Đại biểu kiến nghị giảm thuế, Bộ trưởng nói không thể

07/06/2012 20:40 GMT+7

(TNO) Giảm thuế, kích cầu, nới lỏng cho vay là kiến nghị của nhiều đại biểu trong phiên họp Quốc hội chiều nay (7.6) nhằm “giải cứu” doanh nghiệp qua giai đoạn kinh tế khó khăn.

Chiều nay, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

Trong phiên thảo luận, bốn vị đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; Bộ Trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo thêm những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm.

Đề nghị kích cầu, giảm thuế

Đóng góp ý kiến thảo luận, ĐB Cao Sỹ Kiêm (tỉnh Thái Bình) nhìn nhận: Chính phủ đã có các chủ trương, chính sách đúng đắn để điều hành nền kinh tế và giải cứu doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khó khăn. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để đưa chủ trương, chính sách và các gói hỗ trợ của Chính phủ vào cuộc sống, để DN có thể tiếp cận.

Theo ông Kiêm, việc quan trọng nhất hiện nay là phải triển khai nhanh các biện pháp này công khai, minh bạch, công bằng và giải quyết các mắc mớ trong quá trình thực hiện.


ĐB Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần đưa chủ trương, chính sách, các gói hỗ trợ của Chính phủ đến DN nhanh nhất - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Hoàng Văn Thượng nêu ý kiến cho rằng, ngân hàng hiện đã hạ lãi suất cho vay nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ có chính sách nới lỏng cho vay, nếu không DN sẽ không thỏa mãn điều kiện được vay.

Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, nợ xấu ngân hàng hiện tăng cả số tương đối và tuyệt đối nên rất nguy hiểm. Theo ĐB này, Chính phủ chỉ nên giảm lãi xuất, chứ không nên giảm điều kiện cho vay, tín dụng. Vì nếu “mở” các điều kiện cho vay thì các ngân hàng sẽ lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn nợ xấu.

 
Nếu giảm thuế tiếp (trong tình trạng thu ngân sách đang ở mức thấp nhất 5 năm trở lại đây) thì sẽ không đảm bảo cân đối ngân sách
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Trước đó, trong buổi sáng nay, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng phân tích: "Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang bị nghẽn. Nợ xấu ngân hàng chính là “cục máu đông” làm “tắc nghẽn mạch máu” nền kinh tế”.

ĐB Lịch kiến nghị Chính phủ cần giảm thuế thu nhập DN để tạo niềm tin cho DN vượt qua khó khăn hiện nay. “Khi “người bệnh” đã tin thì “uống thuốc” mới hiệu quả. Trước sau gì cũng giảm thuế. Vì vậy giảm lúc này là hợp lý nhất”, ông Lịch phát biểu.

Đồng thời, theo ý kiến của nhiều ĐB, vấn đề hiện nay của các DN là không dám vay để đầu tư sản xuất vì nhu cầu thị trường, sức mua giảm, hàng hóa không bán được.

Vì vậy, ĐB Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất; kích cầu tiêu dùng để tạo đầu ra cho sản phẩm, giúp DN giải quyết tồn kho thì mới có thể đầu tư sản xuất tiếp.

Một số ĐB bổ sung thêm ý kiến: Chính phủ cần xử lý mạnh tay với hàng gian, hàng giả đang làm tổn thương các DN làm ăn chân chính để “lành mạnh” thị trường.

Bên cạnh đó, ĐB Cao Sỹ Kiêm cũng đề nghị Chính phủ nên tập trung xử lý nhanh, rõ những sai phạm ở một tập đoàn đã được nêu; sắp xếp nhanh và có hiệu quả các ngân hàng yếu kém; sắp xếp lại DN (cả lớn, vừa và nhỏ); xử lý các vi phạm về cán bộ, tổ chức đã rõ, để tạo lòng tin bền vững trong nhân dân.

"Không thể giảm thuế được nữa"

Về ý kiến giảm thuế DN và thuế VAT của các ĐB, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nếu giảm ngay thuế VAT thì sẽ giảm thu ngân sách 15% dự toán, và sẽ không có khoản nào bù đắp vào ngân sách Nhà nước.


Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phân tích không thể giảm thuế được nữa - Ảnh: Ngọc Thắng

Mặt khác, ông Huệ phân tích, nếu Chính phủ chỉ giảm thuế VAT trong nước mà không giảm cho nhập khẩu sẽ vi phạm quy định của WTO về bảo hộ kinh tế. Chưa kể, “bây giờ Chính phủ giảm thuế thì cũng không thể đảm bảo DN giảm giá bán và chúng ta không có chế tài nào buộc DN phải giảm giá khi giảm thuế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

“Nếu giảm thuế tiếp (trong tình trạng thu ngân sách đang ở mức thấp nhất 5 năm trở lại đây) thì sẽ không đảm bảo cân đối ngân sách”, ông Huệ báo cáo.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: QH đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế. Đồng thời kỳ vọng Chính phủ sớm khắc phục những hạn chế yếu kém, giải quyết khó khăn cho DN; tái cơ cấu kinh tế, ngân hàng, DNNN; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ thận trọng nhưng linh hoạt và thực hiện tốt an sinh xã hội...


Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo về hoạt động các DNNN - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra năm đơn vị, thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước, bao gồm: Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Hàng hải (Vinalines).

Kết quả đã phát hiện vi phạm tại các tập đoàn này lên tới trên 30.000 tỉ đồng. Đây là con số chính thức mà báo chí đã đưa tin và thanh tra có được.

Vi phạm của các đơn vị thuộc năm dạng là: sai qui trình, thủ tục theo quy định Nhà nước trong đầu tư, chi phí và các hoạt động sản xuất kinh doanh; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả lợi nhuận không đúng và trình độ quản lý DN còn nhiều yếu kém, dẫn đến các vi phạm về kinh tế và pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện thất thoát đối với các nguồn vốn này. Tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều đã có kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả vi phạm.

Riêng tập đoàn Sông Đà, Thanh tra Chính phủ đã chuyển qua cho cơ quan điều tra dự án xây dựng nhà máy xi măng Đồng Bành.

Đối với Vinalines, qua thanh tra phát hiện Vinalines đầu tư dàn trải và có biểu hiện nóng vội, chủ yếu bằng vốn vay, chiếm tỉ lệ cao đến 82%. Dù có sai phạm nhưng Vinalines vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh, tuy nhiên càng về sau thì hiệu quả càng kém, đến năm 2012 bắt đầu lỗ. Theo chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh của Vinalines hiện nay rất khó khăn, cần phải được tái cơ cấu. Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ sửa chữa ụ tàu nổi của Vinalines.

Về vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ tháng 9.2011 đến nay, khiếu nại, tố cáo trong cả nước giảm ở cả ba mặt (số đơn, số lượt người và số lượt công văn). Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn đang rất phức tạp, nhiều trường hợp quá khích, đối đầu với chính quyền.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cho biết: Tính đến cuối năm 2010, tổng tài sản của các tập đoàn, công ty nhà nước lên đến 1.799 nghìn tỉ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 1.088 nghìn tỉ. Vốn chủ sở hữu tính đến 31.12.2010 vẫn còn 40%. Lợi nhuận năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt 162.910 tỉ đồng, tăng 66% so với thực hiện năm 2009. Mức lỗ của một số tập đoàn, công ty Nhà nước trong năm 2010 là khoảng 1.116 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến 31.12.2010 là 26.103 tỉ đồng.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước ý kiến của các ĐBQH cho rằng Chính phủ đã thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa một cách quá đáng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khẳng định: Đúng là năm 2011 chúng ta thực hiện một chính sách tiền tệ, nhưng chưa bao giờ nói rằng thực hiện một chính sách tiền tệ thắt chặt, mà phải nói rằng thực hiện một chính sách thận trọng và linh hoạt.

Ngay sau Tết (2012), Ngân hàng Nhà nước liên tục nới ra một ít chính sách tiền tệ. Đến giữa tháng 3 thì Ngân hàng Nhà nước hầu như tháo bỏ hoàn toàn tín dụng cho nhóm bị hạn chế. Hiện nay, gói thắt chặt là không có.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cung ra một lượng tiền khủng khiếp - 180 nghìn tỉ đồng.

Theo ông Bình có sự chậm trễ trong hạ lãi suất là do ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Họ kinh doanh mua bán mặt hàng tiền tệ, nên cũng chỉ có thể bán ở mức giá mà họ chấp nhận được. Do vậy, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo thanh khoản của mình, chưa dám tăng trưởng tín dụng một cách mạnh mẽ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành để thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để góp phần xử lý khoảng trên dưới 100 nghìn tỉ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc bảo toàn vốn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 11.6 này lãi suất huy động sẽ giảm xuống còn 9%.

Đến cuối năm 2012, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 5,2%; lạm phát 7 - 8%. Đây là mức được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn hợp lý.

Nguyên Mi - Hoàng Uy

>> Lạm phát giảm nhưng tiềm ẩn nguy cơ suy thoái
>> Tham nhũng từ đất đai khá phổ biến
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Tránh đầu tư dàn trải, nửa vời vào nông nghiệp
>> Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty: Kiểm soát, giám sát còn nể nang nhau
>> Giữ lạm phát cả năm ở mức 7 - 8%

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.