Dustin Nguyễn: Quê hương cho tôi nhiều cơ hội

13/12/2008 20:04 GMT+7

Ngồi đối diện với tôi trong một chiều cuối năm ở Sài Gòn không phải là một Dustin Nguyễn từng đóng phim chung với Johnny Depp, Cate Blanchett... ở kinh đô điện ảnh Hollywood, mà là một người đàn ông trung niên đầy tình cảm với quê hương.

Mặc chiếc áo thun đen, quần jeans giản dị, Dustin Nguyễn say sưa kể về cảm xúc của tháng năm xa xưa, ngày mà ký ức anh còn ghi nhận đậm nét nơi sinh ra, lớn lên đến tận năm 11 tuổi.

* Xa Việt Nam từ ngày còn bé, điều gì làm anh nhớ mãi Việt Nam?

- Tôi sinh ra gần Bưu điện quận 5, TP.HCM bây giờ. Mẹ là diễn viên múa Mỹ Lệ, còn bố là danh hài Xuân Phát, cùng thế hệ với Phi Thoàn, Tùng Lâm, Thanh Việt... Ký ức về quê hương trong tim tôi là một bức tranh lãng mạn. Có thể nhờ đó mà tôi theo đuổi được con đường nghệ thuật sau này bởi nghệ sĩ mà thiếu tính lãng mạn thì khó lòng theo nghề. Tôi nhớ cứ mỗi chiều thứ bảy cuối tuần, bố mẹ hay cho hai anh em tôi đi ăn phở ốc sa-tế trong khu Chợ Lớn. Hơn 30 năm bôn ba hải ngoại, tôi nhớ như in cảm giác, hương vị của tô phở đó, thứ mà không nơi nào có được ngoài quê hương mình. Tình yêu đất nước với tôi đến từ những cái đơn giản, bình dị như thế chứ không phải là những gì to tát, lớn lao.

Dustin Nguyễn tên thật là Nguyễn Xuân Trí, sinh năm 1962 tại Chợ Lớn (nay thuộc Q.5, TP.HCM). Năm 1975 Dustin theo gia đình định cư tại Kirkwood, bang Missouri (Mỹ).

Tốt nghiệp trung học, Dustin thi đậu vào Đại học Orange Coast với ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh. Nhưng rồi tình cờ, qua một người bạn Dustin có dịp thử sức với nghệ thuật bằng hàng loạt vai diễn cả trên truyền hình lẫn điện ảnh Mỹ.

* Cơ duyên nào đưa anh đến với điện ảnh? Gia đình có khuyến khích anh theo đuổi nghề này?

- Từ nhỏ điện ảnh là thứ tôi đam mê. Ngày xưa, sau màn thưởng thức phở ốc sa-tế, hai anh em tôi được bố mẹ thưởng cho “món” thứ hai. Đó là vào rạp xem phim võ thuật. Tôi mê lắm những cái tên như Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Địch Long, Vương Vũ, Trần Quang Thái..., không phim nào có các ngôi sao này mà tôi bỏ qua. Qua Mỹ, tôi tiếp tục biến ước mơ của mình thành hiện thực khi theo học ngành điện ảnh. Tuy nhiên tôi không hề nghĩ mình trở thành diễn viên vì tính tôi nhút nhát từ bé, chỉ mơ làm đạo diễn là đã “ngất ngây” rồi. Thật tình cờ, năm 1985, một người bạn giới thiệu tôi đến casting phim truyền hình Magnum P.I. Năm 1986, tôi may mắn được cộng tác thêm sê-ri phim truyền hình khác. 1 năm sau, tôi tiếp tục được mời vào đóng chung với diễn viên Johnny Depp, lúc đó cũng là một chàng thanh niên yêu điện ảnh cuồng dại như tôi. Đến giờ tôi và Johnny vẫn nhớ nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi là bạn bè, lại trạc tuổi nên dễ cảm thông với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Có khi quá bận rộn thì “alô” hỏi thăm về gia đình, con cái. Trong lần tham dự Liên hoan phim Toronto ở Canada cách đây 2 năm, tôi và Johnny gặp nhau, mừng lắm. Bạn bè mà, bao nhiêu năm rồi.

* Không những đóng phim với Johnny Depp, anh còn có cơ hội tham gia nhiều phim khác ở Hollywood. Vai diễn nào để lại cho anh ấn tượng nhất?

- Có lẽ đó là vai Johnny trong phim Little fish (2005). Phim này tôi đóng vai chính bên cạnh ngôi sao Cate Blanchett, người từng đoạt giải Oscar năm 2004 qua phim The aviator của đạo diễn Martin Scorsese. Tuy nhiên, để nhớ mãi thì chắc phải nói đến bộ phim điện ảnh đầu tiên tôi tham gia là Rapid fire, được dịp đóng chung với Brandon Lee (con trai Lý Tiểu Long). Đây là một cơ duyên vì Lý Tiểu Long là thần tượng của tôi ngày còn bé. Lớn lên không có cơ hội đóng chung với ông nhưng lại cộng tác với con trai ông và bây giờ tôi lại vào vai Lý Tiểu Long trong phim Huyền thoại bất tử. Ngày nghe tin Brandon Lee bị tai nạn chết do sự cố bất cẩn về súng đạn khi đang quay phim, tôi thật sự buồn. Chúng tôi cũng đã có một khoảng thời gian cùng làm việc bên nhau.

* Trông anh quá bình dị, là diễn viên gốc Việt hiếm hoi thành danh tại Hollywood, sao anh không tự tạo cho mình một “vầng hào quang” khi trở về Việt Nam?

- Vì tôi nghĩ mình không phải là người xuất sắc, tài năng. Tôi từng tận mắt thấy hoặc làm việc chung với những người bạn diễn xuất giỏi hơn, tài năng, hơn tôi nhiều nhưng vẫn lận đận. Cuộc đời luôn có số phận mà! Với tôi ngôi sao chỉ là khái niệm nhất thời. Những gì thuộc về nhân cách mới bền vững. Tôi thích nghe mọi người nhắc đến mình là người tử tế hơn một ngôi sao điện ảnh. Ở Mỹ có rất nhiều hiệp hội dành cho diễn viên, đạo diễn, biên kịch... nhằm bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ. Hiệp hội diễn viên có đến 150 ngàn hội viên, trong đó chỉ có khoảng 12.000 người thu nhập từ 100 ngàn USD/năm trở lên thôi. Còn những ngôi sao được trả cát-sê vài triệu hay vài chục triệu USD/phim đếm trên đầu ngón tay, chiếm khoảng 1/10.000 thôi. Nói thế để hiểu Hollywood không phải là “thiên đường” mà trái lại có sự đào thải khắc nghiệt.

 
Dustin Nguyễn trong phim Huyền thoại bất tử - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Một diễn viên đang thành danh lại đột ngột trở về quê hương để làm việc trong nền điện ảnh thua kém xa Hollywood về mọi mặt. Anh đang tìm kiếm cái gì?

- Vô nghề được 10 năm, tôi chợt nghĩ sao mình không làm được gì đó cho quê nhà bằng khả năng của mình? Ước nguyện ngày càng lớn để rồi một ngày nhận lời mời từ đạo diễn Charlie Nguyễn, tôi hăm hở về nước vào vai Sỹ trong phim Dòng máu anh hùng. Tôi may mắn thành danh tại Hollywood nhưng thật sự mà nói vẫn chưa nhận được một vai diễn ưng ý, để đời, đậm chất Việt. Nói gì thì nói dòng máu Việt vẫn âm ỉ chảy trong tôi. Bộ phim này cũng tạo cho tôi sự thích thú khi lần đầu tiên thủ một vai phản diện. Tham gia một phim ở Mỹ, cát-sê trung bình từ 300 ngàn đến 500 ngàn USD tùy vai là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam không thể có mức thù lao cao như thế. Thứ nhất, tôi làm phim ở quê hương không phải vì tiền. Thứ hai để kiếm danh thì tôi cũng không. Một thị trường điện ảnh còn bó hẹp nếu so với Hollywood thì quá khập khiễng. Đơn giản bởi về nước tôi có cơ hội chọn lựa bằng nhiều vai diễn khác nhau, với tính cách đa chiều. Nghệ sĩ mà không có đất diễn thì còn gì làm nghề? Sự cạnh tranh ở Hollywood sẽ làm bạn rất khó tìm được cơ hội, làm được cái mình thích.

* Có nguy hiểm không khi anh từng thành công tại Việt Nam trong phim đầu tiên là Dòng máu anh hùng nhưng gặp thất bại ngay sau đó với bộ phim thứ hai là Sài Gòn nhật thực?

- Không chỉ riêng tôi mà gần như toàn bộ các diễn viên, đạo diễn phim đều gặp thất bại trong đời. Không ai làm phim nào cũng thành công, đóng phim nào cũng đoạt giải Oscar. Dĩ nhiên thất bại làm tôi buồn nhưng rồi vẫn cứ phải sống, phải làm việc và hướng đến tương lai. Nếu chọn sự an toàn cho vai diễn thì có lẽ tôi không phải là nghệ sĩ mà trở thành nhà khoa học thì tốt hơn.

* Anh nghĩ gì khi cầm trong tay kịch bản phim Huyền thoại bất tử? Lại một cuộc thử nghiệm vai diễn có tính cách khác biệt nữa của anh hay anh cho rằng đây sẽ là phim chiếu Tết, thu hút nhiều khán giả thì mức độ thành công sẽ cao hơn?

- Huyền thoại bất tử do Lưu Huỳnh viết kịch bản và đạo diễn. Từ lâu tôi rất muốn cộng tác với anh và quả thật đây chính là cơ hội. Đọc kịch bản xong tôi cảm động về tình mẫu tử, cách đối nhân xử thế của nhân vật Lý Tiểu Long. Đây là điều hiếm hoi vì có cảm xúc thì vào vai diễn mới đạt. Đóng phim này, tôi đã dồn hết tâm sức, tình cảm của mình vào đó. Nhiều lần gần ngất xỉu vì quá mệt, chân tay, đầu gối bầm tím, sưng vù. Quay phim đến tháng thứ 4 suốt gần chiều dài đất nước, tôi quá đuối sức. Có lần cả đoàn phim phải ngừng làm việc 4, 5 ngày vì cái lưng tôi bị trật. Đạo diễn Lưu Huỳnh luôn đòi hỏi những cảnh võ thuật hoành tráng trên phim phải diễn như thật, đánh thật chứ không múa võ nên bị thương là chuyện thường tình. Cũng may đội ngũ cascadeur đã giúp tôi rất nhiều trong những pha nguy hiểm. Tôi cám ơn họ.

* Chúc anh luôn gặp thuận lợi trên con đường chinh phục khán giả trong nước. 

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.