Sẽ hết cảnh “thầy đọc trò chép” nơi giảng đường?

20/11/2006 22:37 GMT+7

Bằng cách tăng cường số tiết thực hành, thêm các "gia vị" mới... không khí sôi động nơi giảng đường đã có sức hút mới với sinh viên (SV) và mang lại những hiệu quả học tập thực sự ở nhiều giảng đường ĐH.

Nhìn các bạn trẻ với giấy tờ lỉnh kỉnh trên tay đang "xôn xao" tại cổng khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) chắc không ai có thể ngờ được họ là những SV năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đang thực hiện đề tài khoa học- "Đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM". Lớp học "không thầy", chỉ toàn "hùng biện gia" đang "lớn tiếng" với nhau, quyết liệt và sôi nổi nhưng vẫn rất khoa học... đó là không gian của buổi thuyết trình tại một lớp ngôn ngữ ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mà chúng tôi có dịp chứng kiến. Phần lớn các buổi học như vậy SV sẽ thực hiện những đề tài theo khung gợi ý trước của giáo viên, nhưng để kích thích hơn sự sáng tạo của SV thì ở những môn như Ngôn ngữ học xã hội, Tâm lý ngôn ngữ học, Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ..., SV có thể tự nghĩ ra câu hỏi rồi giải quyết theo ý riêng của mình. Với những môn học này, SV được toàn quyền "tự biên, tự diễn".

Cũng ngay từ năm đầu tiên, các SV ngành Luật dân sự Trường ĐH Luật (TP.HCM) lại tỏ ra rất say mê theo những vòng quay của Hành trình văn hóa - một trò chơi của chuyên đề học môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Tố Trinh, SV năm 2 ngành Marketing Trường CĐ Kinh tế đối ngoại (TP.HCM), cho biết: "Kỳ này tụi em học 8 môn nhưng môn nào cũng thuyết trình, học nhóm, viết tiểu luận nên suốt ngày lên thư viện "tụng" bài vở. Không chỉ ở cách dạy và học mà việc thi cử và lấy điểm cũng đổi mới nhiều. Thay vì thi và lấy điểm duy nhất một lần vào cuối mỗi kỳ, trường đã áp dụng cách cho điểm mới với nhiều cột điểm: chuyên cần, xây dựng bài, kiểm tra giữa kỳ... Đặc biệt, ngay cả kỳ thi cuối cùng cũng được hướng theo lối đề mở tự luận chứ không còn "sao y bản chính" bài giảng của thầy cô như trước nữa. Đó là một cách học và thi phải nói là rất người lớn".

"Tuy gánh nặng bài vở dồn nhiều lên SV nên có vất vả hơn thật, nhưng cách học và thi mới này không chỉ tạo được hứng thú cho SV, giúp họ hiểu sâu và nhớ lâu hơn kiến thức do chính họ tự mày mò, nghiên cứu, mà còn có thể đánh giá một cách khách quan năng lực thực sự của SV trong suốt cả một quá trình chứ không phải chỉ qua một bài thi", Trịnh Thị Hiệu - SV Trường ĐH Luật (TP.HCM) phát biểu một câu chắc nịch như vậy. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, nhiều SV còn yên tâm hơn vì được tạo một thói quen tự chịu trách nhiệm phần việc của mình ngay trong môi trường làm việc nhóm, kích thích khả năng sáng tạo, sự say mê nghiên cứu và cải thiện sự rụt rè, tính thụ động của SV khi giao tiếp trước công chúng.

Tuy nhiên cũng phải nói đây là một sự đổi mới còn chưa đồng bộ và phổ biến. Vẫn có những trường hợp như lớp CĐ Sợi 29 Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp II (TP.HCM), suốt 13 chuyên đề ở học kỳ I chưa hề thấy bóng dáng của một hình thức mới nào trong cách dạy và học của SV ngoài "đọc chép", hay như lớp Mỹ thuật công nghiệp ĐH Kiến trúc (TP.HCM) các SV năm nhất chỉ không phải đọc chép ở duy nhất một chuyên đề Nhân cách học... Đó là chưa kể những lớp học áp dụng phương pháp mới theo cách "bình cũ rượu mới" mà chưa có những "cách tân" thực sự. Đôi khi cách học mới gây nhàm chán lại xuất phát từ chính bản thân sự thụ động hoặc chưa thực sự muốn nhập cuộc mà chỉ làm cho có hoặc "ăn theo" của SV. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Công Đức - Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ văn - Báo chí trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM) cho biết: "Đổi mới cách dạy và học nơi giảng đường hiện đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc rất đáng mừng, đó là một trong những điều mà chúng ta đang cố gắng đạt được. Vì là không quá quen thuộc nên chúng ta không thể phủ nhận một sự thật là "vạn sự khởi đầu nan", và còn cần ở tiếp theo cả một quá trình cố gắng. Tuy nhiên, để đến được đích thành công, thì rất cần  sự nỗ lực thực sự  không chỉ của bản thân người học mà cả ở người đứng lớp".

H.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.