Giá hàng Tết năm nay sẽ tăng cao

20/11/2005 11:08 GMT+7

Các doanh nghiệp cho biết, sản lượng đưa ra thị trường Tết Nguyên Đán sẽ tăng khoảng 40% so với mọi năm để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào cộng với chi phí vận chuyển tăng, giá bán ra sẽ tăng thêm từ 10% đến 20%.

Ông Đỗ Viết Quang, Trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho biết, thời gian này Bibica đã huy động tối đa nhân lực, sản xuất 3 ca liên tục nhằm thực hiện kế hoạch đưa 3.800 tấn bánh kẹo ra thị trường, với 3 triệu hộp bánh kẹo các loại. Riêng sản phẩm chocolate, doanh thu trong dịp Tết dự kiến đạt 130 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.

Cũng nhu Bibica, Công ty Kinh Đô đã đầu tư công nghệ mới, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ thị trường, với kế hoạch sản xuất hơn 2.500 tấn bánh kẹo, chocolate, tăng 15% so với mùa Tết Ất Dậu.

Ngay từ tháng 8, Công ty Vissan (trực thuộc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn) cũng đã chuẩn bị dự trữ nguồn hàng tăng 20-25% tùy theo chủng loại "để dành" phục vụ cho nhu cầu mua sắm cuối năm. Do tiên liệu thị trường khan hiếm nguồn thịt gà vịt vào cuối năm, Vissan tăng cường dự trữ lượng thịt heo, trâu bò và đặc biệt là hàng chế biến, thịt nguội để thay thế. Phó giám đốc Vissan Văn Đức Mười dự kiến, doanh số kinh doanh mùa cuối năm của đơn vị này có thể tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí "đề phòng" khả năng hút hàng sau dịp Tết của thị trường, Vissan lập luôn kế hoạch dự trữ 300 con heo thịt mỗi ngày.

Ông Lê Tuấn Khanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Ngôi Sao (Starfood) cho biết, từ năm 2002 trở lại đây, mỗi cái Tết thị trường đồ hộp lại tăng 200%. Hiện cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp, song mới chỉ có một số tên tuổi được người tiêu dùng biết đến. Trong dịp cuối năm này Starfood dự kiến cho ra mắt 13 sản phẩm mới.

Mặt hàng rượu, bia và nước giải khát thường có sức tiêu thụ rất mạnh mỗi khi Tết đến xuân về. Ông Vũ Mạnh Hào, Giám đốc điều hành Công ty Rượu và Nước giải khát Anh Đào (Hà Nội) cho biết, từ vài tháng nay công ty đã tập trung làm hàng Tết. Anh Đào sẽ tung ra lượng rượu nhiều hơn năm ngoái khoảng 30%, với 5 loại hàng mới.

Đời sống người dân ngày một khá lên, siêu thị ngày càng trở thành điểm lựa chọn để mua sắm trong dịp Tết. Không bỏ lỡ cơ hội này, một số siêu thị đã lên kế hoạch chuẩn bị thực phẩm. Các siêu thị cho biết, trước tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng lan rộng, nhiều khả năng Tết Bính Tuất người dân sẽ không còn tiêu thụ mặt hàng này nữa. Các siêu thị đã tính phương án tăng cường dự trữ thực phẩm thay thế. Quản lý Phòng mua Siêu thị của siêu thị Unimart ở Hà Nội cho biết, Unimart có thể sẽ nhập nhiều hơn thịt bò nội, ngoại, hay hàng thủy sản.

Các doanh nghiệp dự đoán, Tết năm nay giá hàng hóa sẽ tăng khoảng 15-20% so với mọi năm. Nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào tăng trên dưới 30%. Bên cạnh đó chi phí vận chuyển cũng leo thang theo giá xăng dầu buộc nhà sản xuất phải tăng giá bán. Giá bán năm nay của Bibica sẽ tăng khoảng 20%. Tuy nhiên theo ông Quang, việc tăng giá bán sản phẩm chưa phản ánh đúng thực chất so với giá cả đầu vào hiện nay. Công ty cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết giảm chi phí, tăng năng suất, đồng thời phải cắt giảm bớt một phần lợi nhuận.

Ông Văn Đức Mười cho biết, Vissan đã chuẩn bị một lượng hàng lớn để sản xuất thực phẩm chế biến nên giá bán sẽ được ghìm ở mức tăng 10%. Kinh Đô khẳng định không tăng giá vì đã có kế hoạch tích trữ trước đó.

Theo các doanh nghiệp, để có được nguồn thực phẩm tươi sống vào dịp Tết thì ngay từ bây giờ phải có sự đầu tư, vì thế khó nói trước được giá bán sẽ tăng đến mức nào.

Nhằm tránh tình trạng biến động giá đột biến vào dịp Tết, mới đây Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ đã có văn bản yêu cầu các sở thương mại, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ và đúng chất lượng nguồn hàng, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến và tồn đọng nhiều hàng sau Tết.

Theo vnexpress

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.