Lãnh chúa tài chính Ben Bernanke

26/12/2009 15:20 GMT+7

(TNTS) Trong số ra cuối cùng của năm, tạp chí Time, Mỹ đã bình chọn Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) - ông Ben Bernanke, 56 tuổi là Nhân vật của năm 2009. Người ta gọi Bernanke là nhà bác học, là thiên tài, quan chức cấp cao… nhưng trên hết ông là lãnh chúa tài chính và người có “quyền lực đứng thứ hai” tại Mỹ.

Chủ tịch FED - Ngài không thể chết

Ben Bernanke chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch FED vào tháng 2.2006, dưới thời Tổng thống G.Bush. Để hiểu rõ hơn vai trò của chủ tịch FED cũng nên đề cập đôi nét về người tiền nhiệm của Bernanke là ông Alan Greenspan.

Alan Greenspan điều hành FED trong hơn 18 năm, kể từ năm 1987 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Ông được coi là đầu não, đảm bảo đích thực cho sự ổn định và phát triển của nền tài chính Mỹ. Mỗi khi Greenspan phát biểu, thì thị trường lắng nghe từng từ, thậm chí cả ngữ điệu của ông để đoán định các động thái của FED. Nhiều người cho rằng, vị trí của ông còn “lớn hơn” của tổng thống. Mọi quyết định của FED đều tác động sâu sắc đến hoạt động ngân hàng, quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, “sức khỏe” của đồng USD… Nếu như Greenspan mới chỉ nói rằng sẽ nâng lãi suất, thì với thị trường lãi suất đã tăng. Vấn đề chính là người ta chờ đợi Greenspan sẽ nâng lãi suất lên bao nhiêu. Còn ông nói chờ đợi lạm phát thì có nghĩa thực tế đã có lạm phát, nhưng lạm phát như thế nào thì còn phải chờ đợi.

Trong từng ấy năm trời, Greenspan là thước đo của nền kinh tế Mỹ. Là người đầy quyền lực nên thị trường sợ hãi ông. Về lý thuyết, việc nâng hay hạ lãi suất ngân hàng được quyết định tập thể, nhưng thực tế quyết định đưa ra là theo nhãn quang riêng của Greenspan. Lúc thì ông kích thích sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ, khi thì kìm hãm sự phát triển của nó. Ngay sau khi mới nhậm chức, ông ngăn chặn thành công sự sụp đổ của TTCK Mỹ trong năm 1987, lèo lái để tránh sự suy thoái kinh tế khởi phát vào đầu thập niên 1990 một cách nhẹ nhàng.

Trong năm 1996, Greenspan bắt đầu cuộc thập tự chinh chống lại sự tăng trưởng của thị trường vốn khi cho rằng nó phát triển quá nóng. Ông đưa lãi suất ngân hàng về mức hợp lý, tiếp tục hạ lãi suất khi năm 2000 “quả bong bóng” TTCK bị nổ. Có cảm giác như cuộc sống không thể thiếu ngài Greenspan. Đến nỗi thượng nghị sĩ John McCai từng phải nói: Nếu như Greenspan, lạy Chúa, bị chết thì hãy giữ bí mật. “Để ông ấy ngồi trên ghế và làm như không có chuyện gì xảy ra”. Nhiều người luôn quen với ý nghĩ cuộc sống phải có Greenspan nên đã bị bất ngờ và đầy nghi ngại khi cái tên Ben Bernanke được xướng lên.

Người quyền lực nhất với của cải 

 

Bernanke (trái) và Tổng thống Obama tại buổi lễ tái bổ nhiệm chức chủ tịch FED cho ông - Ảnh: Reuters

Bernanke tiếp quản chiếc ghế của Greenspan trong tình thế nền kinh tế Mỹ khá êm ả: lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp và đã vượt qua được vài khởi phát của các cơn khủng hoảng nghiêm trọng. Có cảm giác như con đường phía trước vị chủ tịch mới của FED đầy màu hồng. Rất ít ai ngờ đến việc năm 2008 thị trường tài chính sụp đổ, kinh tế thế giới đứng trước bờ vực đại khủng hoảng khi hàng loạt các “đại gia” như AIG, Bear Stearns, Merrill Lynch, Fannie, Freddie, Lehman Brothers và WaMu sụp đổ. Chỉ trong cơn sóng gió này người ta mới được chiêm nghiệm tài năng đích thực của Bernanke.    

Khi thị trường tài chính sụp đổ, trong cương vị tổng tư lệnh kinh tế Bernanke đưa ra những quyết định táo bạo, không có tiền lệ, gây đầy tranh cãi: Lần đầu tiên trong lịch sử kéo lãi suất đồng USD về con số không. Tiếp đó ông dùng hàng ngàn tỉ USD tiền thuế của dân để bơm và cứu hàng loạt ngân hàng, các định chế tài chính, các doanh nghiệp đang thoi thóp chờ ngày báo tử. Bên cạnh đó FED đã cho hàng loạt các quỹ đầu cơ, quỹ tương hỗ, ngân hàng đầu tư, các hãng xe lớn… vay tiền và mua lại trái phiếu địa ốc, cổ phiếu của doanh nghiệp để tạo tính thanh khoản cho thị trường. Nhờ thế mà kinh tế Mỹ đã tránh được một thảm họa tương tự như đại suy thoái những năm 1930 và có dấu hiệu phục hồi ngay trong năm 2009 này. 

Bơm vài ngàn tỉ vào nền kinh tế, không cần sự cho phép của tổng thống hay quốc hội, Bernanke thực thi quyền lực chưa từng có khi gạt bỏ  tiến trình dân chủ, với lập luận thời đại tuyệt vọng cần những giải pháp tuyệt vọng. Chính nhờ điều này mà Time bình chọn ông là Nhân vật của năm (Person of the Year). Time viết: “Sự lãnh đạo đầy sáng tạo của ông đảm bảo rằng, năm 2009 là một thời kỳ tăng trưởng yếu chứ không phải là một giai đoạn đại suy thoái. Ông vẫn là người có quyền lực nhất đối với của cải, việc làm và tương lai của nước Mỹ”.

Vị giáo sư tài ba

Tạp chí Time theo truyền thống sẽ công bố Nhân vật của năm vào số cuối cùng trong năm. Tiêu chí để bình chọn là “người hay những người có nhiều phát kiến mới, làm chuyển biến cuộc sống của chúng ta, cả trong nghĩa tốt và xấu của tiêu chí này”. Danh hiệu này bắt đầu từ năm 1927 và được trao cho phi công Charles Lindbergh, người đầu tiên trong lịch sử nhân loại một mình bay qua Đại Tây Dương. Có nhiều nhân vật nổi tiếng từng được nhận danh hiệu này như Adolf Hitler (1938), thậm chí cả computer (1982), các lãnh đạo Liên Xô từng nhận danh hiệu này có Stalin (2 lần: 1939 và 1942); Khorutshev (1957), Gorbachev (1987). Gần đây nhất có Tổng thống Nga Putin (2007), Tổng thống đắc cử Mỹ Obama (2008).

Ben Bernanke sinh ngày 13.12.1953 trong một gia đình Do Thái chính thống, tại thành phố Avgusta, bang Georgia, Mỹ. Bố ông là Philip Bernanke - chủ hiệu thuốc tây và mẹ là bà Edna Bernanke, giáo viên bậc phổ thông. Vài năm sau khi Bernanke ra đời, cả gia đình chuyển về bang Nam Carolina sinh sống. Bà Edna nói, khi Bernanke lên 3 tuổi, cậu đã biết đến các con số, biết tính tiền, còn khi đi học cậu rất chăm chỉ, tối nào cũng làm bài tập ở nhà. Vào năm 11 tuổi Bernanke là nhà vô địch cuộc thi viết chính tả của Nam Carolina. Ngoài ra, Bernanke còn tự học toán phân tích, phương pháp đọc nhanh, tiếng Ivrit - những môn không có trong chương trình bậc tiểu học.

Lên đến bậc trung học phổ thông, Bernanke còn viết tiểu thuyết. Nhà xuất bản từ chối khi được cậu đề nghị in, nhưng vẫn khuyên Bernanke tiếp tục sáng tác. Tốt nghiệp phổ thông năm 1971, Bernanke vào học tại Đại học Havard và đến năm 1975, chàng trai trẻ tốt nghiệp xuất sắc khoa kinh tế. Sau đó 4 năm, Bernanke bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học về kinh tế Đại học Công nghệ Massachusetts. Từ năm này đến năm 2002, ông giảng dạy tại nhiều trường đại học và trở thành giáo sư, chuyên gia kinh tế vi mô, nghiên cứu rất sâu về cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 1930 và công bố nhiều công trình khoa học thu hút sự quan tâm của những người trong giới.

Quan lộ của Bernanke bắt đầu vào năm 2002, khi đó chính phủ của Tổng thống Bush quyết định thu hút nhân tài cho FED. Vào tháng 8 năm ấy, Bernanke được mời vào làm nhóm 7 người điều hành FED. Thoạt đầu Alan Greenspan khá thận trọng với Bernanke, khi con người mới này thường chỉ trích các chính sách lỗi thời của FED. Theo thời gian, Bernanke ngày càng chứng tỏ mình là chuyên gia tài chính lão luyện, một nhà lãnh đạo thông minh, nhiệt huyết. Mùa hè năm 2005 ông được giao làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng. Dù ít gặp gỡ ông Bush, nhưng mọi người cho rằng đây là giai đoạn thử thách để Bernanke được cất nhắc lên vị trí chủ tịch FED và mọi chuyện diễn ra đúng như dự đoán.

Là người đầy quyền lực, nhưng Bernanke có đời sống khá giản dị. ông cưới vợ - bà Anna Bernanke, vào năm 1978. Họ có con trai Joel Bernanke (1982) và con gái Alyssa Bernanke (1986). Những lúc rảnh rỗi, ông thích ở nhà ăn cơm cùng gia đình, đọc sách hoặc chơi bóng rổ. Đây chính là những khoảnh khắc mà ông tìm thấy sự bình yên, thanh thản thực sự phía sau trọng trách quá lớn, đầy trách nhiệm, với những quyết định có thể làm chao đảo thế giới.

Bảo Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.