Đặt hàng cho nông dân...

26/06/2013 10:40 GMT+7

Trong sản xuất nông nghiệp, qua rồi cái thời mạnh ai nấy làm, lời ăn lỗ chịu. Hợp tác giữa doanh nghiệp với những người nông dân ở Quảng Trị đã mở ra một hướng đi mới cho nhà nông.

Một ngày đầu tháng 6, tôi đến vườn rau xanh rì ở Khu phố 8 (P.Đông Thanh, TP.Đông Hà). Ở đây, trồng khá nhiều loại rau quả: cải xanh, mướp, bù... Khuôn viên trồng cũng có dáng dấp là lạ so với những vườn rau thường thấy với nhà ươm, hệ thống phun nước tự động, hố ủ hoai phân tươi. Thấy vẻ tò mò của khách, ông Hồ Tất Trị, Bí thư chi bộ khu phố cười hào sảng rồi nói: “Khu vườn này được trồng theo phương thức trồng rau an toàn, đạt tiêu chuẩn của VietGAP (quy chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) đấy. Kiểu gì cũng phải đảm bảo được đất sạch, nước sạch, phân sạch...”. Vậy mà theo ông Trị, trước đây dù tươi ngon nhưng việc xuất bán luôn là một nỗi lo cho nông dân, mất mùa khổ đã đành, được mùa cũng bị tư thương ép giá. “Cho đến cuối năm 2012, người của Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đến đặt vấn đề. Họ nói sẽ lo đầu ra cho toàn bộ sản phẩm nhưng đặt điều kiện là rau quả phải thật sự sạch. Chi chớ cái ni thì nông dân tui làm được, làm ngon nữa là đằng khác”, ông Trị nói. Chung niềm vui như ông Trị, lão nông Đoàn Văn Quang (thôn Hảo Sơn, xã Gio An, H.Gio Linh) cũng vừa lội giếng cổ vừa toe toét: “Rau liệt (xà lách song) ở tỉnh này chỉ có làng tôi mới trồng được và ngon. Giờ có người lo đầu ra, còn chi phải đắn đo nữa, cứ trồng và chờ ngày nhận tiền”.

Đặt hàng cho nông dân...
Cửa hàng rau sạch này dù mở chưa lâu nhưng đã bắt đầu làm thay đổi thói quen chợ búa của nhiều người - Ảnh: Nguyễn Phúc

Còn theo ông Đỗ Tiến Dương (Phó giám đốc Nhà máy chế biến nông sản, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị) thì đây là mô hình nhà máy vừa bắt đầu thực hiện chưa lâu nhưng hiệu quả thì thấy rõ. Hiện có 4 vùng nguyên liệu rau sạch mà nhà máy hướng đến, “đặt hàng” cho nông dân ngoài thôn Hảo Sơn và Khu phố 8 (P.Đông Thanh) còn có thêm 2 thôn của xã Triệu Thuận (H.Triệu Phong) và xã Cam Tuyền (H.Cam Lộ). “Chúng tôi đã chọn những vùng trồng rau có tiếng của tỉnh để phát triển. Hằng ngày, sau khi nhập hàng lên nhà máy, chúng tôi sẽ cho xử lý, sục ozon trước khi đóng gói, xuất ra thị trường qua 2 cửa hàng chuyên bán rau sạch của công ty”, ông Dương nói. Cũng theo ông Dương, hiện nay dù quy mô thực hiện đang còn nhỏ (mỗi ngày xuất vài chục kg rau quả xanh ra thị trường) nhưng với những tín hiệu khả quan, tương lai công ty sẽ còn phát triển thêm.

Sự “bắt tay” của nông dân và doanh nghiệp này không những có lợi cho cả hai mà còn làm lợi, mang lại niềm tin ở người tiêu dùng. Bởi nói như chị Viết Thanh, một khách hàng thường xuyên của cửa hàng rau sạch thì: “Ngày nay, ăn cái chi cũng sợ, kể cả rau quả. Vậy nên tôi sẳn sàng thay đổi thói quen chợ búa của mình để mua được những thứ rau quả tươi ngon, sạch sẽ nhất”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.