Vạch lá tìm sâu

11/12/2008 23:14 GMT+7

Một nghệ sĩ lâu năm than thở một câu: "Sân khấu của mình sao có nhiều người không quân tử! Hễ thấy tác phẩm nào của đồng nghiệp ra đời là tìm cách chê cho bằng được, mà không thấy sự cố gắng của họ!". Nghe chợt giật mình. Hình như điều đó là có thật.

Dĩ nhiên một tác phẩm nào cũng có cái hay, cái dở, cho nên chuyện chê khen là lẽ thường tình. Tuy nhiên, thái độ bình phẩm như thế nào để thấy anh có thiện chí, muốn góp ý cho tác phẩm hoàn thiện hơn, hay là kiểu "vạch lá tìm sâu" làm cho người khác nản lòng. Và hạ thấp được kẻ khác có khi cũng là một cách gián tiếp tự nâng mình lên (dù lắm lúc chỉ là... ảo tưởng!). Có người vì ghét ông đạo diễn đó, ông giám đốc nhà hát đó, hoặc cô diễn viên đó, nên khi đánh giá tác phẩm nào, họ cũng chen cái tình cảm yêu ghét riêng tư vô, không còn sự khách quan nữa. Thậm chí có người còn sổ toẹt mọi nỗ lực đáng trân trọng, những tâm huyết của đồng nghiệp mà quên luôn tình yêu chung của ngôi nhà sân khấu mà họ vun đắp, lý tưởng.

Rốt cuộc, người làm nghề không thấy bổ ích gì trong sự tiếp nhận dư luận và mạnh ai nấy là hòn đảo riêng, không thích liên kết với đồng nghiệp. Như thế thì làm sao sân khấu có được định hướng chung để cùng nhau tiến bộ! Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, sân khấu phải tự bươn chải để tồn tại, rất cần được sự quan tâm và động viên. Vì vậy, một lời khen chê đúng mực, công bằng, sẽ khiến người làm nghề phấn khởi, hoặc sửa chữa khuyết điểm, để tiếp tục bước đi.

Dư luận và sự góp ý là rất cần thiết, nhưng của cho không bằng cách cho, lời nói không bằng cách nói, nó sẽ khiến người ta tiếp nhận hay là bực bội. Nghệ thuật là con đường dài gian truân, rất cần bạn đồng hành tri kỷ. Dù không là tri kỷ, nhưng sự thiện chí của anh cũng khiến người ta có thêm niềm tin và sức lực. Đến lượt anh, cũng sẽ có tri kỷ hoặc bạn đồng hành nâng đỡ trở lại.

Thư Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.