Chúng ta có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc

21/12/2009 15:29 GMT+7

“Quan điểm của Việt Nam là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, mà giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Điều này không có nghĩa chúng ta không có đủ sức mạnh vũ trang cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Chính sức mạnh vũ trang đủ mạnh cũng là một sự răn đe đối với mọi kẻ xâm lược, có tác dụng ngăn ngừa chiến tranh”.

Đại tá Lê Kim Dũng (- trưởng Ban quốc tế Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng, thành viên tham gia soạn thảo Sách trắng quốc phòng 2009) nói như trên trong cuộc gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ trước thềm lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN (22-12). Đại tá Lê Kim Dũng cho biết:

- Những năm gần đây, tình hình an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, song hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế lớn. Tuy ít có nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới, chiến tranh sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang giữa các quốc gia hay trong một quốc gia do mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; hoạt động khủng bố, can thiệp, lật đổ, ly khai, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và các quyền lợi quốc gia khác có chiều hướng gia tăng, tác động mạnh tới hòa bình, an ninh của các dân tộc. 

Tình hình trên tạo nên sự đan xen giữa thời cơ và thách thức đối với quốc phòng Việt Nam. Những thuận lợi đối với quốc phòng Việt Nam có thể kể đến là: thứ nhất, xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển là thời cơ rất lớn, vì trong một thế giới hòa bình thì bất cứ thế lực hiếu chiến, xâm lược nào cũng bị cô lập; thứ hai, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang đi vào chiều sâu làm cho các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Bất cứ một hành động đe dọa, xâm lược nào cũng tạo nguy cơ đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia của các nước có liên quan. Do vậy, khi nước ta hội nhập sâu vào khu vực và thế giới thì quốc phòng nước ta càng được tăng cường. Bên cạnh cơ hội, Sách trắng quốc phòng chúng ta vừa công bố cũng đã nêu rõ các thách thức đối với quốc phòng Việt Nam.

Điều cần nhấn mạnh là thời cơ và thách thức đối với quốc phòng Việt Nam đan xen và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu chúng ta có giải pháp đúng thì có thể biến nguy thành an, biến thách thức thành cơ hội để phát triển.

Chiến sĩ đảo Song Tử Tây (Trường Sa). Ảnh V.T.B
Chiến sĩ đảo Song Tử Tây (Trường Sa) - Ảnh V.T.B

Bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển Đông

* Cho dù “phức tạp trên biển Đông sẽ không dẫn đến một cuộc xung đột quân sự ở khu vực” như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tại cuộc họp báo công bố Sách trắng, tuy nhiên những tranh chấp về chủ quyền vẫn đang hiện hữu ở đây. Ông nghĩ sao về các giải pháp cho vấn đề này?

- Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là một vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực. Vì vậy không thể giải quyết vấn đề này trong một thời gian ngắn. Hiện nay có nhiều giải pháp mà chúng ta có thể lựa chọn như tiến hành thương lượng hòa bình, đưa vấn đề ra tòa án quốc tế... Mỗi giải pháp có những thuận lợi và khó khăn riêng. Vì vậy chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng nhưng không thể thiếu quyết tâm chính trị.

Để đạt được mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, chúng ta phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tích cực, chủ động tìm ra các biện pháp, giải pháp thích hợp, hiệu quả để đạt được mục tiêu mà vẫn giữ vững được hòa bình, ổn định trong khu vực.

* Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị Nhà nước tăng cường đầu tư cho quốc phòng để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam làm nghề cá trên biển Đông?

- Hiện nay vấn đề bảo vệ chủ quyền trên biển Đông đang thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Việc có đại biểu Quốc hội đề nghị như trên là có thể hiểu được. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại của nhiều người trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông vừa qua. Đây là một điều bình thường.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng không phải trong những năm qua chúng ta chưa chú ý đúng mức đến việc tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước đã dành một khoản ngân sách cần thiết để củng cố quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang. Cho đến nay sức mạnh của lực lượng vũ trang đã được nâng cao, từng bước đáp ứng các yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Hơn nữa, chúng ta không phải chỉ dựa vào sức mạnh của quân đội để bảo vệ Tổ quốc, đây là sự nghiệp của toàn dân và phải dựa trên sức mạnh tổng hợp của toàn dân và toàn quân. Mặt khác, chúng ta tăng cường quốc phòng không phải chỉ để bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Việc bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam làm nghề cá trên biển Đông chỉ là một trong những nhiệm vụ của quốc phòng Việt Nam hiện nay. Thực hiện nhiệm vụ này nằm trong tổng thể chung của quốc phòng Việt Nam.

Do vậy, việc tăng cường đầu tư cho quốc phòng cần được tính toán để đạt được hiệu quả cao nhất, bảo đảm cho quân đội nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

* Đối với vấn đề biển Đông, việc đẩy mạnh hợp tác, đoàn kết trong khu vực ASEAN hẳn có ý nghĩa quan trọng?

- ASEAN có vai trò quan trọng trong việc hình thành Tuyên bố ứng xử biển Đông (DOC) và quá trình hình thành Bộ luật ứng xử biển Đông (COC). Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng ASEAN không chỉ nhằm giải quyết vấn đề biển Đông mà nằm trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN đến năm 2015 với ba trụ cột, gồm: cộng đồng kinh tế, cộng đồng chính trị - an ninh và cộng đồng văn hóa - xã hội.

Trong chính trị-an ninh có hợp tác quốc phòng, như việc tổ chức Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, hội nghị này được tiến hành hằng năm do nước chủ tịch ASEAN tổ chức. Năm 2009, hội nghị này được tổ chức tại Thái Lan, sang năm 2010 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN thì sẽ là nước tổ chức hội nghị.

Tất nhiên còn có nhiều hình thức hợp tác ở các cấp khác nhau. Hiện nay trong ASEAN, chúng ta đã có các hoạt động hợp tác cụ thể như: tiến hành tuần tra chung với Thái Lan, Campuchia; có đường dây nóng hải quân với Philippines. Chúng ta cũng tham gia một số hoạt động giảm nhẹ thiên tai, hợp tác về biên phòng...

Tính chất hòa bình trong chính sách quốc phòng

* Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại tướng Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã công du nhiều nước và đạt được các thỏa thuận quan trọng. Trên lĩnh vực quốc phòng có việc thỏa thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự với sự trợ giúp phù hợp của Nga. Theo báo chí quốc tế, Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc việc bán các vũ khí không gây sát thương cho VN, có thể là máy bay tuần tra và rađa bờ biển…?

- Quan hệ quốc phòng bình thường với các cường quốc, trong đó có Nga và Hoa Kỳ là chủ trương của Việt Nam. Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu.

Về phía quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, quân đội hai nước đã đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vừa qua nhằm thảo luận những biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác đã và đang triển khai trong lĩnh vực quốc phòng. Chuyến thăm đã khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước cũng như của quân đội Việt Nam trên trường quốc tế, không những góp phần tăng cường hiểu biết trên lĩnh vực quốc phòng mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Có ý kiến cho là Việt Nam đang quan tâm đến việc mua vũ khí của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đó không phải là ưu tiên đặt ra trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ. Những lĩnh vực hai nước quan tâm hợp tác là trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo học viên trên cơ sở phù hợp với chính sách và an ninh quốc gia của mỗi nước, cũng như một số vấn đề khác liên quan đến tìm kiếm những người còn bị mất tích của cả hai nước, giải quyết hậu quả của chiến tranh như tẩy rửa chất độc hóa học, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và xử lý bom mìn còn sót lại, hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển…

* Liệu có thể xem xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển cũng là một thời cơ để chúng ta hiện đại hóa quân đội?

- Hòa bình, hợp tác là điều kiện tốt để phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó có việc tăng cường và củng cố quốc phòng. Tuy nhiên, chúng ta không coi hòa bình, hợp tác cùng phát triển cũng là một thời cơ để hiện đại hóa quân đội vì Việt Nam chủ trương không chạy đua vũ trang. Chúng ta chủ trương xây dựng quân đội “của dân, do dân, vì dân”, có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị hùng hậu, được huấn luyện và trang bị các loại vũ khí ngày càng hiện đại, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia và chế độ dân chủ nhân dân.

Cũng cần khẳng định rằng bảo vệ được chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia khác mà không cần phải tiến hành chiến tranh là chiến lược quốc phòng tối ưu của nước ta. Đây cũng là thể hiện rõ nét tính chất hòa bình, tự vệ trong chính sách quốc phòng Việt Nam. Vì vậy trong thời bình cần phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả đất nước để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Ngân sách quốc phòng chiếm 1,8% GDP

Sách trắng quốc phòng Việt Nam 2009 với ba phần chính và 11 phụ lục thể hiện các quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng, tính chất đặc thù trong nghệ thuật quân sự và chính sách quốc phòng Việt Nam. Đây là tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam được công bố lần thứ ba nhằm cung cấp thông tin chủ yếu về các vấn đề cơ bản của quốc phòng Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Trong Sách trắng lần này, nhiều thông tin mới được công bố như ngân sách quốc phòng (ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm 2008 chiếm 1,8% GDP, khoảng 27.000 tỉ đồng), tổng quân số thường trực hiện nay là 450.000 người... Các thông tin về cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, các quân, binh chủng... được cung cấp đầy đủ và hệ thống hóa. Những thay đổi lớn về quốc phòng trong năm năm qua được nêu trong Sách trắng như thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên; Luật sĩ quan sửa đổi năm 2008; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự 18 tháng...

(Nguồn: Tài liệu công bố Sách trắng 2009 của Bộ Quốc phòng)

Theo Võ Văn Thành / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.