Thư bạn đọc tuần qua (19-25/12)

25/12/2006 16:01 GMT+7

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở chợ Lớn Quy Nhơn (Bình Định) xảy ra đêm 16/12 vừa qua - thiêu rụi toàn bộ ngôi chợ 3 tầng với hàng trăm gian hàng, trị giá hàng hóa ước tính sơ bộ lên đến hàng chục tỉ đồng - là một thiệt hại về kinh tế quá lớn đối với người dân, nhất là tiểu thương nơi đây. Không chỉ kịp thời đưa tin, nhanh chóng cứu trợ, Báo Thanh Niên còn ngay lập tức tham gia vào việc xác định trách nhiệm của vụ việc một cách công tâm và thẳng thắn, nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn đọc.

Niềm tin ở lại
 
Tôi viết bài này xuất phát từ tấm lòng cảm kích Báo Thanh Niên. Chân thành cảm ơn những gì quý báo đã làm trong vụ cháy chợ Quy Nhơn.

Trong khi bà con kinh doanh tại Chợ lớn Quy Nhơn hoang mang trước hỏa hoạn, một tờ báo gần gủi với nhân dân trong tỉnh (Báo Bình Định) đã đưa tin không đúng như những gì đã diễn ra, lòng tin của người bị nạn chao đảo không chỉ đối với cơ quan chức năng liên quan đến vụ cháy chợ, mà cả với cơ quan thông tin chính thức. Người ngoài cuộc thì bị đánh lừa, người trong cuộc và người mục sở thị vụ cháy thì giận dỗi, lòng dân bị tổn thương. May mắn thay, còn có Báo Thanh Niên đã đứng về phía sự thật và cùng đau với nỗi đau của đồng bào. Hàng loạt bài của Thanh Niên đã nói lên sự thật vụ cháy chợ và diễn biến kiểu cứu chợ. Nói lên được cái tầm và cái tâm của các cấp chức trách ứng xử với dân và xử lý công việc trong "lửa bỏng". Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch tỉnh đã có được quyết sách kịp thời nhất để giúp đở đồng bào bị nạn, và là người duy nhất nhận trách nhiệm mà không đỗ lỗi cho người khác.

Lửa đã làm tài sản của gần 1.000 hộ trở thành tro tàn, gần 4.000 người sẽ nhọc nhằn trong những ngày sắp đến, trong đó có nhiều người mặc cảm và xúc động đến khóc mỗi khi biết có ai đó đang hảo tâm đóng góp tiền của để tương trợ mình. Lửa cháy chợ vừa tàn, một mùa đông ập đến. Giữa cái nóng rát và đột ngột lạnh lẽo ấy, một chút ấm áp từ báo Thanh Niên đã giữ lại niềm tin của đồng bào. Tin rằng cái tâm của các phóng viên báo Thanh Niên sẽ được nhân lên cùng với tháng ngày và lan tỏa trong cộng đồng báo chí để góp phần giữ được sự thật không bị nói khác đi. Tin rằng báo Thanh Niên sẽ là cầu nối để đồng bào hiểu được nhà chức trách đang thực hiện nhiệm vụ trước nhân dân.

Vốn của người bị nạn hầu như bị thiêu rụi. Những ngày tới đây gần 4.000 dân của Quy Nhơn không biết sống bằng cách nào nhưng tất cả cũng phải sống. Khi còn niềm tin thì sẽ còn tất cả. Có lẽ họ sống với niềm tin còn ở lại.

Nhat Nam (TP Quy Nhơn, Bình Định)

Hoan nghênh sự thẳng thắng của Báo Thanh Niên
 
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại chợ Lớn Quy Nhơn đã làm thiêu rụi và cướp đi bao nhiêu niềm ước mơ và cuộc sống êm ấm của bao nhiêu người trong và ngoài tỉnh Bình Định. Qua vụ cháy này, tôi thấy Đảng, Nhà nước và các cấp nên chấn chỉnh lại đội ngũ chức quyền của Ban quản lý chợ; đội bảo vệ cũng phải là những vệ sĩ cường tráng và có năng lực, có tư cách đạo đức tốt. Kinh mong quý báo hãy nói lên sự thật giúp người dân chúng tôi thoát khỏi sự hoang mang và cũng có một niềm tin để sau này còn dám buôn bán tại chợ Lớn Quy Nhơn.

Võ Thị Như Thanh (378 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn)

Cần nghiêm trị BQL chợ Lớn Quy Nhơn và những người có liên quan 
 
Việc làm tắc trách, lơ là, vô trách nhiệm và gian lận của BQL chợ Lớn Quy Nhơn cần phải đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật để làm gương cho những trường hợp tương tự đang tồn tại ở các BQL chợ nói riêng và các BQL khác nói chung. Đồng thời cũng làm an lòng một phần cho các hộ kinh doanh có hàng hóa bị thiêu cháy, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với pháp luật, đối với Đảng và Nhà nuớc ta.

Bấy lâu nay, sự lơ là trong công tác quản lý của các BQL là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều thiệt hại nhất cho nhân dân và nhà nước. Hàng năm, rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì nguyên nhân đường xá hư hỏng, thi công chậm, thi công ẩu... đó là lỗi của BQL đường bộ. Hay rất nhiều các công trình thi công bị rút ruột, ăn bớt cũng là lỗi của các BQL. Công tác quản lý ở nhiều nơi còn chưa được coi trọng, chưa được thực hiện hay thực hiện rất kém. Sống nhờ vào thuế và các khoản tiền khác do người dân nộp nhưng không thực thi nghĩa vụ được giao. Như vậy là gian dối và lừa đảo.

Qua công tác quản lý yếu kém, không thực thi nhiệm vụ, chức năng được giao của BQL chợ Lớn Quy Nhơn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước. Vì việc làm yếu kém, vô trách nhiệm và tắc trách của BQL chợ Lớn Quy Nhơn cũng có lỗi không nhỏ của các cơ quan quản lý hành chính ở địa phương. Nếu như các cơ quan có chức năng như UBND, cảnh sát phòng cháy chữa cháy thường xuyên thanh tra, kiểm tra và tập huấn thì làm gì có việc để xảy ra tình trạng yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy của BQL chợ dẫn đến việc để xảy ra cháy chợ. Như thế cũng cần phải xem xét mức độ liên quan của các cá nhân và các cơ quan chức năng địa phương để không lọt người, lọt tội; xử lý nghiêm minh làm gương cho các cá nhân và tổ chức khác; và cũng là để tăng cường công tác quản lý nói chung và công tác phòng cháy chữa cháy nói riêng. Đưa Đất nước tiến vào kỷ nguyên của phát triển, hoàn thiện và phồn vinh.

Lương Xuân Thắng (Học viện Hành chính Quốc Gia TP.HCM)

Bạn đọc phản ảnh:

Thư bạn Trần Minh Tâm (ĐT: 918300222): “Quê tôi ở một vùng nông thôn miền núi thuộc địa bàn xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, là nơi mà lưới điện quốc gia kéo đến muộn nhất ở vùng này. Mọi người dân ở đây vui mừng chưa được bao lâu thì đến nay, theo chủ trương tiết kiệm điện, ban quản lý lưới điện vùng này chọn phương án cắt điện mỗi ngày theo khu vực. Oái ăm thay, người dân nơi đây coi chiếc ti vi là phương tiện cập nhật thông tin xã hội là chủ yếu (vì báo chí rất khan hiếm ở những vùng nông thôn), nhưng cứ mỗi buổi tối, vào những giờ Đài Truyền hình Việt Nam phát tin thời sự (19h đến 20h) thì người dân không có điện để xem tin tức. Thiết nghĩ, thời buổi thông tin như ngày nay, với phương án cắt điện như hiện nay tại vùng này, tôi nghĩ thay vì tiết kiệm điện, vô hình chung lại đưa người dân đến cảnh đói khát thông tin, và tụt hậu dần với cộng đồng. Thông qua Báo Thanh Niên, tôi mong muốn ban quản lý lưới điện vùng này nên xem xét lại phương án này và có biện pháp tốt nhất, không thể vì tiết kiệm điện mà để ảnh hưởng đến nhu cầu chung của người dân".

"Tối 16/12/2006, tôi và bạn gái của tôi vào công viên Thống Nhất đi dạo. Đang ngồi chơi, tôi bỗng nghe thấy tiếng động đằng sau, liền quay lại thì thấy 1 kẻ lạ mặt đang rình rập móc túi tôi, tôi quát lên, hắn liền bỏ chạy. Khi về, ra tới đường tôi chợt nhớ kính của tôi trong túi không còn nữa, liền quay lại tìm. Tìm một lúc không thấy. Bỗng có một thanh niên ra hỏi chúng tôi mất gì. Ngay lúc đó tôi nghĩ rằng đó là 1 tên lừa đảo cố tình hỏi chúng tôi để hắn giở trò thế, nhưng vẫn trả lời: "Bọn em mất cái kính ạ". Người thanh niên ấy liền lấy điện thoại ra soi sáng và tìm hộ chúng tôi, anh rất nhiệt tình mặc dù chúng tôi có lúc đã bảo thôi bỏ. Cuối cùng cũng thấy. Đến lúc ấy thì tôi chắc rằng anh là một nhân viên bảo vệ của công viên. Chúng tôi ra về, sau khi gửi lại anh lời cảm ơn, trong lòng rất vui và cảm động trước sự tận tụy của những người bảo vệ an ninh công cộng".  Kể lại câu chuyện của mình, bạn Nguyen Dung (ĐT: 9035984, Hà Nội) muốn qua Thanh Niên, một lần nữa gửi lời cảm ơn tới những người làm nhiệm vụ ở khu vực nói trên.

Thư bạn Trần Trung (104 Nguyễn Văn Trỗi, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM): “Tôi có một bức xúc về cách làm việc của cảnh sát giao thông. Hàng ngày tôi đi ngang đoạn ngã tư Nguyễn Tri Phương - Trần Hưng Đạo, thấy ngay góc ngã tư hướng Trần Hưng Đạo là đường 1 chiều nên lúc nào cũng có cảnh sát giao thông đứng và thường xuyên xử phạt những người đi ngược chiều. Đó là điều đúng. Nhưng hầu như chỉ phạt những người đi xe máy còn những người đi xe đạp thì chạy vô tư. Phải chăng việc xử phạt chỉ "đánh" vào những người có khả năng nộp phạt. Làm như vậy làm sao bảo đảm tính giáo dục?”. 

Thư bạn Trương Đình Phú (92b17/57 Tôn Thất Thuyết, P.15, Q.4, TP.HCM):  “Tôi muốn phản ánh một sự việc gây rất nhiều phẫn nộ cho những người dân chứng kiến:

Sáng 23/12, trước tòa nhà Diamond Plaza (trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1, TP.HCM), vào khoảng 9h30, một thanh niên bán dạo cầm một xâu bong bóng bay đang đi lại tại khu vực trên đã bị công an và nhân viên trật tự ào tới, tịch thu xâu bong bóng. Theo chúng tôi hiểu thì họ đang thực hiện công việc lập lại trật tự lòng lề đường tại khu vực trên. Mặc dù người thanh niên đã cố gắng năn nỉ, van xin, nhưng những nhân viên này vẫn giành giật xâu bóng trên tay anh ta bỏ lên chiếc xe làm nhiệm vụ. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người và cũng rất nhiều người bất bình, bày tỏ ý kiến không đồng ý về việc tịch thu xâu bóng của người thanh niên với một trong những nhân viên đang làm nhiệm vụ, nhưng vẫn không thay đổi được gì.

Theo những gì tôi tận mắt chứng kiến: người thanh niên kia đang đứng trên lề đường phía tòa nhà Diamond Plaza, cầm trên tay xâu bong bóng - giống như một người vừa mua cả xâu bóng đứng chờ ai đó, không có một hành vi nào chứng tỏ anh ta lấn chiếm lòng lề đường cả để buôn bán cả.  Trong khi phía đối diện là một bãi gữi xe chiếm hết cả lề đường bên hông Nhà văn hóa Thanh Niên thì bình yên vô sự (ngoài bãi xe bên hông NVH Thanh Niên, tôi muốn nói đến bãi xe của một quán ăn ở góc ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du, vào mỗi buổi tối, bãi xe của quán ăn này lấn chiếm luôn toàn bộ lề đường trước mặt, kể cả lề đường phía đối diện, không chừa một khoảng lề nào cho người đi bộ)!

Theo tôi được biết, không có một qui định nào của thành phố, điều khoản nào của pháp luật cấm người buôn bán dạo cả. Chỉ có qui định cấm lấn chiếm lòng lề đường và quy định xử phạt những hành vi lấn chiếm lòng lề đường.  Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là, mọi người đều phải được đối xử công bằng trước pháp luật. Bãi giữ xe của quán ăn chiếm hết vỉa hè, lối đi cho người đi bộ và người bán bong bóng cầm món hàng của mình trên tay (không có xe) - trường hợp nào được coi là hành vi lấn chiếm lòng lề đường?”.

Góp một ý kiến nhằm cải thiện tình hình giao thông đô thị nói chung, bạn THINH NGUYEN <TNSAIGON@GMAIL.COM> có thư: Hiện nay, số lượng người nhập cư từ các tỉnh về thành phố ngày càng đông là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng giao thông phức tạp và thiếu an toàn ở các thành phố lớn. Một lượng lớn thành phần nhập cư vào thành phố hiện đang làm việc ở các khu công nghiệp và các công ty lớn. Tại sao ta không phát động phong trào tuyên truyền và giáo dục về giao thông thông qua những công ty, văn phòng này? Tin rằng những đơn vị này cũng sẽ sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng, qua đó việc giáo dục luật lệ giao thông sẽ có sự tiếp cận toàn diện và sâu rộng hơn tới mọi tầng lớp dân chúng.

Bài viết "Một học sinh bị buộc nộp giấy... xét nghiệm HIV!" đưa tin về trường hợp một cháu bé có mẹ bị chết vì bệnh AIDS đang đứng trước nguy cơ không được đến trường mẫu giáo khi nhà trường yêu cầu người chăm sóc cháu phải trình giấy kết quả xét nghiệm HIV của cháu. Bài viết còn đăng ý kiến của một luật sư và một Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM về vụ việc này. Sau khi đọc bài viết, rất nhiều bạn đọc đã có thư phản hồi gửi về Thanh Niên, trình bày sự nhìn nhận từ nhiều góc độ. Bên cạnh những ý kiến phản đối cách xử lý của nhà trường mẫu giáo như của bạn Nguyễn Thanh Tùng (ở 205/5 Phạm Hùng, P.9, TX Vĩnh Long), bạn Thủy Tiên (ở Phú Nhuận, TP.HCM), thì ngược lại, có người cho rằng đó là một cách làm đúng. Cũng qua trường hợp này, nhiều bạn đọc cho rằng đây là một vấn đề xã hội, Nhà nước cần phải đặt ra những quy định cụ thể hơn nhằm vừa bảo đảm lợi ích cá nhân vừa không xâm phạm đến lợi ích cộng đồng. Dưới đây là những ý kiến tiêu biểu xung quanh vụ việc này:

Thuan Hoa <thuanhoa@yahoo.com>: "Thiết nghĩ việc làm của hai trường mầm non trên cũng để đảm bảo việc ngăn ngừa lây lan HIV sang cho những đứa trẻ khác. Nguời lớn không phân biệt đối xử với nguời nhiễm HIV vì dù sao họ tiếp xúc cũng đã biết đuợc cách ngừa bệnh, còn bọn trẻ thì không. Nếu đứa bé nhiễm HIV hoặc bé khác cắn nhau, đánh nhau chảy máu dẫn đến nhiễm HIV thì ai chịu trách nhiệm? Chúng ta kêu gọi không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhưng cũng cần phải đặt ra những biện pháp phòng ngừa cụ thể trong cộng đồng. Được biết hiện nay số trẻ nhiễm HIV không phải là ít, tại sao có một môi trường chuyên nghiệp hơn để chăm, nuôi dưỡng các em?".

Hoàng <lyhoang1972@>: "Nếu em bé có HIV lây nhiễm cho các em khác trong lớp thì giải quyết như thế nào? Nhà nước có biện pháp, tư vấn cho các trường chưa?".

Kim Hoa <h.ho@iras.uu.nl>: "Là một người mẹ, tôi hiểu và đau lòng về hoàn cảnh của cháu Hiền. Tuy nhiên, tôi thấy sự việc này không đơn giản chỉ là chuyện đúng luật hay không đúng luật. Nếu hiểu một cách chu đáo đường truyền lây của HIV và hiểu được hành vi của các cháu mầm non, sẽ thấy nỗi khổ của các giáo viên và hiệu trưởng khi quyết định cho cháu Hiền đi xét nghiệm. Phải là người đang công tác tại các trường mầm non hay có con cháu theo học ở đây, mới biết rõ được đây là một môi trường có nguy cơ lan truyền bệnh truyền nhiễm rất cao. Các cháu có thể truyền các mầm bệnh truyền nhiễm cho nhau qua việc dùng nhầm bàn chải đánh răng (chuyện này không thể nào tránh được), chạy nhảy té chảy máu, cắn nhau, ngắt nhau, cào cấu nhau đến chảy máu, v..v. Đây là một lý do chúng ta cho các cháu tiêm chủng viêm gan siêu vi B, 1 bệnh có đường lan truyền như HIV.

Tôi cho rằng một trong 2 cô hiệu trưởng đã rất có lý khi lo lắng: sẽ rất ân hận nếu có 1 cháu khác bị truyền lây bệnh. Tôi đang tự hỏi nếu tôi là giáo viên ở trường, tôi sẽ làm gì? Cho cháu nghỉ học cũng đau lòng. Dặn các giáo viên để ý đề phòng cháu cắn bạn hay bạn cắn cháu, hay để ý bảo đảm cháu sử dụng bàn chảy đánh răng riêng cũng là hành vi đối xử phân biệt. Để cháu vui chơi chạy nhảy cùng các cháu khác thì lo lắng, không yên tâm. Chúng ta quan tâm lo lắng cho Hiền, thì chúng ta cũng có trách nhiệm quan tâm cho các cháu khác.

Theo tôi, nên cho cháu Hiền đi xét nghiệm máu. Kết quả sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhìn nhận và giải quyết vần đề hợp lý. Nếu cháu không mắc bệnh, tất cả mọi người sẽ được giải tỏa tâm lý và cháu Hiền sẽ không bị nghi kỵ. Nếu cháu mắc bệnh, cháu sẽ được giúp đỡ kịp thời".

Nguyen Thi Kim Loan (201/15 Nguyễn Đình Chính, TP.HCM): "Tôi thấy rằng chúng ta phải tìm giải pháp khả thi để các bé được đến trường. Tuy nhiên tôi cũng hoàn toàn thông cảm với 2 trường mà người nuôi dưỡng bé Hiền gửi bé vào học. Vì các lý do mà trường đưa ra rất hợp lý. Có nhất thiết phải cho bé Hiền học cùng với các bé khác không khi mà nguy cơ lây nhiễm cho các bé khác là có thể xảy ra? Nên chăng cho các bé học ở trường đặc biệt. Như vậy những bậc cha mẹ mới yên tâm gửi con mình vào trường được. Làm sao phụ huynh có thể yên tâm khi con mình học cùng với bạn bị nhiễm HIV. Các cháu còn quá nhỏ để biết cách phòng tránh cho mình...".

Bạn đọc <muondoitaon@gmail.com>: "Nếu đã nói đến luật, ngoài các điều quy định bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV, thì cũng quy định về nghĩa vụ của người bị nhiễm HIV (điều 4, mục 2): "Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây: a- Thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV sang người khác". Trường hợp cháu Hiền, mới 3 tuổi làm sao thực hiện luật này, làm sao cháu có thể chắc chắn rằng mình không để lây lan cho các bạn khác trong khi chính cháu không hề biết biện pháp nào để tránh. Như vậy chẳng phải chính những người có trách nhiệm nuôi cháu Hiền phải thực hiện quy định của pháp luật? Tôi cũng là một phụ huynh, tôi cũng sẽ sợ con mình sống chung với đứa trẻ nhiễm HIV khi chúng còn quá nhỏ để biết tự bảo vệ mình. Thiết nghĩ Nhà nước nên có 1 hay nhiều trường nuôi các cháu đặc biệt này".

Tâm <hoaitam@rhvietnam.com>: Tôi rất ủng hộ quan điểm là chúng ta không được phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là trường hợp của cháu Hiền - một trẻ thơ vô tội!  Tuy nhiên, phải xét trong bối cảnh là nếu không xác định cụ thể là cháu có bị nhiễm HIV hay không (khi mà mẹ cháu đã qua đời vì AIDS) thì rất khó có cách bảo vệ thích hợp cho chính bản thân cháu và các bạn cùng học chung với cháu. Tôi nghĩ, chúng ta nên đặt mình vào hoàn cảnh của các cô giáo ở trường mầm non, đặc biệt là phụ huynh có con em đang theo học cùng với cháu Hiền. Họ không thể yêu cầu (hoặc áp dụng) cách chăm sóc đặc biệt nếu cháu Hiền "may mắn" không mắc HIV; và cũng không thể thật sự yên tâm để con em mình nô đùa cùng cháu vì bất kỳ sự vô tình hoặc rủi ro nào cũng dẫn đến việc lây nhiễm cho các cháu khác (trẻ em vô thức, không có khả năng kiểm soát hành vi như người lớn).
 
Nguyễn Nam Sơn (Q.Bình Tân, TP.HCM): Khi đọc bài viết, tôi không khỏi băn khoăn về tình huống éo le này. Thử đặt mình vào vị trí của các bên liên quan tôi có suy nghĩ như sau: Tôi rất cảm thông và chia sẻ tình cảm dành cho cháu Hiền của người nhận nuôi cháu. Cháu thật đáng thương và chúng ta mỗi công dân trong xã hội đều phải có trách nhiệm với những hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi cám ơn chị Tâm đã mở rộng vòng tay cưu mang và đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cháu bé.

Về phía nhà trường, tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm của 2 vị hiệu trưởng. Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm. Nếu tình huống không may kia xảy ra (hoàn toàn có khả năng) thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, và trách nhiệm được xét như thế nào (vô ý gây hậu quả, hay biết mà không có biện pháp phòng ngừa dẫn đến hậu quả)?

Về phía phụ huynh của các học sinh khác học chung trường, họ làm sao có thể yên tâm sống và lao động khi nguy cơ tiềm ẩn luôn rình rập bên cạnh con em mình. Nói thật lòng, nếu là tôi, tôi cũng sẽ xin chuyển con mình sang nơi khác.

Tôi cũng không đồng ý với cách trả lời khô khan của 2 vị chức trách. Cách đưa ra ý kiến kiểu này chỉ đảm bảo rằng: ý kiến của lãnh đạo luôn đúng luật mà thôi. Xin thưa: quý vị đang thiếu cái tình (Tình ở đây không chỉ dành riêng cho một cá nhân nào, không là tình cảm mù quáng. Mà là cái tình chung cho tất cả mọi người, những người không may mắn và những người chưa gặp rủi ro).

Thiết nghĩ nhà nước nên có một môi trường tốt dành riêng cho các hoàn cảnh như trên (số cháu bé gặp hoàn cảnh này cũng nhiều), cho đến khi các cháu có ý thức sẽ tiếp tục hòa nhập vào cuộc sống".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.