Hé lộ kịch bản chiến tranh với Trung Quốc của Mỹ

02/08/2012 16:55 GMT+7

(TNO) Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi chuyển trọng tâm sang châu Á vào đầu năm nay, Andrew Marshall, một chuyên gia dự báo 91 tuổi đã nhìn thấy được nước Mỹ cần phải chuẩn bị những gì cho tương lai.

Văn phòng nhỏ của Marshall tại Lầu Năm Góc đã dành hai thập kỷ để lên kế hoạch cho một cuộc chiến chống lại một nước Trung Quốc đầy giận dữ và hung hăng.

"Không hải chiến"

Không ai có ý tưởng về việc chiến tranh sẽ bắt đầu như thế nào song phản ứng của người Mỹ là rất rõ ràng. Nó được đưa ra trong khái niệm mệnh danh là “Không hải chiến”.

Các máy bay ném bom và tàu ngầm tàng hình của Mỹ sẽ tiêu diệt các radar do thám tầm xa và hệ thống tên lửa chính xác đặt sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. “Chiến dịch làm mù mắt” sẽ được nối tiếp bởi một cuộc tấn công hải quân và không quân lớn hơn.

Hé lộ kịch bản chiến tranh với Trung Quốc của Mỹ
 Tàu ngầm tấn công là vũ khí chiến lược trong "Không hải chiến" - Ảnh: Reuters

Là một cựu chiến lược gia hạt nhân, Marshall đã điều hành Phòng Đánh giá Mạng lưới của Lầu Năm Góc trong 40 năm qua, tìm kiếm những mối đe dọa tiềm tàng với sự thống trị của Mỹ.

Trong quá trình đó, ông đã xây dựng một mạng lưới các đồng minh tại Quốc hội, ngành công nghiệp quốc phòng, các tổ chức nghiên cứu và tại Lầu Năm Góc.

Trong khi những người ủng hộ Marshall ca ngợi văn phòng của ông là nơi các quan chức đưa ra những tầm nhìn xa, những người chỉ trích xem đó là xu hướng gieo rắc hoang mang nguy hiểm vốn phóng đại mối đe dọa để tăng cao chi phí quốc phòng.

Marshall đã bác bỏ những chỉ trích rằng văn phòng của ông tập trung quá nhiều về Trung Quốc như là kẻ thù tương lai, nói rằng công việc của Lầu Năm Góc là cân nhắc những kịch bản xấu nhất.

Các quan chức của Lầu Năm Góc nói khái niệm chỉ tập trung vào việc đánh bại các hệ thống tên lửa chính xác.

“Nó không nhắm đến một phía cụ thể nào. Nó không nhắm đến một chế độ cụ thể nào”, một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nói vào năm ngoái.

Tuy nhiên, các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc đã kín đáo thừa nhận rằng mục tiêu của “Không hải chiến” là giúp Mỹ vượt qua một cuộc tấn công ban đầu của Trung Quốc và phản công nhằm tiêu diệt hệ thống radar và tên lửa tinh vi mà Bắc Kinh xây dựng nhằm buộc tàu Mỹ tránh xa bờ biển nước này.

Các lo ngại của họ đã được "đổ thêm dầu vào lửa" trước sự gia tăng ngân sách quốc phòng đều đặn của Trung Quốc và thái độ ngày càng hung hăng của nước này tại biển Đông.

“Chúng tôi muốn các nhà hoạch định quân sự của Trung Quốc có đủ sự mơ hồ để không muốn động đến chúng tôi. Tác dụng của “Không hải chiến” là thuyết phục người Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này”, một sĩ quan hải quân cao cấp của Mỹ nói với tờ Washington Post.

Để sống sót, các chỉ huy quân đồng minh sẽ sơ tán các máy bay đến những sân bay tại hai hòn đảo Tinian và Palau ở Thái Bình Dương. Họ xây các hầm chống bom để chứa máy bay và mang theo những bộ dụng cụ sửa chữa đường băng cấp tốc để sửa những sân bay bị hư hỏng. Sau đó, các máy bay tàng hình và tàu ngầm sẽ phản công.

“Không hải chiến” phôi thai từ niềm tin mãnh liệt của Marshall từ thập niên 1980 rằng tiến bộ công nghệ sắp sửa mở ra một kỷ nguyên chiến tranh mới

Công nghệ thông tin mới cho phép các lực lượng quân sự khai hỏa trong vòng vài giây sau khi tìm thấy kẻ thù. Những quả bom chính xác bảo đảm rằng Mỹ có thể đánh trúng gần như tất cả các mục tiêu. Những tiến bộ đó có thể mang lại cho các quả bom quy ước sức hủy diệt gần như là một vũ khí hạt nhân nhỏ, theo phỏng đoán của Marshall.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Theo tờ Washington Post, khái niệm “Không hải chiến” mà chi tiết được xếp vào loại mật đã khiến quân đội Trung Quốc giận dữ và bị một số sĩ quan lục quân và lính thủy đánh bộ dè bĩu là đắt giá quá mức. Một số chuyên gia châu Á lo ngại các cuộc tấn công quy ước nhắm vào Trung Quốc sẽ gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

“Không hải chiến” ít được chú ý khi binh sĩ Mỹ chiến đấu và tử trận tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, khi thập kỷ chiến đấu chống nổi dậy chuẩn bị kết thúc, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, các quan chức quân đội hàng đầu đã quay lại với văn phòng của Marshall để tìm ý tưởng.

Trong những tháng gần đây, không quân và hải quân Mỹ đã nêu ra hơn 200 sáng kiến cần thiết để hiện thực hóa “Không hải chiến”. Các yêu cầu xuất phát từ những cuộc tập trận giả mà văn phòng của Marshall thực hiện bao gồm vũ khí mới và những đề xuất về sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hải quân và không quân.

Phần lớn những công trình mà Marshall viết trong bốn thập kỷ qua được giữ bí mật. Ông gần như chưa bao giờ công khai nói về chúng và thậm chí nổi tiếng với việc kín tiếng ngay cả trong những cuộc họp kín. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đấu tranh để giữ bí mật về “Không hải chiến”.

Tuy nhiên, một trong những tổ chức thực hiện nghiên cứu cho văn phòng của Marshall là Trung tâm phân tích chiến lược và ngân sách (CSBA) lại không có được sự kiềm chế đó.

Vào năm 2010, CSBA đã xuất bản một nghiên cứu dài 125 trang vạch ra cách khái niệm “Không hải chiến” được sử dụng để chiến đấu chống Trung Quốc. Nghiên cứu chứa ít chi tiết hơn so với phiên bản bí mật của Lầu Năm Góc song những đồng minh tại châu Á vì thất vọng với sự im lặng của Lầu Năm Góc đã quay sang CSBA để tìm câu trả lời.

Không lâu sau đó, các quan chức Mỹ bắt đầu nghe những phàn nàn. “PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) đã nổi đóa”, một quan chức vừa mới trở về từ Bắc Kinh nói với tờ Washington Post.

Mặc dù được nói rằng “Không hải chiến” không nhắm đến Trung Quốc, một viên tướng của PLA đã trả lời rằng báo cáo của CSBA nhắc đến PLA 190 lần, theo quan chức này. (Số lần nhắc đến thực tế là gần 400, theo tờ Washington Post).

Các quan chức cao cấp của quân đội Trung Quốc cảnh báo rằng nỗ lực mới của Lầu Năm Góc có thể khai mào cho một cuộc chạy đua vũ trang.

“Nếu Mỹ phát triển “Không hải chiến” để đối phó với PLA, PLA sẽ buộc phải phát triển kế hoạch chống “Không hải chiến”", đại tá Phàn Cao Nguyệt thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc phát biểu trong một cuộc tranh luận do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tài trợ vào năm ngoái.

Một số người chỉ trích nghi ngờ rằng Trung Quốc, một chủ nợ lớn và phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Mỹ, sẽ tấn công lực lượng Mỹ.

Các nhà phân tích quốc phòng khác cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ thảm khốc và có thể nhanh chóng leo thang thành ngày tận thế hạt nhân.

Bên trong Lầu Năm Góc, lục quân và lực lượng lính thủy đánh bộ đã phát động cuộc tấn công chống lại khái niệm “Không hải chiến”, vốn có thể khiến chi phí dành cho chiến đấu trên bộ bị cắt giảm.

Một báo cáo nội bộ chuẩn bị cho tư lệnh lính thủy đánh bộ mà tờ Washington Post có được đã cảnh báo rằng “Không hải chiến tập trung vào không quân và hải quân sẽ đắt giá một cách phi lý” và sẽ mang lại “sự tàn phá kinh tế và con người không thể tính toán được” nếu được sử dụng trong một cuộc chiến lớn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, khái niệm này trùng với nỗ lực của ông Obama nhằm chuyển trọng tâm sang châu Á và cung cấp cơ sở để duy trì một số chương trình vũ khí tinh vi nhất của Lầu Năm Góc. Nhiều chương trình có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Quốc hội.

Hai Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman và John Cornyn đã dựa vào đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng 2012 điều khoản yêu cầu Lầu Năm Góc phải báo cáo chi tiết trong năm nay về kế hoạch thực thi khái niệm “Không hải chiến”.

Đạo luật yêu cầu Lầu Năm Góc phải giải thích các hệ thống họ cần có để thực hiện “Không hải chiến”, lộ trình thực hiện và chi phí ước lượng kèm theo.

Sơn Duân

>> 23.000 tàu cá Trung Quốc sẽ đổ xuống biển Đông
>> Trung Quốc cảnh báo “nguy cơ chưa từng thấy từ bên ngoài”
>> Hàn Quốc, Trung Quốc lập đường dây nóng quốc phòng
>> Chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc bị lên án
>> Nhật lo ngại giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc
>> Nhật cảnh báo về hải quân Trung Quốc
>> Mỹ tính điều thêm oanh tạc cơ, tàu ngầm đến Thái Bình Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.