà Pakistan và Myanmar nằm ở vị trí như hai gọng kìm kẹp lấy đất nước Ấn Độ rộng lớn.

Những bước đi trên cho thấy hải quân Trung Quốc, bên cạnh việc tăng cường sức mạnh ở Thái Bình Dương, cũng đang dần mở rộng ảnh hưởng xuống Ấn Độ Dương. Chiếm ưu thế trên biển, ngay cả giữa các quốc gia không có vùng biển tiếp giáp, cũng là vấn đề then chốt trong việc khẳng định ưu thế toàn diện để phục vụ cho mục tiêu lâu dài. Những bước đi của Trung Quốc vì thế khiến Ấn Độ đặc biệt quan tâm và họ phải có đối sách từ sớm. Tăng cường sức mạnh hải quân chính là đối sách.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.