Thế hệ lãnh đạo thứ 2 của Microsoft

10/12/2006 22:29 GMT+7

Sau một thời gian khá dài dẫm chân tại chỗ và bị qua mặt trong một số lĩnh vực, Microsoft dần dần lấy lại phong độ nhờ một thế hệ lãnh đạo trẻ có tư duy nhạy bén hơn.

Đúng 3 giờ 32 phút ngày 19.10, toàn bộ 230 nhân viên của bộ phận phát triển thiết bị nghe nhạc số cầm tay của Microsoft "Zune" đồng loạt nhận được một tin nhắn từ nhóm trưởng J.Allard. Tin nhắn chứa đường dẫn tới một đoạn băng video phát trên trang YouTube, trong đó có cảnh ông chủ của tập đoàn máy tính Apple, Steve Jobs nhạo báng Microsoft: "Vấn đề duy nhất của Microsoft hiện nay là họ không có khiếu thẩm mỹ. Họ hoàn toàn thiếu tính thẩm mỹ".

Trong tình cảnh hiện tại của Microsoft, đoạn băng đó có thể coi là liều thuốc cần thiết nhằm vực dậy tinh thần sáng tạo của hãng trong những lĩnh vực mới. Sau đó chưa đầy một tháng, ngày 14.11, Zune xuất hiện trên thị trường, với nhiệm vụ gần như bất khả thi là lật đổ ngôi vị bá chủ mà iPod đang nắm giữ. Trái với bộ máy đồ sộ gồm gần 10.000 nhân viên, tập trung toàn bộ trong gần 5 năm để phát triển hệ điều hành Windows mới "Vista",  Zune chỉ có 8 tháng trời chuẩn bị. Không ai dám đặt niềm tin Zune sẽ gây ra một chấn động giống như Vista, vì đó mới chỉ là phiên bản đầu tiên, tương đối thô so với iPod. Nếu may mắn, nó chỉ cần tiêu thụ được 3 triệu chiếc là đã hạnh phúc lắm. Bù lại, nhiều khả năng tới cuối năm 2007, Vista sẽ khẳng định được các ưu điểm của mình và bán được ít nhất 76 triệu bản, mang về doanh thu khoảng 11,5 tỉ USD, đủ sức tài trợ cho các dự án khác của Microsoft.

Đó cũng là hy vọng nhằm lấy lại hình ảnh của Microsoft. Người khổng lồ công nghệ phần mềm đang bước vào giai đoạn biến động lớn nhất  trong 30 năm tồn tại, do tác động của nhiều mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực này, như sự xuất hiện của thế hệ phần mềm mã nguồn mở, bùng nổ quảng cáo trên mạng... Để làm được điều đó đòi hỏi phải có một thế hệ lãnh đạo mới, với một phong cách làm việc khác hẳn trước đây.

Chưa có gương mặt mới nào tỏ ra đủ sức thay thế Bill Gates, dự định sẽ về hưu vào tháng 6.2008 để tập trung vào làm từ thiện. Nhưng người ta đang chú ý tới một số lãnh đạo hàng đầu của hãng như Steven Sinofsky, từng nhiều năm lãnh đạo bộ phận nghiên cứu Office và là trợ thủ công nghệ hàng đầu của Gates. Ngoài ra còn có Ray Ozzie, phụ trách bộ phận internet hóa một số sản phẩm của Microsoft.

Nhưng trụ cột của Microsoft thế hệ 2 rất có thể sẽ là những gương mặt hoàn toàn mới, như Allard, Phó giám đốc phụ trách thiết kế của bộ phận Giải trí và thiết bị, một người có tầm nhìn hoàn toàn không có gì giống phong cách truyền thống của Microsoft. Anh dùng tới 9 chiếc iPod với những bài hát của các ban nhạc "thứ dữ" như A.R.E. Weapons, ăn diện đồ hiệu bảnh bao. Với Allard, thú vui lớn nhất là tốc độ: đạp xe thả dốc, những chiếc Ferrari 360 và Porsche 911. Điều quan trọng nhất là khả năng cụ thể hóa ý tưởng nhanh đến kinh ngạc của Allard. Zune chỉ là một ví dụ gần đây nhất; cách đây khoảng 10 năm, anh chàng có vẻ hơi gàn này đã mở một lối đi mới cho người khổng lồ vào lĩnh vực trò chơi điện tử bằng Xbox. Tới nay Xbox đã chiếm lĩnh một phần thị trường và chỉ xếp sau PlayStation của Sony. Cách tư duy tương đối lạ và thành công của Allard đã giải thích tại sao vào tháng 6 vừa qua Bill Gates đã chỉ định anh này, cùng một vài người khác, làm đội ngũ kế cận các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Allard và những người giống anh đã chứng minh rằng cần có một tư duy mới và những chiến lược mới để mở rộng hướng đi, hơn là chỉ tập trung vào phát triển Windows. Và trên thực tế họ đã thuyết phục được hai ông chủ Microsoft là Bill Gates và Steve Ballmer về điều này. Sơ suất lớn nhất của Microsoft trong mấy năm gần đây là họ đã bỏ qua thị trường nhạc số, bỏ mặc cho Apple làm mưa làm gió (chiếm tới 85% thị trường). Allard hiểu không thể đánh bại Apple bằng cách bắt chước công nghệ của họ, vì thế nhóm của anh ta đã tìm cách thay đổi luật chơi, tích hợp nhiều tiện ích mới vào Zune: Wi-Fi, tự do trao đổi bài hát giữa các máy với nhau... Giống như Xbox, Zune xuất hiện  lần đầu với nhiều khiếm khuyết, nhưng họ hy vọng nó sẽ hoàn thiện hơn trong các phiên bản sau.

Lối tư duy mở như của Allard cũng đang dần dần được khẳng định trong các bộ phận khác của Microsoft. Xu hướng web hóa đang được tập đoàn hết sức coi trọng phát triển, công việc này được giao cho Ozzie, một người được xem là sẽ kế tục quyền lực của Bill Gates. Nhiều tính năng mới khai thác những tiện ích của internet đã được tích hợp vào các phiên bản mới của Windows, chẳng hạn như chương trình Windows Live Mail, cho phép truy cập e-mail đủ loại trên cùng một cửa sổ, kể cả Gmail của Google. Hiện tại, phần lớn lợi nhuận của tập đoàn do các sản phẩm truyền thống như Windows, Office mang lại, nhưng tương lai tăng trưởng sẽ phải đến từ những dự án mà Allard hay Ozzie đang khởi động.

T.N (Theo Business Week)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.