Gian nan dẹp chợ cóc

01/04/2014 10:21 GMT+7

Cấp giấy phép kinh doanh thì hình thành chợ cóc còn không cấp thì người dân phản ứng vì họ buôn bán mặt hàng không thuộc danh mục cấm, đó là cái khó trong việc dẹp chợ cóc ngay trung tâm TP.Đà Nẵng.

Cấp giấy phép kinh doanh thì hình thành chợ cóc còn không cấp thì người dân phản ứng vì họ buôn bán mặt hàng không thuộc danh mục cấm, đó là cái khó trong việc dẹp chợ cóc ngay trung tâm TP.Đà Nẵng.

 Gian nan dẹp chợ cóc
Người buôn bán hàng rong ở đường Tiểu La lấn chiếm vỉa hè, xả nước thải ra đường - Ảnh: Nguyễn Tú

Bà Trần Thị Tuyết Nguyệt (37 tuổi) có đơn phản ánh, từ 2009 bà buôn bán thịt heo, thịt bò tại nhà 45 Tiểu La (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) đến tháng 10, 11.2013 thì địa phương nhiều lần vận động bà chuyển đổi ngành nghề hoặc xin giấp phép. Từ đó đến cuối tháng 2 vừa qua, bà Nguyệt hai lần đến UBND Q.Hải Châu để xin cấp giấy phép kinh doanh nhưng đều bị từ chối và mới đây thì bị Đội QLTT số 1 lập biên bản. Bà thắc mắc, bà cũng như các hộ ở khu vực đường Tiểu La buôn bán không thuộc danh mục hàng cấm của nhà nước nên việc UBND Q.Hải Châu không tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của bà là vô lý. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu giải thích, khu vực 45 Tiểu La mà bà Nguyệt buôn bán trước đây là chợ Hòa Cường cũ. Năm 2010 khi tiến hành xóa 21 chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thì tiểu thương, người bán hàng rong chợ tạm này được dời về các chợ khác, tuy nhiên tại đây vẫn còn một số hộ tận dụng nhà hoặc thuê mặt bằng tiếp tục bám trụ.

Theo thống kê của UBND Q.Hải Châu hiện có 6 hộ buôn bán cố định các mặt hàng thịt heo, thịt bò, trái cây, rau củ quả tại đó, nếu vắng bóng lực lượng Quy tắc đô thị, Thanh tra giao thông, thì các hộ này lấn ra vỉa hè. Người bán hàng rong nơi khác cũng lợi dụng tụ lại, còn người mua thì để xe dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông do khu vực này. Hơn nữa, đây là đoạn đường dốc, vừa là khúc cua, chưa kể xả nước thải ảnh hưởng vệ sinh môi trường khiến người dân khu phố liên tục ca thán. “Đúng là quận phải cấp giấy phép kinh doanh mặt hàng nhà nước không cấm, nhưng thực tế việc buôn bán của các hộ dân khu vực 45 Tiểu La lấn chiếm vỉa hè, dễ xảy ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng trật tự, vệ sinh đô thị và khi phát sinh chợ cóc, chợ tạm thì rất khó giải quyết; trong khi những ngành hàng tươi sống này phải tập trung về chợ để quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Lệ nói.

Sau nhiều lần vận động chuyển đổi ngành nghề bất thành, UBND Q.Hải Châu cho biết sẽ đối thoại, mở hướng tạo điều kiện cho các hộ này vào chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Mới để buôn bán ổn định. Theo bà Lệ, qua thăm dò, một số hộ dân vẫn không đồng ý với phương án dời vào chợ để buôn bán tập trung. Bà Nguyễn Thị Thanh Yến, chị dâu bà Nguyệt cho rằng trước nay bà buôn bán rau củ quả, khi giải tỏa chợ tạm Hòa Cường thì được chuyển vào chợ Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên do chuyển chợ bị mất bạn hàng, không cạnh tranh được với tiểu thương khác đã bán ở chợ Nguyễn Tri Phương từ trước nên buộc lòng bà trở lại nhà 45 Tiểu La để mưu sinh. Trước thực trạng này, nên chăng UBND Q.Hải Châu cũng như BQL các chợ tiếp nhận tiểu thương tạo điều kiện về phí mặt bằng, thuế trong thời gian đầu để tiểu thương có thời gian xây dựng lại mối lái, ổn định thu nhập?

Bà Lệ còn cho hay không chỉ khu vực 45 Tiểu La mà hiện tượng buôn bán tự phát còn diễn ra ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lai, đường sắt chợ Tam Giác cũ… Do đó, sau khi tạo mọi điều kiện mà các hộ buôn bán không chấp hành thì sẽ phối hợp với lực lượng QLTT kiểm tra và áp dụng mức xử phạt mới từ 5 - 10 triệu đồng nếu không có giấy phép kinh doanh để quyết liệt ngăn chặn nguy cơ tái diễn chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

Nguyễn Tú

>> Hà Nội sắp giải tỏa 112 chợ cóc
>> Chợ tiền tỉ thua chợ cóc
>> Chợ 'cóc' ép chợ mới
>> Chợ cóc đông, siêu thị ế 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.