Hiểu sai về tình trạng mất nước

23/07/2013 03:00 GMT+7

Mọi tế bào trong cơ thể con người đều cần nước để vận hành bình thường. Không chỉ hỗ trợ tiêu hóa, chất lỏng còn cần để duy trì thân nhiệt và bảo vệ các cơ quan nội tạng.

Nếu nhu cầu chất lỏng không được đáp ứng, khi đó cơ thể sẽ bị mất nước. Sau đây là một số nhận định không đúng về tình trạng mất nước.

Vô hại. Một số người có thể chỉ trải qua những triệu chứng nhẹ của tình trạng mất nước như chóng mặt, lượng nước tiểu hoặc mồ hôi giảm đi... Nhưng mất nước có thể trở nên gay gắt và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như suy thận, phù não và tử vong. Tình trạng mất nước không thể bị xem nhẹ, đặc biệt nếu nó xảy ra ở trẻ em.

Cảm thấy khát có nghĩa bị mất nước. Không luôn luôn như vậy. Khát có nghĩa cơ thể cần chất lỏng, nhưng điều này không có nghĩa là bạn bị mất nước. Thậm chí, uống nước khi bạn khát cũng chưa chắc là cách đảm bảo cơ thể bạn có đủ nước. Cơ thể chúng ta đủ mạnh để chịu khát trong tình thế bắt buộc. Nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp cảm giác khát ở bạn. Nên uống nước ngay trước khi cơ thể cho thấy những triệu chứng của tình trạng “khô héo” thật sự.

Ai cũng cần uống 8 ly nước mỗi ngày. Quy luật chung này đã lỗi thời và thường được các công ty kinh doanh nước đóng chai sử dụng để quảng cáo sản phẩm. Viện Y khoa Mỹ khuyến nghị uống 3 lít chất lỏng mỗi ngày đối với đàn ông và 2,2 lít đối với phụ nữ. Chất lỏng ở đây không bắt buộc phải là nước. Nước có thể được hấp thu từ rau quả hay những thực phẩm. Vì vậy, lượng chất lỏng không nên được tính bằng ly. Chưa kể, mỗi người có nhu cầu chất lỏng hằng ngày không giống nhau.

Nước tiểu trong là tốt. Quan sát nước tiểu là cách dễ dàng nhất để biết cơ thể bạn có bị mất nước hay không. Nhưng bạn nên nhớ rằng, nước tiểu không trong mà có màu vàng tái. Ngoài ra, một số viên bổ sung và thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến màu của nước tiểu.

Không có khái niệm “uống quá nhiều nước”

Tương tự mất nước, nếu uống quá nhiều nước cũng gây nguy hiểm cho cơ thể. Nhưng đây là tình trạng không phổ biến. Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là giãn natri huyết - xảy ra khi natri trong cơ thể bị loãng đi và khiến các tế bào trương nở. Một số triệu chứng bao gồm buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, cảm thấy yếu sức, thậm chí hôn mê.

Tập thể dục cần nước giải khát thể thao. Nếu tập thể dục chưa đến 1 tiếng đồng hồ, bạn không cần đến nó. Bạn sẽ không làm cạn kiệt “kho dự trữ” chất điện giải và glycogen trừ phi bạn tập nặng trong hơn 1 tiếng. Nếu bạn là một vận động viên, hãy pha đường với natri để duy trì lượng chất lỏng trong cơ thể và tránh mất nước. Cũng đừng uống quá thường xuyên những loại nước giải khát thể thao do chúng chứa những chất phụ gia có thể gây hại cho sức khỏe.

Cà phê. Chỉ có thể nói cà phê làm mất nước nếu bạn uống quá nhiều cữ trong ngày. Chất caffeine trong cà phê làm cho cơ thể dễ dàng khiến chất lỏng “biến mất” và hậu quả là bạn bị mất nước. Nghiên cứu cho thấy hấp thu 500 mg caffeine mỗi ngày (tương đương với 5 tách cà phê) có thể làm tăng nguy cơ mất nước.

Quyên Quân

>> 2,4 tỉ người thiếu nước sạch
>> Triền miên thiếu nước sạch
>> Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
>> Hàng ngàn hộ dân thiếu nước vì thủy điện
>> Kiên Giang thiếu nước ngọt nghiêm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.